📞

Nếu xung đột Nga-Ukraine xảy ra, Mỹ có thật sự lao vào 'dầu sôi lửa bỏng'?

Minh Nhật 19:30 | 10/05/2021
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Ukraine vừa qua phải chăng để khẳng định rằng Washington sẽ ủng hộ Kiev trước bất kỳ động thái nào từ Nga?
Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và NATO cần làm gì đó để giúp Ukraine thắng thế trước Nga. Trong ảnh là một quân nhân Ukraine trong tư thế sẵn sàng chiến đấu tại thành phố nhỏ Marinka, vùng Donetsk, ngày 20/4. (Nguồn: Getty)

Kể từ khi Nga can thiệp vào Ukraine năm 2014, với việc sáp nhập Crimea và hỗ trợ các phiến quân ly khai tiếp tục chiến đấu ở khu vực Donbass, nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và phương Tây cần làm gì đó để giúp Ukraine có thể thắng thế.

Khoảng cách từ lời nói đến hành động

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, nhưng suy nghĩ rằng Mỹ có thể bảo vệ Ukraine về mặt quân sự là một sai lầm. Nếu xung đột Nga-Ukraine thực sự bùng phát, lợi ích mà Ukraine mang lại e rằng không đủ để Washington lao vào "dầu sôi lửa bỏng".

Dù nhận được các tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ, nhưng không có bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về hỗ trợ quân sự trực tiếp của phương Tây đối với Kiev. Trong khi đó, những lời kêu gọi ngày càng trực tiếp và mạnh mẽ của Ukraine về việc để nước này sớm trở thành thành viên NATO đã bị phớt lờ.

Chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Blinken diễn ra vài tuần sau khi hơn 100.000 quân Nga tập trung đông đảo ở biên giới Ukraine. Mặc dù quân đội Nga đã rút đi một phần, nhưng sự hiện diện của họ tại khu vực này vẫn tiếp tục gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Ukraine.

Giao tranh gia tăng vào đầu năm nay ở Donbass khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ. Các cuộc đàm phán để giải quyết mâu thuẫn đang bị đình trệ trong khi Moscow yêu cầu nhiều quyền tự trị hơn cho hai tỉnh Donbass so với những gì Kiev sẵn sàng trao.

Rõ ràng, Ukraine không phải là đối thủ của Nga,quân đội Kiev cũng không thể sánh được với Moscow. Ukraine có 209.000 nhân viên quân sự tại ngũ so với con số 900.000 của Nga, trong khi chi tiêu quốc phòng của Ukraine vào năm 2021 dự kiến ​​là 4,3 tỷ USD, chưa bằng 1/10 của Nga.

Ukraine có thể sẽ có hai con đường cơ bản để đảm bảo an ninh là đối ngoại giảm bớt căng thẳng với Nga hoặc cố gắng trở thành một quốc gia bảo hộ của phương Tây thông qua gia nhập NATO.

Vì lựa chọn đầu tiên có thể liên quan đến việc từ bỏ Crimea, nhường quyền tự trị ở mức độ cao cho các tỉnh Donbass và tiếp tục chịu sự ảnh hưởng của Nga, Kiev đương nhiên muốn tất cả sự hỗ trợ quân sự của phương Tây mà họ có thể nhận được, cho dù đó là vũ khí, huấn luyện quân sự hoặc lời hứa về sự gia nhập NATO, điều mà nước này vẫn chưa nhận được.

Cho đến nay, Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có những hành động cụ thể khẳng định sự ủng hộ với Ukraine. Như Ngoại trưởng Blinken từng nói về "sự ủng hộ vững chắc" đối với Ukraine và "đứng lên vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine vẫn là mối quan tâm sống còn đối với châu Âu và Mỹ", nhưng cả ông và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn chưa đề xuất hay ủng hộ quyền đăng ký gia nhập NATO của Ukraine.

Thông cảm với hoàn cảnh của Ukraine là điều đương nhiên, nhưng việc chi hàng tỷ USD cho viện trợ quân sự thì khó mà Mỹ có thể đánh đổi lợi ích kinh tế hay chính trị để nhiệt tình giúp đỡ.

Ngược lại, Nga có lợi ích lớn hơn rất nhiều ở Ukraine bởi đây vốn là phần lãnh thổ của cường quốc này trước khi Liên Xô sụp đổ. Người Nga có quan hệ cả về sắc tộc lẫn dân tộc chủ nghĩa với người Ukraine và cũng lo ngại Ukraine một lần nữa có thể trở thành hành lang cho các mối đe dọa trong tương lai đối với lãnh thổ của mình.

Sự không đối xứng về lợi ích có nghĩa kể cả nếu Mỹ nghiêm túc can thiệp thì cũng sẽ không ngăn cản quyết tâm của Nga và ngay cả việc đưa Ukraine vào NATO cũng khó có thể thay đổi điều này.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngày 6/5. (Nguồn: AFP)

Ba rủi ro lớn

Mặt khác, việc Mỹ và phương Tây quyết tâm hỗ trợ Ukraine bằng hành động có thể dẫn đến ba rủi ro lớn.

Thứ nhất, với giả thiết Mỹ và phương Tây hỗ trợ Ukraine nhằm mục đích ngăn chặn một cuộc tấn công tổng lực của Nga.Trên thực tế, khả năng các lực lượng phương Tây bảo vệ Ukraine có thể sẽ là động thái đe dọa lại Nga, kích thích quyết tâm của cựu thù của Washington trong Chiến tranh Lạnh.

Moscow có thể có lý do rằng, trong khi NATO có thể sẽ không thực sự bảo vệ thành viên mới của mình, tại sao phải chờ đợi để biết rõ thực hư mà hành động luôn ngăn chặn nguy cơ từ NATO và Ukraine? Đồng thời, Nga cũng có thể sử dụng khả năng trở thành thành viên NATO của Ukraine như một cái cớ hoài nghi để tấn công quân sự.

Thứ hai, can thiệp vào vấn đề Ukraine sẽ khiến Mỹ phải di chuyển lực lượng quân sự sang châu Âu, điều này như một hành động khơi mào chiến tranh và giống như hành động tự sát hơn là tự vệ.

Những động thái như vậy không chỉ tạo thêm gánh nặng cho Mỹ vốn mới lao đao vì dịch, mà còn có thể làm tổn hại mối quan hệ với Điện Kremlin hay ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của phương Tây có được nếu hợp tác với Nga.

Thứ ba, kỳ vọng vào NATO có thể chỉ mang lại cho Ukraine hy vọng hão huyền.

Trở thành quốc gia dưới sự bảo hộ vĩnh viễn của Mỹ là một ảo mộng có thể ngăn cản Kiev làm những gì mà lợi ích an ninh thực sự của nước này yêu cầu, đó là đối thoại, hòa dịu căng thẳng với Nga trong khi vẫn giữ thái độ trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa Nga với NATO.

Nga cũng biết hành động gây hấn mới có thể khiến các cường quốc châu Âu và Mỹ tăng chi tiêu của NATO, áp đặt các lệnh trừng phạt mới, ảnh hưởng đến nhiều lợi ích hợp tác với phương Tây như xuất khẩu khí đốt cũng như gia tăng căng thẳng giữa hai bên.

Suy cho cùng, vấn đề không phải việc Mỹ sẽ làm gì nếu nổ ra xung đột Nga-Ukraine mà điều Ukraine nên quan tâm là liệu căng thẳng, chiến tranh kéo dài có thực sự giúp ích cho người dân của họ hay không.

(theo Defense Priorities)