📞

Mỹ - Trung: Chiến tranh nóng không có cơ sở, chiến tranh lạnh khó xảy ra

08:00 | 18/11/2019
TGVN. Cho nên, cục diện đối đầu một cách không thường xuyên sẽ là dòng chảy chính cho viễn cảnh quan hệ Mỹ -Trung trong thời gian tới.    
Chiến tranh xảy ra sẽ là thảm họa cho cả Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: CRF)

Liên quan đến những diễn biến mới đây trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, báo Liên hợp buổi sáng của Singapore ngày 15/11 đăng bài viết của tác giả Weida, chuyên gia nghiên cứu văn hóa và chiến lược quốc tế của Mỹ, cho rằng một cuộc chiến tranh nóng, đối đầu trực tiếp giữa hai nước sẽ khó xảy ra vì đây sẽ là thảm họa cho cả Washington và Bắc Kinh.

Mâu thuẫn ngày càng gay gắt

Theo tác giả bài báo, Washington và Bắc Kinh gần đây liên tục có các động thái cũng như ban hành nhiều chính sách mới liên quan đến nhau. Mặc dù sự tiến triển trong đàm phán cho cái gọi là Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giúp làm giảm bầu không khí căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng trên thực tế một loạt mâu thuẫn khác giữa hai bên như khoa học kỹ thuật, hình thái ý thức và giá trị văn hóa vẫn hiện hữu và thậm chí ngày càng gay gắt.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua tiếp tục khẳng định phương châm đường lối chính trị vốn được áp dụng trong nhiều năm qua là đảng quản lý và lãnh đạo tất cả các lĩnh vực.

Về quan hệ Mỹ-Trung, các quan chức cấp cao Mỹ đã phát đi thông điệp, kêu gọi Washington vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Tại Washington, Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich lần lượt có các phát biểu hoặc xuất bản sách viết về Trung Quốc.

Cũng với tinh thần như khi phát biểu một năm trước đây, Phó Tổng thống Mike Pence đã tái khẳng định rằng cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại.

Tương tự, cuốn sách mới của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich nhấn mạnh thêm rằng, cạnh tranh kinh tế-thương mại, địa chính trị và văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc chính là thách thức lớn mà Washington đang phải đối mặt.

Trong bối cảnh đó, dư luận thế giới có chung câu hỏi, vậy quan hệ Mỹ-Trung tới đây sẽ đi về đâu?

Chiến tranh không phải là giải pháp

Tác giả bài báo nhấn mạnh, nếu xem xét và nhìn nhận một cách kỹ lưỡng những động thái của cả hai bên thì có thể thấy rõ mong muốn của Bắc Kinh là làm thế nào để Mỹ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời trên cơ sở đó bình thường hóa cục diện vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

Ngược lại, Washington đương nhiên cho rằng, quan hệ Mỹ-Trung đang không bình thường, có sự xung đột và đối lập một cách căn bản về các vấn đề như hình thái ý thức, giá trị văn hóa, quản lý nhà nước và chính sách đối ngoại…

Gần đây có ý kiến cho rằng, cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ châm ngòi cho Thế chiến III. Tuy nhiên, từ khi nhân loại bước vào thời đại vũ khí hạt nhân, mọi người đều nhận thức rất rõ rằng, chiến tranh thế giới sẽ không còn là cuộc quyết đấu giữa kẻ thắng và người thua, mà sẽ chuyển thành thảm họa tiêu diệt cả hai bên.

Do đó, một cuộc chiến tranh đối đầu giữa hai bên sẽ không phải là giải pháp được lựa chọn cho cả Washington và Bắc Kinh.

Việc tự lượng sức mình, tùy cơ ứng biến và cố gắng không mắc sai lầm mang tính chiến lược mới là nước cờ quyết định tương lai quan hệ Mỹ - Trung. (Nguồn: Forbes)

Tác giả bài báo kết luận, chiến tranh nóng không có cơ sở, chiến tranh lạnh khó xảy ra, còn vừa hợp tác vừa cạnh tranh chỉ là mong muốn đơn phương của Bắc Kinh, nên có thể thấy, cục diện đối đầu một cách không thường xuyên sẽ là dòng chảy chính cho viễn cảnh quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tới.

Thông thường, thất bại bắt nguồn từ hai nguyên nhân, một là thua dưới tay người khác, hai là tự gây tổn hại cho chính bản thân mình. Khả năng xảy ra chiến tranh không cao, nhưng rõ ràng Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng lạnh nhạt và rời xa nhau.

Do đó, việc tự lượng sức mình, tùy cơ ứng biến và cố gắng không mắc sai lầm mang tính chiến lược mới là vấn đề mang tính then chốt, quyết định đến thái độ và tương lai quan hệ Mỹ - Trung.