📞

Nắm bắt thời cơ, Ấn Độ-Đức tái định hướng quan hệ đối tác

Minh Ngọc 20:26 | 08/05/2022
Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế và mới nhất là xung đột Nga-Ukraine, Tham vấn liên chính phủ Đức-Ấn Độ hứa hẹn mở ra bước tiến mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ký kết Bản tuyên bố chung tại Tham vấn liên chính phủ lần thứ 6 ngày 2/5. (Nguồn: PIB)

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Berlin tham dự Tham vấn liên chính phủ Ấn-Đức (IGC) lần thứ 6 có ý nghĩa quan trọng cả về mặt thời điểm và kết quả.

Tại Đức, dù đang rối bời trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn công du Nhật Bản và mới đây vừa tiếp đón Thủ tướng Modi.

Mục đích của chuyến thăm được cho là tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine và nỗ lực của Đức trong việc thuyết phục Ấn Độ có "tiếng nói chung" trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, thực tế có phần khác so với tính toán do cả hai nước đều đang gặp những khó khăn nghiêm trọng, vượt xa phạm vi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ở thời điểm hiện tại, Đức đang bất đắc dĩ bị cuốn vào làn sóng chống Nga - phong trào lên án Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Sự kiện này cản trở tiến trình tự chủ chiến lược của Đức và châu Âu, song lại giúp khối này có cái nhìn khác về các đối tác bị bỏ quên như Ấn Độ.

IGC Đức-Ấn Độ diễn ra đúng vào thời điểm hệ trọng này đã cho thấy Đức có ý bắt tay với Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây được cho là hành động tất yếu và cần thiết cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế.

Đại dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế Đức và các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ càng làm giảm triển vọng của nước này. Giờ đây, nước Đức cần tìm thị trường mới cho thương mại và đầu tư, mà Ấn Độ là một đối tác quan trọng với quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến chính quyền mới của Đức gấp rút tìm đến Ấn Độ, như một phần trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này. Trong khi đó, đối với Ấn Độ, điều quan trọng là phải ngăn chặn Đức không bị "ngợp" trong cuộc khủng hoảng Ukraine và tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Điều này đồng nghĩa với việc đánh giá lại vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới. Có những dấu hiệu cho thấy Đức sẽ làm như vậy và đây chính là cơ hội cho Ấn Độ.

Tàu khu trục Bayern của Hải quân Đức cập bến ở cảng Tokyo, Nhật Bản vào ngày 5/11/2021. (Nguồn: AFP)

Đức và Ấn Độ vốn không có quan hệ đối tác chiến lược lâu đời. Quan hệ giữa hai bên được hình thành cách đây không lâu trên cơ sở thương mại, đầu tư, công nghệ, phát triển kỹ năng... Hai bên đã triển khai một số sáng kiến như diễn đàn năng lượng Ấn-Đức, diễn đàn môi trường, các hợp tác về quy hoạch đô thị, phát triển kỹ thuật, khoa học và công nghệ.

Thành quả lớn nhất từ IGC là Tuyên bố chung về ý định (JDI) thiết lập Quan hệ đối tác phát triển xanh và bền vững. Điều này sẽ nâng cao chất lượng và quy mô của quan hệ đối tác hiện có giữa hai nước. Đức đang tiếp cận với nguồn tài chính mới trị giá 10 tỷ Euro để tài trợ cho các dự án xanh ở Ấn Độ theo mô hình công, tư và PPP.

Nhằm hỗ trợ quá trình vận hành các dự án này, một diễn đàn cấp bộ trưởng nằm trong khuôn khổ IGC đang được lên kế hoạch. Diễn đàn hai năm một lần này sẽ đánh giá tất cả các bên đối tác, đưa ra chương trình phối hợp và định hướng chính trị cho phía đối tác, tránh sự phụ thuộc lẫn nhau.

Hiện tại, các diễn đàn đối tác tổ chức họp không thường xuyên, các bộ trưởng sẽ họp cùng nhau vài giờ trước khi diễn ra hội nghị toàn thể của IGC. Đây là một cơ chế phối hợp hiệu quả, thể hiện tầm nhìn cũng như cam kết của chính phủ Ấn Độ đối với chương trình nghị sự về khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Một bước tiến quan trọng khác là JDI về Tam giác hợp tác phát triển cho các dự án ở nước thứ ba, giúp mở ra hướng đi chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Phi cũng như các khu vực khác.

Hai bên cũng đang trao đổi các dự án liên quan đến Chương trình phát triển bền vững và thân thiện với môi trường dựa theo một số dự án đã thành công tại Ấn Độ.

Ngoài ra, Ấn Độ và EU đã nhất trí khởi động lại các đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) từ tháng 6 tới.

Tại phiên IGC lần này, cả hai nước chú trọng đến vấn đề khai thác tiềm lực doanh nghiệp và khu vực tư nhân với mong muốn đạt được thành tựu trong việc bảo vệ môi trường. Trong đó không chỉ có sự tham gia của các công ty lớn, mà cả một số nhà đầu tư mới của hai nước, đặc biệt là ở các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng xanh và năng lượng tái tạo.

Hiện có gần 29.000 sinh viên Ấn Độ đang theo học tại Đức. (Nguồn: Economic Times)

Mặt khác, quan hệ đối tác Ấn-Đức về mặt giáo dục cũng đã được ghi nhận với sáng kiến "Hành trình mới đến Ấn Độ" được Hạ viện Đức thông qua năm 2016. Thành quả nổi bật là sinh viên Ấn Độ theo học tại Đức đã tăng từ khoảng 4.000 sinh viên vào năm 2015 đến hiện nay là gần 29.000 sinh viên. Các Viện Công nghệ (ITT) mới của Ấn Độ như IIT-Indore đã liên kết chương trình đào tạo với với một số trường đại học kỹ thuật ở Đức.

Cũng trong phiên tham vấn, JDI về chính sách đi lại và di trú là một bước tiến quan trọng, tạo điều kiện cho nhiều sinh viên Ấn Độ được học tập và làm việc tại Đức, đồng thời cho phép các chuyên gia Ấn Độ di chuyển thuận lợi giữa hai nước. Điều này sẽ tạo đà thúc đẩy thương mại, dịch vụ và tăng cường quan hệ đối tác kỹ thuật số, một trong những mục tiêu trọng tâm của hợp tác Ấn-Đức.

Đối với chính phủ liên hiệp mới ở Đức, việc định hướng lại mối quan hệ với Ấn Độ đã diễn ra đúng như dự đoán. Giai đoạn mới hiện nay đang phản ánh những ưu tiên mới trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế và mới nhất là xung đột Nga-Ukraine.

Với những kết quả đầy hứa hẹn tại cuộc tham vấn IGC lần thứ 6, cả Ấn Độ và Đức đều nhận định đây chính là thời điểm hệ trọng để phát triển quan hệ đối tác giữa hai nước.


* Bài viết của cựu Đại sứ Ấn Độ tại Đức Gurjit Singh đăng trên báo Indian Express ngày 4/5.