Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, mỗi y, bác sĩ cần thiết phải học tập, tự nghiên cứu để hướng tới sự hiện đại, chuyên nghiệp. (Ảnh: HH) |
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới xã phường, thôn bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân. Y tế cơ sở ở nước ta hiện nay bảo đảm cho mọi người dân, dù là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… vẫn được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất.
Tại các đô thị đã thí điểm mô hình y học gia đình, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại địa bàn sinh sống, thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; “quản lý sức khỏe liên tục, lồng ghép, toàn diện” dựa vào cộng đồng. Một số trạm y tế đã thực hiện quản lý, tư vấn sức khỏe người dân trên địa bàn, quản lý một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…
Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc sức khỏe, mạng lưới y tế cơ sở cần phải nhanh chóng cập nhật kiến thức chuyên môn cũng như phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ để xứng đáng là nơi nhân dân nghĩ đến đầu tiên khi gặp các vấn đề về sức khỏe. Y tế cơ sở cần thể hiện vai trò của mình tốt hơn nữa, góp phần giảm bớt tình trạng: người dân cứ có bệnh, dù nhẹ hay nặng là lập tức đến các bệnh viện của tỉnh, thành phố, thậm chí Trung ương, như vậy thì không có hệ thống y tế nào đủ sức gánh được.
Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, y tế là một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Vì vậy, ngành Y tế cần được quan tâm.
Thứ nhất về con người, cần nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc để động viên các cán bộ, y bác sĩ yên tâm công tác. Cần giảm thiểu và tiến tới loại bỏ tình trạng nhân viên y tế phải làm thêm công việc khác, thậm chí chưa đúng với y đức để kiếm sống.
Đồng thời, cần chủ động nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên giáo dục y đức cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động trong ngành Y tế.
Thứ hai, cần tạo điều kiện để nhân viên y tế có thể thực hiện tốt công việc của mình. Bằng cách hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là trong công tác mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công; ngân sách Nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế; phương thức chi trả dịch vụ y tế cần đổi mới, hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản; điều chỉnh tính đủ chi phí dịch vụ y tế…
Thứ ba, cần có sự đầu tư thích đáng nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật tiến tiến, bảo đảm yêu cầu phát triển. Ngành cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Về truyền thông, cần làm tốt công tác định hướng thông tin những vấn đề thực tiễn mang tính nhạy cảm, bức xúc, các phản biện xã hội liên quan đến các lĩnh vực của ngành. Cần tăng cường công tác dự báo, trao đổi thông tin nhằm làm rõ và đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập, nổi cộm trong lĩnh vực y tế.
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội thì nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, do vậy, ngành Y sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên, đó là sự lạc hậu của các cơ chế quản lý so với thực tế phát triển của xã hội, từ công tác đấu thầu vật tư y tế cho tới chính sách giá dịch vụ, tiền lương và thù lao cho nhân viên y tế cũng như các vấn đề như telehealth (khám bệnh từ xa), đơn thuốc điện tử…
Bên cạnh đó là sự quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối. Không có hệ thống nào có thể đáp ứng được tình trạng người dân cứ có bệnh, dù nhẹ hay nặng, dù ở thành phố hay nông thôn, đều kéo thẳng tới các bệnh viện tuyến Trung ương. Y tế cơ sở và y tế ngoài công lập phải phát triển lành mạnh, để chia sẻ bớt áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối.
Cuối cùng là tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, khi mà ngành Y không còn là ngành hấp dẫn những học sinh, sinh viên giỏi nhất nữa. Những người giỏi họ sẽ chọn những ngành học đỡ vất vả hơn, nhanh chóng có được vị thế trong xã hội hơn, kiếm được nhiều tiền hơn… Nếu không đổi mới, ngành Y sẽ khó có thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ở một khía cạnh khác, trong thời đại công nghệ, theo tôi, bản thân mỗi y, bác sĩ cũng cần thiết phải học tập, tự nghiên cứu không ngừng để hướng tới sự hiện đại, chuyên nghiệp của cả nền y tế. Nói đúng hơn, mỗi y, bác sĩ phải chủ động việc tự học, tự đào tạo, nghiên cứu và cập nhật kiến thức mới để bản thân mình không bị "cũ" đi.
Thông tin thay đổi từng ngày, không chỉ chuyên môn, do đó, các "chiến sĩ áo trắng" còn cần tích cực học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng sử dụng các loại máy móc, công nghệ mới và các chuyên ngành liên quan; điều quan trọng là sự dấn thân và luôn giữ được "lửa nghề". Tuy nhiên, để thầy thuốc có thể chuyên tâm với nghề, họ cần được làm việc trong một môi trường tốt, có thu nhập đảm bảo cuộc sống, không phải lo làm thêm ngoài giờ, không bị áp lực "cơm áo gạo tiền" đè nén.
Ở góc độ cá nhân, có thể nói, nghề y đã cho tôi nhiều thứ, nhiều giá trị mà không dễ gì có được. Đó là sự bình yên về mặt tâm hồn, cảm giác tích cực khi những kiến thức hay sự cố gắng của mình đã giúp ích được cho cộng đồng.
Xưa nay, nghề giáo và nghề y luôn được xem là những nghề cao quý vì dạy người và cứu người. Tôi luôn cho rằng, mỗi người một khi đã chọn nghề y nghĩa là chúng ta đã xác định vất vả, đánh đổi và hy sinh. Dù có những vất vả, hy sinh nhưng nhân viên y tế luôn là những "anh hùng áo trắng" trong mắt người dân, nhận được những nụ cười của người bệnh và người nhà bệnh nhân, đó mới là điều quan trọng...