📞

Mỹ: Nỗi niềm của các công ty sản xuất khẩu trang N95 bên bờ vực phá sản

THANH TRÀ 08:06 | 27/06/2021
Một năm sau khi chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang phòng độc N95 để đối phó với làn sóng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Mỹ hiện đang sắp phải đóng cửa.
Hàng loạt công ty sản xuất khẩu trang N95 của Mỹ đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa. (Nguồn: NPR)

Hết thời “huy hoàng”

Cách đây hơn một năm, trước nhu cầu cấp thiết cần sản xuất nhiều thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) trong bối cảnh nguồn cung thiết hụt, nhiều doanh nghiệp Mỹ tập trung vào sản xuất khẩu trang N95. Chỉ sau một năm “huy hoàng”, đến nay hàng loạt công ty đóng cửa hoặt cắt giảm nhân công tối đa.

Nguyên nhân của tình trạng trên là Mỹ đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 an toàn trên toàn quốc, chính quyền cho phép, những người đã tiêm vaccine được bỏ khẩu trang. Quan trọng hơn, khẩu trang của Trung Quốc sau thời gian bị cấm xuất khẩu để đảm bảo cho cuộc chiến chống Covid-19 trong nước, hiện lại tràn sang Mỹ với khối lượng lớn, giá rẻ - những yếu tố khiến các công ty của Mỹ không thể nào cạnh tranh được.

Khẩu trang N95 là một thiết bị bảo vệ hô hấp hiệu quả với thiết kế ôm sát khuôn mặt và giúp lọc các hạt không khí hiệu quả. N95 có nghĩa là lọc được ít nhất 95% các hạt rất nhỏ (0,3micro) thậm chí là cả vi khuẩn và virus. Khẩu trang N95 nếu được sử dụng đúng, phù hợp, chúng có khả năng lọc vượt trội hơn loại khẩu trang y tế thông thường.

Trước tình cảnh đó, nhiều công ty sản xuất khẩu trang Mỹ đang cảm thấy như bị chính phủ bỏ rơi. Trong thời điểm các làn sóng dịch bùng phát, việc nhiều công ty trong nước tập trung sản xuất khẩu trang, dù bao hàm cả yếu tố thương mại, nhưng vẫn được đánh giá là niềm tự hào của nước Mỹ, đã góp phần to lớn vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của nước này.

Năm ngoái, hàng chục công ty như Armbrust, đã đáp lại lời kêu gọi của chính phủ về việc tăng cường sản xuất các thiết bị bảo vệ cá nhân cung cấp cho thị trường trong nước. Không có sự hỗ trợ của chính phủ, các công ty cố gắng sử dụng các nguồn lực riêng để tiến hành sản xuất. Công ty Armbrust đã mua hạ tầng gần Austin, Texas, sắm sửa thêm máy móc, thuê hơn một trăm công nhân, thực hiện quy trình đăng ký chứng nhận sản phẩm phức tạp rồi bắt đầu tiến hành sản xuất.

Lloyd Armbrust, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Armbrust cho biết: “Đại dịch bùng phát đỉnh điểm vào tháng 4. Chúng tôi nhanh chóng vào cuộc. Chỉ trong khoảng 6 tháng, chúng tôi đã mở rộng quy mô sản xuất khoảng một triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày”.

Giờ đây, Armbrust chỉ có thể tiếp tục hoạt động tối đa trong 4 tháng nữa, trước khi đóng cửa hoàn toàn nhà máy.

Vào đầu năm nay, Armbrust và 27 nhà sản xuất khẩu trang khác đã thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất khẩu trang Mỹ (AMMA). Theo đánh giá của Armbrust, toàn bộ 28 thành viên của hiệp hội khó có khả năng hoạt động đến hết năm nay, viễn cảnh đóng cửa nhà máy trong các tháng tới rất cao.

Bài toán cạnh tranh với Trung Quốc

Không chỉ những công ty mới tham gia sản xuất khẩu trang rơi vào tình thế phải cắt giảm sản lượng, sa thải công nhân và “đau đầu” tranh giành thị phần với các nhà sản xuất nước ngoài.

Anne Miller, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận ProjectN95 cho biết, trước khi đại dịch bắt đầu, có khoảng 10 công ty lớn của Mỹ chuyên sản xuất khẩu trang phòng độc N95. Các công ty như Honeywell và 3M thậm chí có cơ sở sản xuất khẩu trang N95 tại các nhà máy ở nước ngoài.

Đầu năm 2020, Trung Quốc, nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới, đã hạn chế xuất khẩu các loại khẩu trang y tế đến Mỹ trong bối cảnh nước này đang phải căng mình chống dịch Covid-19. Thậm chí, các công ty Mỹ có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc đưa các lô hàng từ Trung Quốc đến Mỹ vì các quy định siết chặt của chính phủ. Điều đó khiến nguồn cung khẩu trang ở Mỹ thiết hụt trầm trọng.

Sự vào cuộc sản xuất khẩu trang của các công ty của Mỹ được xem là cứu tinh cho đất nước thời kỳ đó, hiện lại đang rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính và không tìm được đầu ra cho các sản phẩm của mình.

Thực tế, cạnh tranh về giá là một bài toán “khó nhằn”. Một chiếc khẩu trang N95 được sản xuất ở Trung Quốc có giá khoảng 25 xu trong khi giá thành sản xuất sản phẩm này ở Mỹ cao hơn nhiều lần.

Một bác sĩ người Mỹ đeo mặt nạ N95 trước khi vào phòng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Oklahoma. (Nguồn: Reuters)

Công ty Louis M. Gerson ở Middleboro, Mass có thâm niên 60 năm sản xuất PPE và gần 40 năm sản xuất khẩu trang N95. Susanne Gerson, Phó chủ tịch điều hành Công ty cho biết: Chúng tôi là một nhà sản xuất rất có kinh nghiệm. Khi đại dịch bắt đầu, tôi nhận được cuộc gọi từ các bác sĩ ở Massachusetts, kể về những người phụ nữ mang thai không được cung cấp bất kỳ sự bảo vệ nào. Nhiều bệnh nhân cũng không thể tìm mua khẩu trang để phòng dịch.

Đứng trước tình thế đó, Công ty Louis M. Gerson quyết định tái cấu trúc hoạt động kinh doanh từ sản xuất khẩu trang cho công nhân sang sản xuất khẩu trang cho nhân viên y tế, tăng gấp đôi lực lượng lao động và mở rộng cơ sở sản xuất.

Gerson, cũng như các chủ doanh nghiệp sản xuất khẩu trang khác, đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden ngăn chặn dòng sản phẩm PPE nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Áp lực chuyển đổi

Tính dễ bị phụ thuộc vào nước ngoài của ngành sản xuất PPE là điều mà cả Nhà Trắng và các thành viên Quốc hội đều nhận thức rõ.

Dân biểu Anna Eshoo, người đại diện cho khu vực bầu cử số 18 của California, đồng thời là chủ tịch Tiểu ban Y tế của Ủy ban Năng lượng và Thương mại, thổ lộ rằng, bà thấy xấu hổ khi đại dịch đến, trang bị cá nhân bảo hộ cho các nhân viên y tế của Mỹ lại bị phụ thuộc vào nguồn hàng của nước ngoài. Thậm chí, Mỹ còn bị phụ thuộc nước ngoài nhiều loại dược phẩm khác.

Eshoo nói: "Đây là một bức tranh cong vênh về nước Mỹ. Lẽ ra chúng tôi có thể làm tốt hơn nhiều”.

Nhà Trắng cho biết, họ đang thảo luận về một chiến lược để ứng phó với đại dịch bền vững hơn, chủ động hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa ký một khoản trợ cấp, trong đó có 10 tỷ USD cho các khoản đầu tư vào năng lực sản xuất PPE và các sản phẩm liên quan.

Tuy vậy, giống như các thành viên của AMMA, Armbrust vẫn thấy con đường phía trước mông lung và vô vàn chông gai bởi nhà máy sản xuất đã "tắt đèn"; nhiều chủ doanh nghiệp vẫn đang mò mẫn tìm đường đi mới.

(theo NPR)