Chính quyền Mỹ lại vừa tiếp tục làm gia tăng độ nóng của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khi bất ngờ tuyên bố danh sách hàng hóa nhập khẩu bổ sung của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, có thể bị áp mức thuế 10%. Chưa chắc danh sách áp thuế mới sẽ được chấp thuận, bởi còn phải trải qua quá trình xem xét khoảng hai tháng và các phiên điều trần vào ngày 20-23/8. Tuy nhiên, chỉ riêng động thái này cũng đủ cho thấy, cấp độ gia tăng căng thẳng đang leo thang đáng kể trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Mũi tên trúng hai đích
Trên tờ CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng của IHS Markit, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Rajiv Biswas phân tích, “Đối với Trung Quốc, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 19% tổng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.
Do đó, nếu Mỹ thật sự “leo thang” các biện pháp thuế quan lên thêm 200 tỷ USD, có nghĩa là khoảng một nửa lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ phải đối mặt với các biện pháp thuế quan đáng kể của Mỹ”. Khu vực xuất khẩu của Trung Quốc vì thế sẽ bị suy giảm đáng kể về khả năng cạnh tranh xuất khẩu sang Mỹ, so với các nhà xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi khác, như Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Mexico và Brazil.
Việc đưa mọi thứ trở lại một hệ thống thương mại quốc tế cân bằng rất có thể giúp Mỹ có được lợi ích lớn hơn. (Nguồn: Getty Images) |
Đánh giá về động thái quyết liệt của Mỹ, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược của Ngân hàng Mizuho Vishnu Varathan cho rằng, dường như danh sách này đã được Washington giám sát một cách cẩn thận. Các loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bị “gọi tên” trong danh sách đều đã được tính toán nhằm giảm thiểu tác hại và cân nhắc về tác động của nó tới người tiêu dùng Mỹ. Điều đó thể hiện rõ ở việc mặt hàng điện thoại di động được bỏ qua.
Chuyên gia Mizuho còn cho rằng, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến ý định của Mỹ nhằm tấn công kế hoạch “Made in China 2025” - một chiến lược với tham vọng đưa Trung Quốc chiếm vị trí thống trị trong các ngành công nghiệp trọng điểm toàn cầu. Trong tham vọng đó, những lĩnh vực mà Bắc Kinh đang nhắm tới là không gian công nghệ cao và tất nhiên, một số mức thuế mới của Mỹ sẽ tác động đến các thành phần có yếu tố “chìa khóa” cho chiến lược đó.
Trung Quốc “không ngại”
Hồi tuần trước, Tổng thống Trump cảnh báo rằng, nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và tiếp tục trả đũa, thì Washington sẵn sàng đưa thêm các danh sách trừng phạt mới. Thậm chí, nếu hiện thực hóa, tổng giá trị hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017 là 506 tỷ USD.
Bất chấp mối đe dọa của Tổng thống Trump, Trung Quốc đã thực hiện thuế quan trả đũa ngay lập tức, sau khi chính thức bị Washington áp thuế đối với các mặt hàng trị giá 34 tỷ USD.
Căng thẳng thương mại giữa hai người khổng lồ Mỹ - Trung đã được cảnh báo từ lâu. Giới chuyên gia cũng thường xuyên đưa ra các lập luận cho rằng, trong một “thị trường không biên giới” như hiện nay, chẳng có ai có thể thắng trong một cuộc chiến thương mại. Chiến lược để chiến thắng chỉ có thể là hợp tác và hợp tác.
Trong bối cảnh đó, không ít người đánh giá sự thua thiệt sẽ thuộc về người Mỹ. Họ cảnh báo, với khẩu hiệu nổi tiếng “nước Mỹ trước tiên” và chủ trương đặt lợi ích của người Mỹ lên trên hết, thì các động thái hiện nay của Tổng thống Donald Trump đối với các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Trung Quốc giống như tự “bắn vào chân mình”.
Còn Trung Quốc, dù những “cú đánh trực diện” của Washington có thể sẽ làm gián đoạn dòng chảy thương mại với Mỹ, nhưng chắc khó có thể đe dọa nền kinh tế của “Vạn Lý Trường Thành”. Mỹ đúng là thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc, là thị trường quan trọng của một số mặt hàng công nghiệp, nhưng vẫn chỉ chiếm 19% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Bởi vậy, về tổng thể xuất khẩu của Bắc Kinh không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Mỹ.
Trong khi đó, trong những năm gần đây, chi tiêu tiêu dùng của người Trung Quốc đã khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng chính, gián tiếp làm giảm tương đối tầm quan trọng của xuất khẩu đối với nền kinh tế thứ hai thế giới. Tiêu thụ nội địa của đất nước này trong quý đầu năm 2018 hiện chiếm tới 78%.
Mỹ không thể bại trận
Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, trên tờ National Interests, nhà xã hội học, Giáo sư Salvatore Babones của Đại học Sydney cho rằng, Tổng thống Trump đã đúng khi nói rằng, với thâm hụt thương mại lên tới 500 tỷ USD, thì Mỹ không thể thua trong một cuộc chiến thương mại.
Theo lập luận của GS. Salvatore, nếu một nền kinh tế khởi đầu với thâm hụt thương mại lớn, những luật chơi có sẵn sẽ ủng hộ các đối thủ của họ. Nhưng khi thâm hụt thương mại ở một nước quyền lực nhất thế giới, thì có thể nói rằng, có rất nhiều con đường để họ có thể đi tới chiến thắng.
“Dù bị chế nhạo trên truyền thông, thì kiến thức giản dị được Tổng thống Trump đưa lên Twitter ngày 4/4 - Khi bạn đã thâm hụt 500 tỷ USD, bạn không thể thua!, là chính xác. Ông Trump đã đúng khi thúc đẩy thương mại theo cách của ông ấy.” GS. Salvatore Babones nói.
Việc đưa mọi thứ trở lại một hệ thống thương mại quốc tế cân bằng rất có thể sẽ giúp Mỹ có được lợi ích lớn hơn. Hai cố vấn của Tổng thống Mỹ là Peter Navarro cùng Wilbur Ross từng cho rằng, thâm hụt đã kéo nền kinh tế Mỹ giảm sút khoảng 3%. Rất có thể, nếu thương mại quốc tế cân bằng, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng 3% so với hiện tại.