Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào tháng 2/2019. (Nguồn: Getty Images) |
Bắc Kinh và Tehran đều đang cảm thấy rõ áp lực từ phía Washington. Trung Quốc vướng vào cuộc chiến thương mại đầy cay đắng với Mỹ, trong khi nền kinh tế Iran bị ảnh hưởng trầm trọng bởi các đòn trừng phạt mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt sau khi rời bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015.
Tuy nhiên, cả thuế quan và các đòn trừng phạt đều không thể đem đến cho Tổng thống Trump những nhượng bộ mà ông đòi hỏi từ hai quốc gia này. Hơn thế nữa, những diễn biến gần đây cho thấy hai đối thủ của Mỹ có thể đã tìm thấy một mục tiêu chung rất lớn.
Tehran đang gần hơn với Bắc Kinh
Trong phiên họp Quốc hội tuần trước, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thừa nhận rằng Chính phủ đang “rất tự tin” vào các cuộc đàm phàn về kế hoạch xây dựng quan hệ đối tác 25 năm với Trung Quốc, một kế hoạch có thể thu hút khoản đầu tư trị giá 400 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Iran.
Một văn bản chi tiết về kế hoạch, dài 18 trang, đã bị tiết lộ trên mạng và chưa rõ nguồn, song hoàn toàn trùng khớp với những thông báo trước đó của Chính phủ Iran. Thỏa thuận được cho là rất quy mô, với tiềm năng tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo, kể cả những nhiệm vụ chung tại Syria và Iraq.
Thỏa thuận này hứa hẹn sẽ mở cửa để các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện trong ngành đường sắt, cảng biển và viễn thông liên lạc, đồng thời đảm bảo Bắc Kinh sẽ có được nguồn cung dầu mỏ trong 1/4 thế kỷ tới.
Trung Quốc sẽ phát triển một khu vực thương mại tự do tại những địa điểm chiến lược tại Iran, kết nối quốc gia này chặt chẽ hơn với sáng kiến thương mại và phát triển toàn cầu “Vành đai và Con đường”.
Dù được xúc tiến từ năm 2016, trước thời điểm Trump đắc cử Tổng thống, song thời điểm Trung Quốc và Iran thúc đẩy thỏa thuận không tránh khỏi việc làm dấy lên những hoài nghi. Thực tế này khiến khả năng Tổng thống Trump đưa Tehran trở lại bàn đàm phán sau khi rút những cam kết của Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) - một thỏa thuận ngoại giao tốn nhiều năm trời để hoàn thành với không ít nỗ lực của các cường quốc, trong đó có cả Trung Quốc - càng trở nên bất khả thi.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Iran rõ ràng đang tìm đến Bắc Kinh để cứu vãn tình hình. Và giới chức Trung Quốc, vốn đang có những tranh cãi riêng với Washington, dường như cũng sẵn sàng mạo hiểm.
Nhà báo Farnaz Fassihi và Steven Lee Myers viết trên tờ New York Times: “Trong khi Mỹ chật vật với suy thoái và dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, chật vật với việc ngày càng cô lập trên phương diện quốc tế, Bắc Kinh đã nhận thấy điểm yếu của Mỹ…
Dự thảo thỏa thuận với Iran cho thấy không giống hầu hết các quốc gia khác, Trung Quốc cho rằng họ đang ở vị thế đủ để thách thức Mỹ, đủ mạnh để chống đỡ các đòn trừng phạt của Mỹ, như những gì họ đang làm trong cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump kích động”.
Chưa rõ thời điểm thỏa thuận kể trên được thông qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trả lời báo chí một cách đơn giản rằng “Trung Quốc và Iran có tình hữu nghị truyền thống, hai nước đã giữ liên lạc về việc phát triển quan hệ song phương… Chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc với Iran để nhanh chóng thúc đẩy hợp tác trên thực tế”.
Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để ngăn chặn nỗ lực của chính quyền Trump nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran, vốn hết hạn vào cuối năm nay.
Toan tính của Iran
Một số nhà phân tích nước ngoài cho rằng Tehran đã thể hiện thái độ đạo đức giả khi xích lại gần Bắc Kinh.
Karim Sadjadpour, nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, viết trên trang Twitter: “Chế độ Iran, với tôn chỉ cách mạng là chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các tư tưởng bài Hồi giáo lại đang dự định thông qua một thỏa thuận khiến họ lệ thuộc cả về chiến lược và kinh tế vào chính phủ Trung Quốc, chính phủ đang giam giữ 1 triệu người Hồi giáo trong các trại cải tạo”.
Tất nhiên, tại Iran, mọi chuyện chưa thể ngã ngũ. Thỏa thuận với Trung Quốc cần phải được qua được “ải” Quốc hội, nơi đang được lực lượng cứng rắn kiểm soát, những người vốn đã không hài lòng với cách Tổng thống Hassan Rouhani xử lý dịch Covid-19 và để thỏa thuận hạt nhân thất bại.
Những thành quả ngoại giao tiêu biểu của ông Rouhani đã nhanh chóng “tan thành mây khói” khi nền kinh tế một lần nữa hứng chịu các đòn trừng phạt của Mỹ, và triển vọng mở cửa với phương Tây ngày càng phai nhạt.
Tuy nhiên, việc Iran chuyển hướng sang các quốc gia như Nga và Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về những gì mà quốc gia này có thể sẽ phải trả giá. Tháng trước, cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cảnh báo rằng giới lãnh đạo đương nhiệm đang thảo luận một thỏa thuận quy mô mà “không có sự giám sát của Nhà nước”.
Một số nhà chỉ trích thậm chí còn so sánh thỏa thuận này với “Hiệp ước Turkmenchay 1828 giữa Ba Tư cũ và Nga hoàng, theo đó Ba Tư cũ đã phải nhượng một phần lãnh thổ ở phía Nam Caucasus”.
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif khẳng định tiến trình đàm phán “không hề có điều gì bí mật”, trong khi truyền thông có mối liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) - lực lượng bất đồng chính trị với chính quyền Rouhani - dường như lại ủng hộ hoạt động ngoại giao này.
Tuy nhiên, nhà phân tích cấp cao của Viện các nước Arab vùng Vịnh tại Washington Ali Alfoneh cho rằng “cả ông Zarif và cơ quan ngôn luận của IRGC đều không dám công khai thừa nhận vì sao nước Cộng hòa Hồi giáo lại quyết định ngả về Trung Quốc…
Rõ ràng, trước chiến dịch “gây áp lực tối đa” của chính quyền Mỹ, nước Cộng hòa Hồi giáo đã phải hướng về Trung Quốc để đảm bảo sự tồn tại của mình.