Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận quy mô lớn có nội dung là chặn đứng các cuộc tấn công trên vịnh Phần Lan, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho thành phố St. Petersburg. (Nguồn: Reddit) |
Cuộc tập trận là một phần trong chuỗi các cuộc diễn tập chiến lược “Phương Tây-2021” giữa Nga và Belarus sẽ diễn ra từ 10-16/9 tới.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận nhằm chặn đứng các cuộc tấn công trên vịnh Phần Lan, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho thành phố St. Petersburg.
Nguy cơ từ biển Baltic
Một trong những chi tiết quan trọng của cuộc tập trận là bố trí ngư lôi ở vịnh Phần Lan, tổ chức đưa tổ hợp tên lửa bờ biển tối tân Bal và Bastion ra đảo Kotlin gần thành phố Kronstadt mà theo giới chuyên gia là sẽ bảo vệ hoàn toàn được vịnh Phần Lan trước các cuộc tấn công của kẻ thù giả định.
Đánh giá về nguy cơ bị tấn công từ biển Baltic, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết: “Lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng gia tăng hoạt động trên biển Baltic, tính từ năm 2016 đến nay, các tàu chiến của NATO đã 18 lần đi vào vùng có thể phóng tên lửa hành trình. Tính riêng trong năm 2020, đã có 3 sự cố xảy ra gần biên giới với tỉnh Kaliningrad của Nga. Đặc biệt là các cuộc diễn tập chiến dịch ngày càng gia tăng ở sát biên giới Nga”.
Tư lệnh hạm đội Baltic, Đô đốc Aleksandr Nosatov cho biết các đơn vị tên lửa Leningrad và Kaliningrad đã được trang bị các tổ hợp tên lửa Bal và Bastion để chuẩn bị tham gia vào cuộc tập trận. Đồng thời, các hoạt động diễn tập cũng bắt đầu được triển khai.
Chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự Nga Dmitri Boltenkov đánh giá, xét về vị trí đặc biệt của St. Petersburg là thành phố nằm trên bờ biển Baltic, vấn đề an ninh của thành phố đã được lãnh đạo nhà nước từ thời Peter Đại đế đặc biệt quan tâm. Theo đó, kẻ thù có thể tấn công, đổ bộ đánh chiếm thành phố này từ ngoài biển.
Theo chuyên gia này, ý tưởng bố trí trận địa pháo, tên lửa và ngư lôi đã có từ thời Nikolai Đệ nhị và thời Thủ tướng Liên Xô Joseph Stalin. Chỉ có điểm khác biệt là trình độ kỹ thuật của ngày nay đã hoàn toàn khác so với xưa.
Hệ thống phòng thủ bờ biển Bal siêu hiện đại của Nga. (Nguồn: Iz.ru) |
Sức mạnh của hệ thống tên lửa Bal và Bastion
Khả năng hỏa lực của hệ thống Bal và Bastion sẽ khóa lối vào vịnh Phần Lan từ hai đảo Hanko và Mazury, do đó St.Petersburg sẽ hoàn toàn được bảo vệ. Như vậy, cuộc tập trận sắp tới của căn cứ Hải quân Leningrad là hết sức quan trọng.
Trong những năm gần đây, Nga không ngừng hoàn thiện tuyến phòng thủ khu vực Baltic, tích cực củng cố sức chiến đấu của lực lượng bờ biển, trong đó có các đơn vị pháo và tên lửa. Những tổ hợp tên lửa lỗi thời Redut và Rubezh đều thay thế bằng các tổ hợp tên lửa hiện đại Bastion và tổ hợp Bal. Căn cứ Hải quân Leningrad và tỉnh Kaliningrad đã được trang bị tổ hợp Bastion và Bal từ cuối năm 2020.
Nhiệm vụ chính của tổ hợp Bal là bảo vệ bờ biển, eo biển, các căn cứ hải quân. Tổ hợp tên lửa Bal có thể bắn từng tên lửa riêng biệt, cũng có thể bắn thành một loạt 32 tên lửa cùng một lúc, thời gian nạp đạn mất khoảng 30 đến 40 phút, sau đó lại tiếp tục bắn.
Hệ thống tên lửa Bal được bố trí trên xe đặc chủng MZKT-7930, hai sở chỉ huy, 4 thiết bị phóng, 8 tên lửa hành trình Kh-35 và Kh-35U, tầm bắn đạt 260km.
Ngoài ra, tổ hợp tên lửa Bal còn được trang bị hệ thống định vị hiện đại nhất. Bởi lẽ đó, vị trí xuất phát có thể thay đổi rất nhanh, chỉ mất khoảng 10 phút.
Trong khi đó, hệ thống tên lửa Bastion được Nga trang bị cho quân đội từ năm 2010. Mỗi hệ thống được trang bị 24 tên lửa hành trình siêu thanh Yakhont.
Hệ thống Bastion có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự li 600 km, ở mỗi đầu đạn có bố trí radar dẫn đường, cho nên tên lửa Yakhont với độ chính xác đặc biệt có thể tiêu diệt không chỉ tàu chiến của đối phương mà cả các mục tiêu trên mặt đất.
Kinh nghiệm chiến trường Syria cho thấy, Bastion đã cho thấy hiệu quả cao khi cần phải tiêu diệt các mục tiêu cố định trên mặt đất, các sở chỉ huy, các trạm radar, các sân bay và các trận địa pháo binh của đối phương.