Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands, California (Mỹ). |
Quan hệ Đối tác đối thoại Mỹ - ASEAN được thiết lập từ năm 1977, nhưng suốt thời gian dài mối quan hệ này không có nhiều tiến triển thực chất. Nguyên nhân là sau khi thất bại và buộc phải rút khỏi Đông Dương, Mỹ không còn quan tâm tới Đông Nam Á như trước.
Bước đột phá về chất
So với các mối quan hệ khác, đặc biệt là quan hệ Trung Quốc – ASEAN, quan hệ Mỹ - ASEAN được thiết lập từ rất sớm nhưng lại phát triển chậm hơn. Mỹ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và để cho các cường quốc khác lấn lướt ở khu vực.
Nhận thức được điều đó, ngay từ khi lên cầm quyền năm 2009, Tổng thống Obama đã điều chỉnh chính sách, xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương và coi ASEAN là một trong những đối tác hàng đầu. Trong bảy năm qua, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện ở khu vực trên tất cả các mặt, tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nâng cấp quan hệ Mỹ - ASEAN… Lãnh đạo cấp cao Mỹ và ASEAN đã có nhiều cuộc gặp, nhưng chủ yếu bên lề các diễn đàn đa phương ở khu vực và trên thế giới.
“Hội nghị Sunnylands nhằm gửi một tín hiệu với thế giới rằng Mỹ coi trọng ASEAN. Mỹ sẽ giữ lời hứa tại Đông Nam Á và cam kết cùng làm việc với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nhằm đặt ra những nguyên tắc rõ ràng cho việc xử lý nhiều vấn đề mà Mỹ và các nước chia sẻ lợi ích chung”. Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. |
Với Hội nghị Sunnylands, đây là lần đầu tiên trong 39 năm qua, Tổng thống Mỹ trực tiếp mời lãnh đạo mười nước ASEAN tham dự một cuộc họp riêng rẽ trên đất Mỹ. Như vậy, phải mất 38 năm, quan hệ Mỹ - ASEAN mới được nâng cấp thành Đối tác chiến lược, nhưng chỉ cần ba tháng để triển khai thực chất và tạo bước nhảy vọt trong mối quan hệ Đối tác chiến lược này. Điều này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của ASEAN đối với Mỹ trong giai đoạn hiện nay.
Hội nghị Sunnylands còn là hội nghị cấp cao đầu tiên của ASEAN với một Đối tác đối thoại sau khi hình thành Cộng đồng và là tiền đề quan trọng để các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Mỹ gắn bó lâu dài với ASEAN.
Năm điểm nhấn
Kết quả quan trọng nhất mà Hội nghị Sunnylands đạt được là bản Tuyên bố chung gồm 17 nguyên tắc cơ bản định hướng cho sự phát triển thực chất, sâu rộng và cùng có lợi giữa ASEAN và Mỹ trong thời gian tới. Nghiên cứu kỹ bản Tuyên bố chung cho thấy mức độ cam kết cao chưa từng có từ trước đến nay của Mỹ dành cho ASEAN với năm điểm nhấn.
Một là, Mỹ và ASEAN công nhận nền tảng quan trọng nhất của mối quan hệ Đối tác chiến lược này là sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và chính trị độc lập của tất cả các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều này hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận rộng rãi hiện nay.
Hai là, hai bên chia sẻ nhiều nhận thức và lợi ích chung về phát triển, như cùng nhau đề cao tầm quan trọng của thịnh vượng chung, tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện bền vững, hướng tới thế hệ trẻ nhằm duy trì hòa bình, phát triển và ổn định vì lợi ích chung của khu vực.
Để đạt được điều này, Mỹ cam kết ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng, cùng nhau xây dựng các nền kinh tế năng động, cởi mở, cạnh tranh và liên kết chặt chẽ nhằm giúp tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kết nối, đổi mới và tinh thần kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thu hẹp khoảng cách phát triển; cam kết đảm bảo cơ hội cho tất cả người dân…
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, kinh tế Nhật Bản và châu Âu gặp nhiều khó khăn, ASEAN nổi lên như là một trung tâm phát triển năng động, là công xưởng và thị trường hàng đầu thế giới. Mỹ thực sự cần ASEAN và họ có nhiều lợi ích to lớn ở Đông Nam Á. Những cam kết chính trị mạnh mẽ từ chính quyền Mỹ đối với ASEAN là rất cần thiết và là sự đảm bảo vững chắc để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ yên tâm làm ăn kinh doanh lâu dài ở khu vực.
Ba là, trong lĩnh vực an ninh, Mỹ và ASEAN chia sẻ lợi ích chung về giải quyết hòa bình các tranh chấp, công nhận các tiến trình pháp lý và ngoại giao dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, không quân sự hoá và tự kiềm chế. Đây đều là những lợi ích quan trọng đối với Mỹ và ASEAN.
Có thể nói, hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trong lĩnh vực biển và đại dương rất đa dạng, không chỉ bó hẹp trong xử lý các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Mỹ muốn giúp ASEAN nâng cao năng lực nhận thức biển, tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển để bảo đảm tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Mặc dù không nêu đích danh Biển Đông, nhưng những nội dung được ghi nhận trong Tuyên bố chung, đặc biệt tại các điểm 7, 8 và 9, đã phản ánh đầy đủ quan điểm cốt lõi của cả Mỹ và ASEAN về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
“Thời gian qua, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa tìm ra cách giải quyết thách thức địa chính trị lớn nhất đối với nước này trong thế kỷ XXI - sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng có lẽ thực tế này đã thay đổi vào ngày 15/2 khi Tổng thống Obama chào đón 10 nhà lãnh đạo ASEAN tới Sunnylands”. Jennifer M. Harris, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. |
Bốn là, hai bên đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc cùng nhau hợp tác giải quyết các thách thức phi truyền thống toàn cầu như an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, buôn bán ma túy, buôn bán người, đánh bắt cá bất hợp pháp, cũng như buôn bán trái phép động vật hoang dã và khai thác gỗ bất hợp pháp; giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và xây dựng ASEAN bền vững về môi trường và khí hậu.
Đây là những lĩnh vực mà diện cam kết giữa Mỹ và ASEAN rất rộng, phản ánh sự tương đồng lợi ích to lớn giữa hai bên, là tiền đề để Mỹ và ASEAN thúc đẩy hợp tác toàn diện trong thời gian tới.
Năm là, hai bên cam kết tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu về sự phát triển bền vững, tăng cường kết nối con người, nhất là thanh niên. Mỹ cam kết ủng hộ mạnh mẽ sự đoàn kết, vai trò trung tâm và các cơ chế do ASEAN xây dựng trong các cấu trúc khu vực đang định hình.
Tóm lại, những cam kết trên đây là rất mạnh mẽ và toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để đưa quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả.
Vị thế mới của ASEAN
Thành công của Hội nghị Sunnylands đồng nghĩa với việc vị thế của ASEAN được nâng cao rõ rệt trong quan hệ với các đối tác ngoài khu vực và trong các cấu trúc khu vực đã và đang định hình.
Tuyên bố chung còn là một cam kết hiếm hoi của Mỹ đối với ASEAN và có lẽ chưa từng có trong quan hệ của Mỹ với bất cứ tổ chức quốc tế nào. Đó là việc lãnh đạo cấp cao Mỹ cam kết bằng văn bản sẽ tham dự tất cả các cuộc họp thượng đỉnh Đông Á và Đối thoại cấp cao Mỹ - ASEAN, tạo một tiền lệ rất có lợi cho ASEAN ở hai điểm.
Đầu tiên, đây là cơ sở quan trọng để các đời Tổng thống kế tiếp của Mỹ, dù thuộc đảng phái chính trị nào, cũng sẽ phải cân nhắc tham dự đầy đủ các cuộc họp quan trọng với ASEAN.
Hai là, ASEAN sẽ ở vào một vị thế chính trị vững chắc hơn trong các cơ chế cấp cao đa phương khu vực bởi một khi Mỹ - cường quốc hàng đầu thế giới đã có cam kết mạnh mẽ như vậy, thì không có lý do gì để các đối tác đối thoại còn lại không có những biện pháp tương tự.
Hơn nữa, cùng với việc Mỹ tuyên bố triển khai sáng kiến Kết nối ASEAN - Mỹ và thành lập thêm ba văn phòng đại diện thương mại tại khu vực Đông Nam Á, tới đây, ASEAN sẽ được đón nhận các dòng vốn, đầu tư, thương mại dịch chuyển từ những nơi khác tới, góp phần giúp ASEAN ngày càng phát triển thịnh vượng.
Một kỷ nguyên mới đang mở ra trong quan hệ Mỹ - ASEAN, là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào tương lai tươi sáng của ASEAN, vào hòa bình, ổn định, sự thịnh vượng chung ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.