Nhỏ Bình thường Lớn

Số ca tử vong ở Jakarta tăng gấp 10, Indonesia 'choáng váng' vì Covid-19

Theo kênh truyền hình CNN Indonesia, chính quyền thủ đô Jakarta đã ghi nhận 392 thi thể được chôn cất theo thể thức ngừa Covid-19 trong ngày 3/7, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Công nhân dịch vụ tang lễ tranh thủ nghỉ ngơi tại một nghĩa trang do chính phủ chỉ định dành cho các nạn nhân của dịch Covid-19 ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Công nhân dịch vụ tang lễ tranh thủ nghỉ ngơi tại một nghĩa trang do chính phủ chỉ định dành cho các nạn nhân của dịch Covid-19 ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)

Trong bài viết đăng ngày 4/7 trên tài khoản Instagram chính thức, chính quyền thành phố cho biết số lượng trên cũng cao gấp 10 lần so với hồi tháng 5/2021, với khoảng 20-30 thi thể mỗi ngày.

Thống kê được công bố trên trang https://corona.jakarta.go.id cho thấy, số lượng đám tang theo thể thức phòng dịch đã tăng đột biến trong tuần trước, vượt 200 đám tang mỗi ngày kể từ ngày 26/6.

Cụ thể, Jakarta ghi nhận 227 thi thể được chôn cất theo thể thức ngừa Covid-19 vào ngày 26/6, 212 vào ngày 27/6, 228 vào ngày 28/6, 304 vào ngày 29/6, 237 vào ngày 30/6, 301 vào ngày 1/7, và 362 vào ngày 2/7.

Trước tình hình nguy cấp này, chính quyền thành phố đã kêu gọi tất cả người dân tuân thủ quy định y tế "5M" ngừa Covid-19, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, tránh xa đám đông và hạn chế ra khỏi nhà.

Ngày 4/7, Bộ Y tế Indonesia đã chính thức thừa nhận rằng nguồn cung oxy cho bệnh nhân Covid-19 tại nước này đã bắt đầu cạn kiệt trong bối cảnh số bệnh nhân tăng đột biến và hầu hết nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch và cần được trợ thở.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Y tế, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết nhu cầu oxy y tế ở Indonesia đã tăng hơn gấp 6 lần, từ mức khoảng 400 tấn mỗi ngày trước đại dịch lên mức 2.500 tấn mỗi ngày hiện nay.

Theo bà Siti, sự gia tăng số lượng bệnh nhân Covid-19 đã được ghi nhận tại các bệnh viện nằm ở các khu vực triển khai lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp, đặc biệt là ở khu vực Đại Jakarta, tỉnh Tây Java và tỉnh Trung Java.

Trước đó, truyền thông sở tại cho biết lượng dự trữ oxy của Bệnh viện Dr. Sardjito ở thành phố Yogyakarta đã cạn kiệt lúc 20h ngày 3/7, trong khi cơ sở điều trị Covid-19 hàng đầu này đang có nhiều bệnh nhân cần trợ thở và ghi nhận 63 ca tử vong từ tối 3/7 đến sáng 4/7

Cùng ngày 4/7, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận thêm 27.233 ca mắc Covid-19 mới, thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 27.913 ca được ghi nhận trong ngày 3/7 song số lượng xét nghiệm chỉ bằng gần một nửa so với ngày hôm trước.

Đây là ngày thứ 8 liên tiếp số ca mắc Covid-19 trong ngày tại Indonesia ở mức trên 20.000 ca. Trong khi đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 555 ca tử vong, cao hơn mức kỷ lục cũ 539 ca được ghi nhận vào ngày 2/7. Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 2.284.084 ca mắc và 60.582 ca tử vong.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia cho biết, từ ngày 6/7 tới, tất cả các công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này sẽ phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine đầy đủ ngừa Covid-19.

Trong một tuyên bố bằng văn bản ngày 4/7, người phát ngôn cơ quan trên, ông Jodi Mahardi còn nêu rõ người nước ngoài còn phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh vào Indonesia. Các nhân viên ngoại giao và quan chức nước ngoài sẽ được miễn trình giấy chứng nhận tiêm vaccine trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức, phù hợp với thông lệ quan hệ ngoại giao được các nước khác áp dụng.

Trong khi đó, công dân Indonesia sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính nếu không có giấy chứng nhận tiêm chủng. Sau khi được cách ly và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, họ sẽ ngay lập tức được tiêm phòng.

Cũng theo các quy định mới của Bộ Y tế, tất cả các công dân nước ngoài và công dân Indonesia sẽ trải qua quá trình cách ly bắt buộc 8 ngày với hai lần xét nghiệm PCR, cụ thể là vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 sau khi nhập cảnh. Trước đó, thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh là 5 ngày tại các trung tâm cách ly tập trung hoặc các khách sạn được nhà nước chỉ định.

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chống dịch 'quyết liệt hơn, hiệu quả hơn' ở 8 tỉnh, thành phố phía Nam
Tìm khẩn cấp người đến 6 chợ ở TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu
Kinh nghiệm chống dịch trong các khu công nghiệp và đề xuất mở cửa kinh tế thời Covid-19: Trường hợp Malaysia (Kỳ cuối)
Nơi 'an toàn nhất thế giới' giữa đại dịch Covid-19
Phát thông báo khẩn tìm người liên quan đến 9 ca mắc Covid-19 ở Khánh Hòa

(CNN Indonesia/Reuters)