Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn kêu gọi tránh suy nghĩ về một “trò chơi với tổng bằng không” và một cuộc chiến tranh lạnh. (Nguồn: SCMP) |
Diễn đàn Kinh tế Mới, do cựu Thị trưởng New York, tỷ phú Michael Bloomberg chủ trì, tập hợp những bộ óc tốt nhất trong thế giới phương Tây. Ngoài ông Henry Kissinger, còn có người sáng lập tập đoàn Microsoft Bill Gates, Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson, Giám đốc điều hành Standard Chartered Bill Winters...
Các vấn đề cấp bách nằm trong chương trình nghị sự bao gồm: thương mại, hệ thống trật tự thế giới, công nghệ, quá trình đô thị hóa, thị trường tài chính và biến đổi khí hậu. Đương nhiên không thể bỏ qua cuộc xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến cả thế giới quan ngại.
Nguy cơ của cuộc chiến tranh lạnh
Phát biểu chào mừng tại buổi khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn lưu ý trật tự thế giới hiện đang bị đe dọa. Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách cải cách, giúp tăng cường vai trò quan trọng của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực và tuân thủ con đường phát triển hòa bình. Ông Vương Kỳ Sơn kêu gọi tránh suy nghĩ về một “trò chơi với tổng bằng không” và một cuộc chiến tranh lạnh.
Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger lưu ý Mỹ và Trung Quốc hiện đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh. Hai vẫn có thể tránh được nếu cố gắng tìm hiểu đâu là lý do chính trị cho sự xấu đi của mối quan hệ và giải quyết điều đó.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải thảo luận về các mục tiêu và nỗ lực chung để giảm tác động tiêu cực của cuộc xung đột. Ông Kissinger cũng lưu ý Thế chiến I nổ ra do thế giới đã không thể đối phó với các cuộc khủng hoảng nhỏ.
Mặc dù cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu do sự bất mãn của Tổng thống Donald Trump về sự mất cân bằng thương mại, cuộc đối đầu giữa hai nước đã nhanh chóng chuyển từ thương mại thuần túy sang các lĩnh vực khác. Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về việc cưỡng chế chuyển giao công nghệ Mỹ, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước và phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài trên thị trường của chính họ.
Sau đó, với lý do an ninh quốc gia, Mỹ đưa ra các biện pháp hành chính cản trở hoạt động của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, chẳng hạn như đưa Huawei vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, cấm các đối tác Mỹ cung cấp linh kiện cho Huawei.
Hơn nữa, Mỹ thuyết phục tất cả các đồng minh từ bỏ thiết bị Trung Quốc khi xây dựng mạng 5G. Nếu không, Washington đe dọa sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo. Mỹ cũng không cung cấp cho bất kỳ ai bằng chứng rõ ràng về việc thiết bị Trung Quốc gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Các đề xuất của Huawei tiến hành giám định chuyên môn công nghệ độc lập cũng không thuyết phục được Washington. Điều này cho thấy đó hoàn toàn không phải là vấn đề an ninh, mà là nỗi sợ của Mỹ về cạnh tranh công nghệ từ Trung Quốc.
Mỹ cần thay đổi chiến lược
Những lời lẽ của Mỹ về Trung Quốc gần đây đã thực sự thay đổi. Nếu trước đó, Mỹ vẫn tỏ ra quyết tâm hợp tác với Bắc Kinh, bây giờ vấn đề là làm thế nào để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Vì một số lý do, Mỹ đánh giá sai khả năng của Trung Quốc, coi đây là đối thủ chiến lược, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh Zhu Feng nói với Sputnik.
Ông Zhu nói thêm: “Tôi nghĩ rằng Mỹ, đặc biệt là chính quyền Trump, nên đánh giá chính xác khả năng của Trung Quốc và phát triển các chính sách phù hợp. Hiện giờ Washington thấy Trung Quốc như một thế lực đã ngang bằng, hoặc thậm chí vượt trội so với Mỹ. Nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn vượt trội so với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, vì vậy Mỹ không thực tế trong các đánh giá về Trung Quốc”.
Ông Zhu cho rằng, đường lối chính trị của Mỹ cần phải được điều chỉnh, không cần phải kịch tính hóa và phóng đại lợi thế của Trung Quốc và đánh giá đầy đủ mối quan hệ cạnh tranh Trung-Mỹ.
Những người tham gia Diễn đàn kinh tế mới bày tỏ hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận trong một cuộc chiến thương mại.
Tuần trước, trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stephen Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lightheiser, ông Lưu Hạc đã mời các nhà đàm phán Mỹ đến Trung Quốc để thảo luận trực tiếp về các vấn đề thương mại.
Được biết, phái đoàn Mỹ có thể thăm Trung Quốc trước cuối tháng 11.