📞

Mỹ-EU cần nghiêm túc về hợp tác công nghệ xuyên Đại Tây Dương

Gia Nguyễn 22:10 | 03/07/2021
Việc Mỹ-EU thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ là dấu hiệu đáng hoan nghênh, cho thấy hai bên sẵn sàng phối hợp về các vấn đề kỹ thuật số xuyên Đại Tây Dương.
Mỹ-EU cần nghiêm túc về công nghệ xuyên Đại Tây Dương. Trong ảnh: Tổng thống Joe Biden (giữa) cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels. (Nguồn: institute.global)

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden từ châu Âu quay trở về Mỹ hồi đầu tháng 6 sau một loạt hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cuối cùng là cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, thông điệp của ông rất rõ ràng: nước Mỹ đã trở lại và có ý định tái thiết quan hệ với các nước đồng minh.

Chuyến công du được xem là thành công, bàn thảo một loạt các vấn đề xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt là đối với EU, vốn có mối quan hệ với Mỹ bị xấu đi dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực này không làm lu mờ đi những thách thức thực sự về mối quan hệ Mỹ-EU trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Những tín hiệu tích cực

Sau cuộc họp của Tổng thống Joe Biden với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels, các bên đã đưa ra tất cả các tín hiệu về mối quan hệ song Mỹ-EU đang được phục hồi.

Cả hai bên đều cam kết giải quyết vấn đề thuế thép và bắt đầu thảo luận về vấn đề trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay. Một trong những tín hiệu đáng chú ý và tích cực đó là việc ông Biden và ban lãnh đạo EU đã thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC) trong hội nghị thượng đỉnh hôm 15/6 như một diễn đàn để phối hợp cấp cao về một loạt vấn đề quan trọng liên quan đến kỹ thuật số, bao gồm trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, đổi mới và nghiên cứu và các tiêu chuẩn xuyên Đại Tây Dương về công nghệ mới.

Lần đầu tiên được đề xuất bởi Ủy ban châu Âu, TTC có mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa hai thị trường kỹ thuật số quan trọng của thế giới.

Tuy nhiên, một động lực khác dẫn đến sự ra đời của TTC chính là yếu tố Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo của Mỹ và EU đã ngày càng quan tâm tới nỗ lực của Trung Quốc trong việc chi phối công nghệ và chuỗi cung ứng trên các lĩnh vực kinh tế quan trọng của châu Âu.

Việc phương Tây phụ thuộc vào nguồn cung y tế gây tranh cãi của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 càng làm gia tăng những lo ngại này.

Các vấn đề về chính sách kỹ thuật số - từ quy định về trí tuệ nhân tạo và các dòng chảy dữ liệu cho đến việc thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu – xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các chiến lược hợp tác giữa Mỹ và EU.

Như Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nói, các đồng minh xuyên Đại Tây Dương nên đảm bảo rằng “các nền dân chủ chứ không phải Trung Quốc hay bất kỳ ai khác, sẽ biên soạn các quy tắc cho thương mại và công nghệ trong thế kỷ XXI”.

Việc tập trung vào Trung Quốc và các công nghệ mới nổi có thể mang lại động lực mới, “người chơi” mới và ý thức mới trên bàn đàm phán của các đối tác hai bên bờ Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, trong khi TTC có thể trở thành một công cụ hữu ích cho sự phối hợp chính sách tốt hơn giữa Mỹ và đồng minh châu Âu khi đối đầu với những thách thức, các nhà lãnh đạo không thể chỉ xem TTC và chương trình nghị sự qua lăng kính Trung Quốc.

TTC cũng phải đóng vai trò như một diễn đàn có ảnh hưởng chính trị để giải quyết những bất đồng xuyên Đại Tây Dương có thể gây chia rẽ trong thập kỷ qua - từ các quy định về quyền riêng tư và chuyển dữ liệu cho đến những quy định về các tập đoàn công nghệ lớn và việc đánh thuế số.

Nếu Mỹ và EU không tìm ra cách giải quyết những khác biệt này, nỗ lực đoàn kết trong việc chống lại những kẻ thách thức ở cấp độ toàn cầu sẽ vô vọng và những nước khác sẽ nổi lên như những nhà lãnh đạo của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.

Chương trình nghị sự của TTC trước hết sẽ tập trung vào một số vấn đề mà Mỹ và EU đã thống nhất với nhau: nhu cầu về các tiêu chuẩn an ninh mạng cũng như trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới; tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; hỗ trợ cho nghiên cứu và đổi mới và nhu cầu đảm bảo công nghệ mới sẽ củng cố và tăng cường các nền dân chủ.

Nhưng một nhiệm vụ khác của TTC - tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách pháp lý và hợp tác thực thi và, nếu có thể, sự hội tụ của chính sách công nghệ - sẽ làm nản lòng hợp tác xuyên Đại Tây Dương trên các lĩnh vực đó nếu đụng đến các vấn đề chưa được giải quyết.

Đặc biệt, bất kỳ nỗ lực đáng tin cậy nào của Mỹ-EU nhằm tạo ra các lập trường chung mang lại ảnh hưởng toàn cầu sẽ phải cho thấy tiến bộ về các vấn đề liên quan đến truyền dữ liệu, chính sách cạnh tranh và các tiêu chuẩn thuế toàn cầu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong một buổi họp báo giới thiệu công nghệ. (Nguồn: Reuters)

Truyền dữ liệu

Sự thiếu tin tưởng và không chắc chắn trong nhiều năm qua đã cản trở việc truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương, vốn được thúc đẩy bởi nhận thức của người châu Âu về việc Mỹ giám sát người nước ngoài và quy định lỏng lẻo về quyền riêng tư của Mỹ, cũng như việc thừa nhận sự chi phối của các tập đoàn lớn của Mỹ trong dịch vụ đám mây.

Các nhà đàm phán của Mỹ và EU đã phải vật lộn trong nhiều tháng để thông qua Khung Lá chắn riêng tư, một thỏa thuận quan trọng về truyền dữ liệu đã tồn tại 15 năm nhưng bị hủy bỏ từ tháng 10/2015, sau khi Tòa án Tư pháp châu Âu ra phán quyết thỏa thuận không đủ sức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân châu Âu, được lưu trữ ở các máy chủ đặt ở Mỹ, không bị chính quyền Mỹ do thám.

Việc khẳng định công khai hoàn tất đàm phán ở hội nghị thượng đỉnh có thể giúp tạo động lực cần thiết, mặc dù những thách thức khó khăn vẫn còn ở phía trước đối với Washington trong việc quyết định cách thức cải cách luật giám sát an ninh quốc gia để phù hợp với sự nhạy cảm về quyền riêng tư của châu Âu.

Chính sách cạnh tranh

Cả hai bên bờ Đại Tây Dương ngày càng lo ngại về vị trí dẫn dắt thị trường của một số công ty lớn của Mỹ. Sau nhiều năm im lặng, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền đối với một số tập đoàn công nghệ lớn.

Quốc hội Mỹ cũng có động thái chống độc quyền, mặc dù không rõ dự luật nào nhằm vào cái gọi là "tập đoàn công nghệ lớn" sẽ thực sự được thông qua.

Tuy nhiên, ở châu Âu, các cơ quan quản lý cạnh tranh đã tích cực tìm cách hạn chế hành vi được cho là chi phối thị trường, trước tiên là thông qua các cuộc điều tra cạnh tranh, trừng phạt và gần đây là đề xuất thông qua Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA). DMA sẽ tìm cách ngăn chặn sự chi phối thị trường bằng cách cấm các công ty thực hiện một số hành động nhất định.

Nếu DMA trở thành luật, thì hầu hết, nếu không nói là tất cả, những công ty chủ chốt chịu sự hạn chế này sẽ là các công ty Mỹ. Washington và EU cần khẩn trương phát triển một cách tiếp cận hài hòa hơn để cạnh tranh trong lĩnh vực kỹ thuật số, theo cách tiếp cận duy trì và khuyến khích sự đổi mới trong khi đảm bảo khả năng cạnh tranh của thị trường.

Đánh thuế nền kinh tế kỹ thuật số

Trong những năm gần đây, một số nước EU đã áp thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số, nhằm có thêm nguồn thu từ các công ty bán hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số cho công dân của họ nhưng không có sự hiện diện thực tế (và do đó là cơ sở tính thuế) ở quốc gia của họ.

Mỹ đã phản ứng bằng cách kết luận rằng các loại thuế này là sự phân biệt đối xử đối với các công ty Mỹ và xác định thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Âu bằng thuế dịch vụ kỹ thuật số.

Chính quyền ông Biden gần đây cũng đã tham gia vào nỗ lực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để giải quyết vấn đề thuế kỹ thuật số bằng cách xây dựng một sự đồng thuận quốc tế.

Mặc dù EU đã ủng hộ nỗ lực đó, nhưng việc loại bỏ các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số hiện tại sẽ là một thách thức. Hơn nữa, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đề xuất thuế dịch vụ kỹ thuật số vào cuối năm nay.

Có thể nói, sự xuất hiện của TTC là một dấu hiệu chính trị đáng hoan nghênh, cho thấy Mỹ và EU đã sẵn sàng và nghiêm túc phối hợp chặt chẽ hơn trong các vấn đề kỹ thuật số. Tuy nhiên, những tín hiệu này chỉ mới chỉ là bước đầu tiên.

Tiến bộ thực sự trong chính sách kỹ thuật số xuyên Đại Tây Dương sẽ đòi hỏi sự tập trung và cam kết giải quyết các vấn đề khó khăn.

Một cam kết thực hiện nghiêm túc và sẵn sàng giải quyết vấn đề truyền dữ liệu, chính sách cạnh tranh và đánh thuế kỹ thuật số, cùng các vấn đề quan trọng khác, có thể mang lại kết quả đáng kể, cho phép Mỹ-EU thực sự trở thành những nước đi đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.

(theo The National Interest)