Đức xác nhận Mỹ đang cân nhắc giảm số binh sĩ nước này đồn trú tại nước này. (Nguồn: En24 News) |
Phát biểu với báo giới tại Berlin, Người phát ngôn Chính phủ Đức Ulrike Demmer cho biết: “Chính quyền Liên bang Đức được thông báo rằng, Mỹ đang xem xét giảm sự hiện diện của các lực lượng vũ trang nước này tại đây”.
Theo người phát ngôn này, hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Đến nay, giới chức Mỹ chưa xác nhận thông tin cắt giảm quân số đồn trú tại Đức.
Tuần trước, tờ Wall Street Journal (WSJ) cùng một số phương tiện truyền thông khác đưa tin, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ rút bớt số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức từ 34.500 người xuống 25.000 người. Kế hoạch này làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của ông Trump đối với các thỏa thuận hợp tác lâu nay với các đồng minh châu Âu.
Một số chuyên gia lo ngại động thái của Mỹ có nguy cơ làm xói mòn khối liên minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phản ứng về kế hoạch của Mỹ, chính giới Đức cảnh báo "mối quan hệ Đức-Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng" bởi quyết định "sai lầm" này của ông Trump, đồng thời nhấn mạnh: "Quân Mỹ ở châu Âu không phải để bảo vệ Đức, mà là lực lượng của NATO được triển khai để bảo vệ tất cả các thành viên".
Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đức đã giảm mạnh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc gần 3 thập kỷ trước đây, song Đức vẫn là một trung tâm đồn trú quan trọng đối với quân đội Mỹ. Mỹ sử dụng các căn cứ tại Đức để điều phối các hoạt động quân sự ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Trong khi đó, các chính trị gia Mỹ và Anh cảnh báo, quyết định của Tổng thống Trump có nguy cơ mang lại lợi thế chiến lược cho Kremlin và làm tổn hại liên minh quân sự phương Tây.
Ngày 10/6, 22 nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện gửi thư tới Tổng thống Trump khuyến nghị không rút quân Mỹ khỏi Đức. Các nhà lập pháp này lập luận rằng, việc giảm quân số và đặt ra một mức trần về con số binh lính Mỹ ở châu Âu sẽ làm suy yếu khối liên minh quân sự Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khiến Nga hung hăng hơn.
Thư của 22 nghị sĩ Mỹ lưu ý, binh sĩ Mỹ được triển khai ở tiền phương kể từ sau Chiến tranh Thế giới II đã giúp ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới nữa, quan trọng nhất là đã giúp đảm bảo cho nước Mỹ được an toàn hơn.
Các nghị sĩ cho rằng, những bước đi nhằm cắt giảm quân “sẽ gây hại lớn đến an ninh quốc gia Mỹ”, cũng như “củng cố vị thế của Nga” theo hướng bất lợi cho Mỹ, đồng thời, “ở châu Âu, các mối đe dọa từ Nga không hề giảm đi", tin rằng "những dấu hiệu về cam kết của Mỹ với NATO suy yếu đi sẽ khuyến khích Nga hung hăng hơn và có tính cơ hội hơn”.
Ngoài ra, giới hạn về quân số cũng làm giảm con số binh sĩ Mỹ có thể đi qua Đức để triển khai ở các căn cứ trên toàn thế giới, gây ra những khó khăn nghiêm trọng về hậu cần.
Các chính trị gia Anh cũng khuyến cáo, ý định của Tổng thống Trump có nguy cơ trao lợi thế chiến lược cho Moscow, cũng như ảnh hưởng đến khả năng của Mỹ trong hoạt động ở Trung Đông và châu Phi.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, động thái của ông chủ Nhà Trắng có thể là sự đáp trả cá nhân đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel sau tin tức nói hai nhà lãnh đạo đã điện đàm với thái độ lạnh lùng hồi cuối tháng 5, trong đó bà Merkel phá tan hy vọng của ông Trump về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ở Mỹ vào tháng 6.
| 'Dỗi' Thủ tướng Đức, Tổng thống Trump 'khiêu khích', rút 15.000 quân về nước? TGVN. Ngày 5/6, theo báo Spiegel, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút tối đa 15.000 binh sĩ khỏi Đức. |
| Quan chức Đức nói về đe dọa của Mỹ với Iraq, Iran triệu tập đại biện lâm thời Đức tại Tehran TGVN. Ngày 6/1, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhận định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trừng phạt Iraq sẽ "không mấy hữu ... |
| Lãnh đạo Đức, Mỹ lạc quan hơn về FTA Mỹ - EU Ngày 23/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các cuộc đàm phán về một Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh ... |