Trong căn phòng tràn đầy ánh nắng ở trường Tiểu học Robert W. Coleman ở Baltimore (Mỹ), một nhóm học sinh ngồi yên lặng trên những tấm thảm nhỏ. Các em nhắm mắt lại trong khi một giáo viên hướng dẫn các em tập hít thở.
Những em học sinh này đã vi phạm kỷ luật nhà trường như: gây gổ, nói chuyện riêng trong lớp. Tuy nhiên, thay vì đưa những học sinh này đến phòng quản thúc, trường Tiểu học Robert W. Coleman đã dạy các em ngồi thiền nhằm phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn “vi phạm và xử phạt” trong trường học.
Học sinh của trường Tiểu học Robert W. Coleman đang ngồi thiền. (Nguồn: CityLab) |
Giúp trẻ tư duy tốt
Kể từ năm 2014, nhà trường đã hợp tác với Quỹ phi lợi nhuận Holistic Life Foundation để giúp học sinh tư duy tốt hơn và tĩnh tâm hơn. Khoảng 120 học sinh đăng ký tham gia chương trình ngoại khóa miễn phí có tên gọi là Holistic Me để thực hành các bài tập yoga, suy ngẫm và hít thở. Thay cho mô hình quản thúc truyền thống là ngồi tại bàn và nhìn đồng hồ quay thì các học sinh vi phạm nội quy được đưa tới Phòng Thiền định để tập hít thở và trò chuyện với một nhà tư vấn tâm lý.
Đối với những trẻ em tham gia chương trình này (các em từ độ tuổi mẫu giáo đến lớp 5) các bài tập thiền định đã có một hiệu ứng tích cực: so với 4 trường hợp bị đình chỉ trong năm học 2012-2013, thì năm học tiếp theo đó không có trường hợp nào. Trường Trung học Patterson ở gần đó cũng áp dụng chương trình thiền định và số trường hợp nghỉ học do bị đình chỉ giảm xuống một nửa.
Theo ông Andres Gonzales, người đồng sáng lập Quỹ Holistic Life Foundation, việc không có trường hợp nào bị đình chỉ là hệ quả của những gì các em học thông qua thiền định. Ông cho rằng: “Ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng, trẻ em bớt hấp tấp, vội vàng hơn. Chúng có thể giải quyết các xung đột, mâu thuẫn một cách êm thấm. Chúng biết cách kiểm soát cảm xúc riêng trong những trường hợp căng thẳng cao độ, có tinh thần trách nhiệm chứ không phản ứng lại”.
Sinh viên Học viện Cesar Chavez (California) tập thiền trong giờ học. (Nguồn: Reuters) |
Các chương trình thiền định ở Bay Area và thành phố New York cũng đã mang lại những kết quả tương tự. Học viện Cesar Chavez có trụ sở tại Đông Palo Alto, California - một khu vực lân cận - có tỷ lệ tội phạm cao. Tại Học viện này có khoảng 50% học sinh vô gia cư. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Stanford đã tiến hành nghiên cứu và thấy rằng thiền định và yoga giúp giảm bớt các triệu chứng căng thẳng tâm lý thường thấy ở các học sinh của Học viện Cesar Chavez. Các em cũng đã được khuyến khích áp dụng các bài tập này vào các hoạt động khác trong cuộc sống.
Đối với một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình khó khăn thì căng thẳng tâm lý là điều khó tránh và có ảnh hưởng tiêu cực. Tại một hội nghị chuyên đề do Trường Y tế Công cộng Mailman (Đại học Columbia) tổ chức vào đầu năm nay, các nhà nghiên cứu thấy rằng, việc liên tục đối mặt với những tình huống bất lợi khi còn thơ ấu - như lớn lên trong một khu dân cư nghèo đói hay một gia đình bất ổn thì cấu trúc bộ não của đứa trẻ sẽ bị thay đổi. Bên cạnh đó, chức năng nhận thức, khả năng chú ý cũng như khả năng kiềm chế cảm xúc của đứa trẻ đó cũng kém hơn những đứa trẻ khác.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, “các biện pháp rõ ràng nhất để giải quyết vấn đề đó là giúp các gia đình khó khăn được bảo đảm hơn về mặt tài chính, thông qua các chính sách như cải cách tiền lương, nhà ở xã hội hoặc hỗ trợ giáo dục và dinh dưỡng...". Trong khi chính sách cần thiết đó chưa đạt được hiệu quả mong muốn thì các nhà giáo dục hy vọng rằng, thiền định sẽ cung cấp cho học sinh các công cụ chống lại sự căng thẳng.
Tin tưởng bản thân
Bà Kristen Johnson - Giám đốc cấp cao tại Hiệp hội Giáo dục Trẻ em Quốc gia Mỹ nói rằng: Ngoài ưu điểm xoa dịu và nâng cao nhận thức thông qua tập thiền, trẻ em còn học cách tin tưởng bản thân và phát huy khả năng kiềm chế trước căng thẳng. Ngược lại, “khi trẻ bị đuổi học, điều này sẽ khiến quá trình học tập bị gián đoạn và làm trẻ mất lòng tin. Điều này có thể làm phát sinh nhiều hành vi tiêu cực hơn ở trẻ”.
Sinh viên một trường Đại học ở Delhi (Ấn Độ) tập yoga. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Bà Johnson cho rằng: “Chiến lược kỷ luật tốt nhất là thật sự tái định hướng. Trọng tâm phải là củng cố các kỹ năng xã hội và cảm xúc chứ không phải xử phạt những hành vi vi phạm”.
Theo tờ The New York Times, trong khi những tác động tích cực của phương pháp thiền định đến học sinh đã được dẫn liệu đầy đủ theo từng trường hợp như tại trường Tiểu học Robert W. Coleman, đây vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới mẻ. Tuy nhiên, đối với các nhà giáo dục như ông Gonzalez tại Quỹ Holistic Life, phản ứng của trẻ hợp tác với họ đủ để thuyết phục họ tiếp tục duy trì các chương trình của mình.
Ông chia sẻ: “Mọi người nói rằng, chúng tôi đã cứu vớt cuộc sống của những đứa trẻ này, nhưng sự thật là chúng tôi chỉ trao cho chúng những công cụ cần thiết để tự cứu chính mình”.