Báo TG&VN đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Phan Văn Trường – chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế về vấn đề này.
Giáo sư Phan Văn Trường. |
Giáo sư Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp tặng Huy chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh năm 2007. |
Thưa GS, gần đây cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” được nhắc đến khá nhiều tại Việt Nam?
Tôi cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4) đáng để cho chúng ta quan tâm. Cuộc cách mạng nào cũng mang lại cơ hội và thách thức cho mọi người, mọi giới, mọi quốc gia. Riêng đối với Việt Nam, nó sẽ đem lại nhiều kết quả cho những ai sớm ý thức và có sự chuẩn bị.
Nhiều người nghĩ rằng đây là cơ hội để đi tắt, có nghĩa, chúng ta đi sau nhưng có thể áp dụng những khám phá của thế giới trong những cuộc cách mạng 1, 2, 3. Tôi rất trân trọng ý kiến của anh Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Viettel, khi nói rằng, có lẽ cơ hội để làm khác đi đã tới.
Bên cạnh những tác động lớn đối với nền kinh tế thì CMCN4 hẳn cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến ngành giáo dục nước ta?
CMCN4 đòi hỏi sự đóng góp của mọi giới năng động, tự lập, tự do, tự học, tự nghiên cứu, tự động viên, nhất là óc sáng tạo. Bao nhiêu cái “tự” đó khó lòng sinh tồn trong một cơ chế “đợi lệnh trên”.
Giáo viên tương lai của nước ta sẽ phải dạy trẻ tự học, tự tiến bộ, tự tư duy. Điều đáng nói, phần thưởng cuối cùng không còn là bằng cấp, mà là giá trị mỗi người tạo ra cho xã hội. Sự cạnh tranh sẽ không còn từ quốc gia này với quốc gia nọ, mà các công dân trên toàn cầu thi đua mọi nơi mọi lúc. Thách thức ở đây dành cho những người phụ trách về chính sách.
Việt Nam nên làm gì để hòa mình vào CMCN4? Có khi nào, các cử nhân ra trường sẽ bị thất nghiệp do bị người máy “soán ngôi”?
Người máy sẽ không soán ngôi nhưng cuộc đua sẽ không ngừng. Trong cuộc đua này, ai có khả năng và thiện chí cũng sẽ có việc làm, vì một lý do đơn giản đây là cuộc cách mạng không có giới hạn.
Trong CMCN4, không còn ai nói tới bằng cấp nữa. Con người sẽ được đánh giá theo giá trị thật họ mang tới cho xã hội, bất chấp bằng cấp, bất chấp xuất xứ, bất chấp hệ thống chống lưng. Không ai phải lo mất việc nếu đủ sức gia nhập thế giới “tạo giá trị”, bởi thế giới này có quá nhiều việc phải làm, mỗi việc lại là nguồn cảm hứng cho hàng ngàn việc khác. Tất nhiên, những người học thuộc lòng, thi lấy điểm, học lấy bằng sẽ mất chỗ đứng. Giáo viên nào không thay đổi tư duy cũng sẽ mất chỗ.
Ngành giáo dục nước ta cần phải “lột xác” như thế nào trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0? |
Khi mà tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không có dấu hiệu dừng lại theo từng năm, ngành giáo dục Việt Nam cần phải “lột xác” như thế nào?
Khi đặt ra vấn đề này nghĩa là đã muốn tìm một chính sách mới. Trong cuộc cách mạng mới thì mỗi người phải tự lột xác, từ học viên đến giáo viên, từ công chức đến tư nhân. Điều đặc biệt, không ai có thể từ chối theo cuộc cách mạng này, nếu không theo sẽ bị bỏ rơi.
Theo GS, phải làm sao để các chương trình giáo dục đào tạo không “trật đường ray”? Có nên đưa khái niệm công dân toàn cầu vào giáo dục?
Tôi tán thành. Trước tiên, tuổi trẻ Việt Nam phải hiểu rằng, không còn học và hành cho chính mình nữa, mà cho cả thế giới. Bạn tạo ra càng nhiều giá trị, tiết kiệm càng nhiều vốn, nguồn lực cho thế giới thì phần thưởng nhận được sẽ càng lớn.
Thứ hai, làm việc nhóm là bắt buộc, nhưng không chỉ với bạn bè thân hữu mà phải làm việc với những người không quen biết trên thế giới có cùng chung chí hướng. Điều này đòi hỏi một phong cách làm việc kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, cẩn mật, có óc tổ chức, tư duy thương thảo mỗi lúc, khả năng truyền thông tuyệt vời trong nhiều ngoại ngữ, khả năng giải quyết mâu thuẫn, thậm chí xung đột từ xa… Sẽ không có chỗ cho việc làm tạm bợ, không hiểu hoặc không tôn trọng luật pháp tại nhiều quốc gia; sẽ đòi hỏi một phông văn hóa cao để dễ tìm nguồn thông cảm giữa các chủng tộc, đạo giáo. Đồng thời, hàng trăm ngàn tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ sẽ nằm yên trong tủ, không còn là tấm hộ chiếu cho bất kỳ một chức vị nào.
Vậy những người trẻ cần tự đổi mới mình như thế nào để trở thành một công dân toàn cầu?
Theo tôi, người trẻ cần đọc, học, trao đổi, tham khảo, so sánh và cạnh tranh nhiều.
Hãy “phóng thích” mình khỏi những gò bó. Nhảy xuống biển xa bờ để tập bơi như người Nhật. Hùng biện với cha mẹ và anh chị em khi còn bé như người Mỹ. Tự lập thực sự bằng cách sống riêng từ năm 18 tuổi như người châu Âu. Học sức chịu đựng cao từ những con trẻ người châu Phi…
Những thứ như thế sẽ tạo ra những con người tự tại, tự lập, tự cường, tự chế mà không bao giờ tự mãn. CMCN4 là dành cho loại người da thịt bằng đá, gân guốc bằng thép, nhưng trái tim bằng vàng.
Cha mẹ cần phải làm gì để giúp con em mình đón cuộc cách mạng này?
Gia đình giáo dục con theo kiểu gò bó sẽ làm cho thế hệ tương lai thiếu khả năng nắm bắt làn sóng cách mạng công nghệ. Nếu các bà mẹ Việt Nam vẫn cứ tiếp tục đút cơm cho con ăn thì sẽ vô cùng tai hại cho chúng. Còn nếu ném con xuống biển để con tự học bơi thì đó là tư duy muôn thuở của người Tây Âu, nhưng có thể chuẩn bị cho con cái ra đời với tinh thần tự lực tự cường. Những đứa con ấy sẽ gia nhập CMCN4 dễ dàng hơn.
Cảm ơn Giáo sư!