P |
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ngày 16/2. (Nguồn: Reuters) |
Theo The Straits Times ngày 18/2, việc Mỹ trải thảm đỏ để đón 10 nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần đầu tiên do Tổng thống Barack Obama chủ trì ở khu nghỉ dưỡng Sunnylands, bang California cho thấy Washington đã sáng suốt khi chuyển hướng sang một trong những khu vực năng động nhất thế giới.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng ở những cường quốc truyền thống là Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục có dấu hiệu suy giảm và những lời hứa hẹn của Ấn Độ vẫn chưa được hiện thực hóa thì mối quan hệ sâu sắc giữa Mỹ và ASEAN sẽ có lợi cho giới doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai bờ Thái Bình Dương.
Sự nổi lên tương đối của thị trường ASEAN trong việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài diễn ra trong lúc sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đang giảm sút. Những quy định không nhất quán, luật pháp rắc rối và tâm lí bài ngoại ngày càng tăng ở Trung Quốc cũng khiến giới doanh nghiệp Mỹ lo ngại về thị trường này. Theo Nhật báo Phố Wall, trong năm 2015, gần 77% doanh nghiệp trong số gần 500 doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát về môi trường kinh doanh Trung Quốc cảm thấy kém được hoan nghênh hơn so với những năm trước đó. Khoảng 10% doanh nghiệp Mỹ đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển một phần công việc kinh doanh ra ngoài Trung Quốc do những rào cản quy định ở nước này.
Một loạt doanh nghiệp nước ngoài, từ Apple đến Qualcomm, đã và đang trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra của giới truyền thông. Các nhà sản xuất ôtô và phụ tùng nước ngoài, các công ty công nghệ và sản xuất sữa bột… đều đã bị phạt theo luật chống độc quyền của Trung Quốc.Vì vậy, không đáng ngạc nhiên khi đầu tư của Mỹ ở Đông Nam Á nhiều hơn ở Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại.
Hơn nữa, với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, một thị trường khu vực đồng nhất chính thức được khởi động, doanh nghiệp Mỹ có thể là một phần rất lớn trong đó. Dòng thương mại hàng hóa, dịch vụ và lao động lành nghề được tự do hơn hoặc hoàn toàn tự do luân chuyển trong Hiệp hội tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp cũng như công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, trong đó có cả những công ty và cá nhân Mỹ đã làm ăn tại đây.
Nhà nghiên cứu Ernie Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cũng nhấn mạnh đến cơ hội trong AEC. Ông nói: "AEC mở cánh cửa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Đông Nam Á tiếp cận các thị trường gần kề và tạo nên một phân khúc thị trường hàng hóa hoặc dịch vụ lớn hơn bao giờ hết".
Địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở California cũng là nơi Tổng thống Obama tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây hai năm rưỡi. Ít nhất, quan hệ Mỹ-ASEAN và Mỹ-Trung Quốc giờ đây sẽ được Washington coi trọng ở cùng một mức độ. Thảm đỏ ở Đông Nam Á từ lâu đã được trải để chào đón doanh nghiệp nước ngoài và doanh nhân Mỹ.
Với cánh cửa AEC đã mở, nguồn đầu tư quan trọng từ các doanh nghiệp khu vực đã được xác định. Giờ đây, đối với các doanh nghiệp cả lớn và nhỏ, việc kinh doanh lành mạnh tại thị trường Đông Nam Á có thể mở ra cơ hội ở cả khu vực rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương.