Khu phố Khâm Thiên, Hà Nội sau đợt ném bom của Không quân Mỹ ngày 27/12/1972. (Nguồn: Salon.com) |
Tuy nhiên, những gì đi vào lịch sử, ít nhất là trong những gì được kể lại, chưa phản ánh chính xác bản chất, ý nghĩa và kết quả của sự kiện này. Quan điểm rộng rãi là đợt ném bom này đã buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thương thảo hiệp định hòa bình, được ký kết tại Paris tháng sau đó và hỏa lực của không quân Mỹ là yếu tố then chốt trong kết thúc sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Tuyên bố sai lầm này đã nhiều lần được củng cố và lan truyền trong 50 năm qua. Nó không chỉ tương phản với những sự thật lịch sử, mà còn liên quan trực tiếp tới hiện tại khi góp phần củng cố niềm tin sai lệch vào năng lực không quân Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực tới tính toán chiến lược của Mỹ tại Việt Nam và xa hơn nữa.
Không khó thấy câu chuyện thêu dệt nêu trên sẽ xuất hiện trở lại trong những hồi ức, lễ tưởng niệm sự kiện này tại Mỹ. Tuy nhiên, cột mốc 50 năm về chiến dịch này cũng là cơ hội để chúng ta đính chính lại, về những gì đã thực sự diễn ra trên bầu trời Việt Nam tháng 12/1972 và trên bàn đàm phán tại Paris tháng 01/1973.
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 10 tại Paris khi sau nhiều năm trì trệ, quá trình đàm phán bất ngờ có bước ngoặt khi các nhà đàm phán của Mỹ và phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bất ngờ có nhiều nhượng bộ quan trọng. Phía Mỹ đã không còn yêu cầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút khỏi miền Nam, lập trường từng được Washington nhiều lần ẩn ý, dù chưa được ghi cụ thể trong các đề xuất đã nêu. Về phần mình, đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lần đầu tiên từ bỏ lập yêu cầu loại bỏ chính quyền Việt Nam Cộng hòa của ông Nguyễn Văn Thiệu trước khi khép lại bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Với hai rào cản lớn bị loại bỏ, quá trình thảo luận đã nhanh chóng tiến triển và đến ngày 18/10, hai bên đã phê chuẩn bản đàm phán cuối cùng. Sau một vài sự thay đổi nhỏ vào phút chót, như đã được ghi trong hồi ký, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đánh điện tới Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng, khẳng định thỏa thuận “bây giờ có thể được coi như là hoàn thành” và nước Mỹ, sau khi chấp nhận và trì hoãn ở hai lần trước, “có thể tin tưởng rằng” sẽ ký kết thỏa thuận này tại một buổi lễ chính thức vào ngày 31/10.
Một phần cánh máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị bắn rơi trong trận ném bom Giáng sinh năm 1972 trong một khu dân cư ở Hà Nội. |
Tuy nhiên, điều đó đã không bao giờ xảy ra. Mỹ đã rút lại cam kết cũ sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa của ông Nguyễn Văn Thiệu, vốn bị gạt sang một bên trong các đợt đàm phán, từ chối chấp nhận thỏa thuận. Do đó, việc quân đội Mỹ tiếp tục chiến đấu ở Việt Nam tháng 12/1972 là hệ quả từ quyết định của Washington, thay vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong bối cảnh đó, ngày 26/10, Thông tấn xã Việt Nam đã ra thông báo xác nhận thỏa thuận và nêu cụ thể danh sách điều khoản của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ đó dẫn đến tuyên bố lịch sử của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger vài giờ sau đó rằng “hòa bình đã ở trong tầm tay”). Như vậy, bản dự thảo trước đó không phải là điều gì bí mật khi hai bên công bố thỏa thuận vào tháng 01/1973.
So sánh bản dự thảo này và văn kiện được ký kết, không khó để thấy các đợt ném bom của Mỹ tháng 12/1972 không thể thay đổi được lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong văn kiện ký kết, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không nhượng bộ thêm bất cứ điều khoản nào so với bản dự thảo được công bố trước đó. Bên cạnh vài thay đổi nhỏ về quy trình và câu chữ bên ngoài, bản thỏa thuận tháng 10/1972 và tháng 01/1973, về mặt thực tế, là tương đồng với nhau. Thực tế cho thấy các đợt ném bom đã không mang đến bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào.
Tuy nhiên, đứng trước sự thật rõ ràng đó, câu chuyện được thêu dệt về chiến dịch “ném bom Giáng sinh” như là một chiến dịch quân sự thành công của Washington vẫn tiếp tục được nhiều quan chức an ninh quốc gia và công chúng Mỹ đề cao.
Điều này thể hiện rõ nét ngay trên trang chủ của Lầu Năm góc nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện này. Trên “bản thông tin” của Không quân Mỹ không đề cập đến bản dự thảo tháng 10 của Thỏa thuận hay sự rút lui của phía Mỹ khỏi bản dự thảo đó (hai điều này cũng không được đề cập ở bất kỳ nơi nào khác trên trang web này). Thay vào đó, tài liệu này chỉ nói rằng khi “đàm phán kéo dài”, Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh triển khai Chiến dịch không kích tháng 12 và “miền Bắc Việt Nam, không thể phòng thủ, đã phải trở lại đàm phán và nhanh chóng kết thúc thỏa thuận”. “Bản thông tin này” sau đó kết luận: “Hỏa lực của Không quân Mỹ đã đóng vai trò then chốt trong chấm dứt xung đột kéo dài này”.
Hàng loạt các nội dung khác trên trang web khẳng định các đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã “đơn phương” hoặc “cùng nhau” từ bỏ các cuộc đàm phán sau tháng 10 – ngay cả khi Mỹ đã chấp nhận nhiều điều khoản – song các đợt ném bom do Tổng thống Nixon chỉ đạo đã buộc họ phải trở lại với bàn đàm phán.
Thiếu nữ Làng hoa Ngọc Hà tưới hoa, đón mùa xuân Chiến thắng bên xác máy bay B-52 Mỹ vừa bị quân và dân Hà Nội bắn rơi, tháng 12/1972. |
Trên thực tế, nếu như có ai từ bỏ đàm phán, đó là người Mỹ, hoặc ít nhất là trưởng đoàn đàm phán của họ. Thông tin của Lầu Năm góc nêu rõ thời gian rút lui của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Ngày 18/12, ngày các đợt ném bom bắt đầu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trên thực tế đã kết thúc từ vài ngày trước. Ông Henry Kissinger rời Paris ngày 13/12, trong khi các trợ lý, quan chức cấp cao xuất phát vài ngày sau đó. Cuộc gặp mang tính hình thức cuối cùng giữa hai bên diễn ra ngày 16/12. Sau khi kết thúc, đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định họ muốn triển khai quá trình đàm phán và ký kết “nhanh nhất có thể”.
Dù mới tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này trước đó không lâu, tôi đã bất ngờ về cái cách câu chuyện được thêu dệt này đã lấn át sự thật. Sự thật đã được phơi bày từ lâu kể từ khi những sự kiện này diễn ra, song dường như đang “mất tích” trước công chúng. Tìm kiếm trên mạng từ khóa “hòa bình trong tầm tay” hay “Linebacker II” (mật danh của chiến dịch), tôi nhận được hàng loạt bài viết, thông tin với kết luận sai lệch tương tự như trang web Lầu Năm góc. Tôi đã phải tìm kiếm sâu và kỹ hơn nhiều để tìm được các nguồn thông tin đề cập đến những gì thực sự diễn ra, vốn tương phản hoàn toàn với phiên bản thêu dệt của sự kiện này.
Du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quân đội Việt Nam. |
Điều này có lẽ quá nhiều để đòi hỏi, song tôi mong rằng, với bài viết này, lễ kỷ niệm 50 năm là cơ hội để tất cả cùng nhìn lại bước ngoặt lịch sử của Mỹ với một thái độ thận trọng, suy xét hơn, trong một cuộc chiến không thành công và không được ủng hộ. Nếu những nhà nghiên cứu lịch sử tôn trọng sự thật và người Mỹ quan tâm tới tình hình an ninh quốc gia hiện tại có thể dành thời gian để làm mới ký ức và sự hiểu biết của mình, có lẽ họ sẽ có thể phản bác câu chuyện thêu dệt này với nhiều thông tin chính xác hơn về sự kiện xảy ra nửa thế kỷ trước. Đây sẽ là một việc làm đầy ý nghĩa, không chỉ đối với sự thật lịch sử, mà còn cung cấp một góc nhìn tỉnh táo và thực tế về chiến lược quốc phòng của Mỹ hiện nay - và quan trọng hơn, bom đạn sẽ giúp chúng ta làm được gì và không làm được gì.
* Bài viết của Arnold R. Isaacs, một nhà báo công tác tại Việt Nam giai đoạn 1972-1975, tác giả cuốn “Without Honor: Defeat in Vietnam and Cambodia”. Ông được tạp chí Foreign Affairs mô tả là “nhân vật không thể thiếu trong quá tình tìm hiểu về giai đoạn cuối của Chiến tranh Việt Nam”. |