Ông Shriver cho biết bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại Singapore sẽ tập trung vào báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nói rõ hơn về chiến lược này của Mỹ.
Ông Shriver cũng cho biết trong thời gian tới các nước sẽ thấy thêm sự hiện diện và nguồn lực của Mỹ ở trong khu vực nhưng không nói cụ thể sự hiện diện và nguồn lực của Mỹ là gì. Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu chiến và máy bay đi qua khu vực Biển Đông theo chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã tiến hành từ năm 2015 trở lại đây.
Ông Schriver nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ thực hiện không nhằm vào bất cứ một quốc gia cụ thể nào. Nhưng vẫn có một số nghi ngờ cho rằng các hành vi của Trung Quốc cho thấy những mục tiêu của nước này đi ngược lại các mục tiêu của chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở của Mỹ.
Mỹ sắp công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới (ảnh India.com) |
Được đưa ra lần đầu bởi nhà chiến lược người Ấn Độ Gurpreet S. Khurana trong một bài luận năm 2007, thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã dần được một số cường quốc khu vực, đáng chú ý nhất là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Indonesia và Hoa Kỳ, sử dụng để miêu tả cấu trúc địa chính trị mới bao trùm của khu vực.
Tuy nhiên, chỉ đến khi khái niệm này được sử dụng bởi chính quyền của Tổng thống Trump trong cái gọi là “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do” thì thuật ngữ này mới thực sự trở nên nổi tiếng và thu hút sự chú ý trên toàn thế giới.
Trong các chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng công bố vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump khẳng định “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri La năm 2018 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gọi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là “một tập hợp con của chiến lược an ninh rộng lớn hơn, qua đó pháp điển hóa các nguyên tắc của chúng tôi khi nước Mỹ tiếp tục nhìn về phía Tây”.