📞

Nga lý giải 'chiến dịch quân sự đặc biệt': 'Giọt nước tràn ly' dẫn đến một lựa chọn chẳng dễ dàng!

Phương Hà 10:42 | 25/02/2022
Theo học giả Nga, những diễn biến 'dồn ép' Moscow gần đây đã buộc Tổng thống V. Putin phải đưa ra lựa chọn khó khăn là một 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine.
Tổng thống Nga V. Putin. (Nguồn: AP)

Không phải là "một cuộc chiến"

Ông Gevorg Mirzayan, Phó giáo sư của Đại học Tài chính thuộc chính phủ Nga vừa qua đã đưa ra những bình luận về việc Moscow tiến hành can thiệp quân sự tại Ukraine.

Phó giáo sư Gevorg Mirzayan nhận định, ngày 24/2, thế giới thức dậy với một thực tế mới. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm điều mà nhiều người mong đợi cách đây 8 năm, đó là tuyên bố bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga nói: “Diễn biến tình hình hiện tại đòi hỏi chúng tôi phải có hành động dứt khoát và ngay lập tức. Các nước cộng hòa nhân dân (tự xưng-PV) ở Donbass đã quay sang Nga để yêu cầu giúp đỡ. Về vấn đề này, theo Điều 51, Mục 7 của Hiến chương Liên hợp quốc, với sự cho phép của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và tuân theo các hiệp ước hữu nghị và tương trợ với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) đã được Hội đồng Liên bang phê chuẩn, tôi quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Phương Tây đã gọi quyết định của ông Putin là một “cuộc chiến tranh chống lại Ukraine”. Theo thông báo của chính quyền Ukraine, các cuộc tấn công bằng tên lửa đã phá hủy các cơ sở quân sự, kho quân sự, sở chỉ huy và có thể cả các hệ thống phòng không ở gần Kiev, Kharkov, Odessa và Mariupol.

Tuy nhiên, đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ông Vasily Nebenzya đã tuyên bố rõ ràng rằng những gì đang diễn ra không thể gọi là một cuộc chiến, đây chính xác là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Không phải là "chiếm Ukraine"

Từ góc độ Nga, Moscow lý giải hành động của mình như sau:

Thứ nhất, vì Nga không chiến tranh với người dân Ukraine mà với những người đang “nắm chính quyền ở Kiev”- những người đã và đang theo đuổi một chính sách thù địch với cả người Nga và người Ukraine, ra lệnh ném bom các thành phố và làng mạc của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk trong 8 năm qua. Và theo Tổng thống Putin, những người này sẽ phải bị đưa ra công lý và Nga không có ý định "chiếm đóng" lãnh thổ Ukraine. Ông Putin đã yêu cầu Ukraine rút quân.

Thứ hai, đây không chỉ là quân sự mà còn là hoạt động đặc biệt về chính trị. Mục tiêu của hoạt động này thực sự không phải là chiếm Ukraine, mà là một nỗ lực để xây dựng các quy tắc mới nhằm mang lại hòa bình và ổn định, ít nhất là đối với châu Âu.

Phương pháp cụ thể này - chiến dịch quân sự không phải là điều mọi người mong muốn, nhưng vấn đề là Nga đã thử những phương pháp chuẩn mực khác nhưng không hiệu quả.

Trong suốt những năm 2000, Nga đã cố gắng giải thích với các đối tác phương Tây về sự cần thiết phải tạo ra một hệ thống an ninh tập thể mới ở châu Âu. Đó là an ninh “không thể chia cắt”, nơi lợi ích của Nga sẽ được tính đến và tích hợp. Tuy nhiên, tất cả các dự án “từ Vladivostok đến Lisbon” đều bị phương Tây phớt lờ.

Nga đã tuân thủ thỏa thuận Minsk, đồng thời hối thúc Ukraine thực hiện chúng. Nhưng sau 8 năm cố gắng, đáp lại, Nga đã không chỉ nhận được sự từ chối thẳng thừng của Ukraine tuân thủ thỏa thuận Minsk (thậm chí cả chế độ ngừng bắn), mà còn phải hứng chịu những cáo buộc từ phương Tây rằng Nga đã không tuân thủ thỏa thuận này.

Và trong suốt 8 năm qua, người dân của hai nước cộng hòa (tự xưng) nói trên đã phải hứng chịu sự phong tỏa và pháo kích của Ukraine. Việc Ukraine liên tục pháo kích vào hai nước cộng hòa này, hành động được coi là “giọt nước làm tràn ly” đã khiến Tổng thống Nga đưa ra một quyết định hết sức khó khăn, đó là tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

(theo TTXVN, TASS)