📞

Năm APEC Việt Nam 2017: Triển khai ngoại giao đa phương tích cực và chủ động

13:30 | 07/11/2017
Kể từ khi gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, chỉ trong vòng chưa đầy hai mươi năm là thành viên của Diễn đàn, Việt Nam đã vinh dự hai lần đăng cai tổ chức các hoạt động của APEC. 

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy quyết định gia nhập APEC của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn và hợp thời điểm. Vào lúc các nền kinh tế khu vực đang chao đảo trong cuộc khủng hoảng tài chính Ðông Nam Á, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin vào vai trò và những giá trị của APEC đối với hòa bình, ổn định và tiến trình tự do hóa thương mại, đầu tư và tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017.

Trong gần ba thập kỷ qua, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế then chốt hàng đầu khu vực, đóng góp to lớn vào việc duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Là một thị trường 2,8 tỷ dân, APEC hiện đóng góp gần 60% GDP và 49% thương mại toàn cầu. APEC còn là nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn của thế giới. Hợp tác đồng thuận, không ràng buộc và tự nguyện cùng năng lực đổi mới, sáng tạo của các thành viên đã tạo cho APEC một sức sống bền bỉ và mạnh mẽ, giúp Diễn đàn giữ đà tăng trưởng, hợp tác và liên kết sau nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực.

Nhiều thành viên APEC là những đối tác quan trọng của Việt Nam về thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển chính thức, trao đổi du lịch và sinh viên. Các thành viên APEC hiện chiếm 75% thương mại quốc tế, gần 80% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khoảng 80% khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 80% sinh viên Việt Nam lựa chọn du học tại các nền kinh tế APEC. Các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hơn 50 nhóm công tác, ủy ban, diễn đàn của APEC. Những con số và thực tế trên cho thấy tiến trình hợp tác APEC cũng đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói nghèo, nâng cao năng lực hoạch định chính sách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự cuộc họp của Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương nhân dịp Năm APEC 2017.

Ðảm nhận lại vai trò chủ nhà APEC 2017 với vị thế mới sau hơn 30 năm đổi mới và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là cơ hội để Việt Nam góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của APEC và cùng các thành viên vun đắp tương lai chung của một cộng đồng châu Á  - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Với tinh thần đó, chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã được lựa chọn. Những sáng kiến, hoạt động do Việt Nam đề xuất nhằm cụ thể hóa chủ đề của Năm APEC 2017 đã nhận được ủng hộ tích cực của các thành viên APEC. Ðó là các định hướng về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, du lịch bền vững, thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội… Những nội dung này phục vụ thiết thực cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong khu vực, đồng thời góp phần triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020 và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động vì người dân, vì doanh nghiệp.

Việt Nam cũng đã thể hiện sự đóng góp tích cực, chủ động của mình cho định hình tương lai hợp tác đa phương của khu vực với việc tổ chức thành công Ðối thoại nhiều bên về tương lai APEC sau năm 2020. Những khuyến nghị của Ðối thoại đã đáp ứng kỳ vọng của các thành viên trong bối cảnh việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 bước vào giai đoạn nước rút và Diễn đàn đang phấn đấu khẳng định vai trò lãnh đạo trong xử lý một số thách thức lớn của khu vực và toàn cầu.

Vào lúc các nền kinh tế khu vực đang chao đảo trong cuộc khủng hoảng tài chính Ðông Nam Á, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, chúng ta vẫn giữ vững niềm tin vào vai trò và những giá trị của APEC đối với hòa bình, ổn định và tiến trình tự do hóa thương mại, đầu tư và tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Trong gần ba thập kỷ qua, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế then chốt hàng đầu khu vực, đóng góp to lớn vào việc duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

 Sự tham gia và đồng hành tích cực của mười tỉnh, thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cùng với sự phối hợp ngày càng đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành và cơ quan thành viên của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã góp phần bảo đảm hơn 200 hoạt động APEC ở các cấp trong suốt gần một năm qua diễn ra suôn sẻ, hiệu quả, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và khu vực về một Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Với hành trang là đường lối đối ngoại Việt Nam độc lập, tự chủ được đúc kết qua hơn 70 năm xây dựng và bảo vệ đất nước, công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ càng cùng những dấu ấn về nội dung và cách thức tổ chức tạo dựng được từ đầu năm đến nay qua các hoạt động APEC, chúng ta có niềm tin vững chắc rằng Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ thành công tốt đẹp. Ðây cũng là khẳng định chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và “đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, đồng thời đề cao hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy và trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế.