Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng tranh thủ thời gian tư vấn, hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà qua điện thoại. |
Một ngày của ông diễn ra như thế nào để có thể tròn vai tại Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) vẫn có thể tham gia tích cực vào “Nhóm Bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”?
Một ngày của tôi cũng bình thường thôi. Tôi vẫn làm nhiệm vụ, làm công việc chuyên môn, sinh hoạt cùng gia đình nhưng vẫn tham gia trả lời hỗ trợ các F0.
Đặc biệt, tôi không nhận hỗ trợ qua mạng xã hội như Facebook, Zalo mà công khai số điện thoại để mọi người khi cần có thể nhắn tin hoặc gọi điện.
Khi tin nhắn đến, tôi không trả lời được ngay mà sẽ xem qua. Với những trường hợp khẩn cấp như đang lên cơn khó thở hay SpO2 giảm nhiều, tôi sẽ chủ động gọi điện hỗ trợ luôn.
Còn với những trường hợp chưa cấp bách, tôi có thể nhắn lại là “bác sĩ sẽ gọi lại sau, bạn cứ yên tâm” để người ta biết là đã liên hệ đúng người rồi. Sau đó, tôi sẽ chia khoảng thời gian ra để hỗ trợ bệnh nhân.
Buổi sáng trên đường đi làm khoảng gần một tiếng, tôi ngồi trên ô tô cũng hỗ trợ trung bình được 20-25 người. Sau đấy, đến cơ quan làm việc, khi làm xong phần việc của mình, tôi sẽ dành khoảng một tiếng trước giờ nghỉ trưa để trả lời cho bệnh nhân.
Nghỉ trưa xong, buổi chiều có thời gian, tôi lại dành một tiếng. Khi đi làm về, ngồi trên xe ô tô, tôi tiếp tục tranh thủ khoảng thời gian đó để trả lời cho các bệnh nhân. Tóm lại, trung bình một ngày tôi có thể dành được ít nhất 4 tiếng, trả lời cho khoảng 100 bệnh nhân.
Ngoài ra, hôm nào nhiều quá, tôi cũng linh hoạt nới rộng khoảng thời gian để hỗ trợ cho các F0 tại nhà. Buổi tối cũng thế, trước khi đi ngủ, nếu có thể tôi vẫn dành một tiếng để hỗ trợ cho những người cần.
Tôi thường chủ động gọi điện lại chứ không để người ta gọi. Bởi thực tế, mình không biết lúc nào nhận cuộc gọi, nhất là đang lúc “nước sôi lửa bỏng”.
Độ khoảng 70% những cuộc gọi rất ngắn, khoảng 2-3 phút bởi mọi người lo lắng tâm lý là chính. Khoảng 20-30% cuộc gọi cần hỗ trợ nhiều hơn, khoảng 5 -7 phút. Có trường hợp với những ca bệnh nặng thì cuộc gọi có thể lên đến 10 phút. Sau khi gọi xong, tôi thường nhắn tin dặn dò bệnh nhân hoặc người nhà như nên đo SpO2 thường xuyên, nên xúc họng bằng betadine...
Như vậy, một phần người ta cũng yên tâm và cũng để mình đánh dấu là cuộc điện thoại này đã xử lý rồi.
Nói chung, cách quản lý cũng không quá phức tạp và thực tế tôi vẫn dành thời gian đi cà phê, thậm chí vẫn đi sang làng hoa đi xem và mua hoa. Đó không phải vấn đề gì lớn, quan trọng là phải làm sao để việc hỗ trợ ít ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của mình nhất.
Từ đó, mình mới có thể “chiến đấu” lâu dài, chứ không thể làm một cách quá sức xong được vài ngày mệt quá lại nghỉ thì khác nào “bỏ con giữa chợ” thì không ổn.
Hà Nội vẫn đang dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm trong ngày, do vậy số ca F0 tự cách ly điều trị tại nhà khá lớn. Khi các bệnh nhân gọi đến, vấn đề mà mọi người cần tư vấn nhiều nhất là gì? Và ông đã trấn an tâm lý thế nào?
Thực ra, mọi người chủ yếu cần hỗ trợ về tâm lý là chính. Nếu đã tiêm 2 mũi vaccine, không có bệnh nền thì người bị nhiễm bệnh cũng không cần hỗ trợ gì nhiều về mặt chuyên môn, về y tế mà chủ yếu là về tâm lý.
Tôi nhận thấy, đa phần người gọi đến thường lo lắng trong trường hợp cần, có vấn đề gì thì hỏi ai? Nếu kết nối được với một bác sĩ thì họ cũng yên tâm hơn. Do đó, theo tôi, trước mắt người bệnh, đặc biệt những người cách ly điều trị tại nhà rất cần hỗ trợ về mặt tâm lý để đỡ hoang mang.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, cần đối xử tốt hơn với nhân viên y tế. |
Theo ông, làm sao để bệnh nhân có thể yên tâm điều trị tại nhà, làm sao để đảm bảo việc các ca F0 không bị lúng túng, tiếp cận dễ dàng với y tế tại cơ sở cũng như không bị “đói thuốc” trị Covid-19?
Thứ nhất, vẫn là truyền thông. Theo tôi, cần truyền thông nhiều hơn nữa. Thực tế hiện nay vẫn có tỉ lệ khá lớn người dân không hiểu máy SpO2 là gì, vẫn hoang mang, lo lắng phải điều trị theo phác đồ nào, thuốc gì?
Từ thực trạng đó, cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các kênh để người ta hiểu, khi bị bệnh cũng không nên quá lo lắng, ở nhà cần trang bị những máy gì, thuốc gì. Trong đó, tôi nhấn mạnh là cần có máy đo SpO2.
Thứ hai, hiện nay người dân cũng không thiếu thuốc. Tuy nhiên, theo tôi, nên nhập thuốc kháng virus về và bán cho dân. Bởi, dù Bộ Y tế đã hướng dẫn nhưng thực tế nhiều người dân không biết mua thuốc ở đâu, dẫn đến tình trạng hoang mang, lúng túng.
Thứ ba, vấn đề oxy rất quan trọng, làm sao để khi trở nặng thì người ta có thể dễ dàng có bình oxy. Bây giờ có các chương trình “ATM oxy” nhưng cũng chưa nhiều người biết nên thực tế họ vẫn lo lắng. Đồng thời, lúc cấp bách, người ta cần có bình oxy ngay để hỗ trợ trong lúc chuyển viện thì tìm ở đâu.
Cùng với đó, các ca F0 điều trị tại nhà cần hỗ trợ về mặt chuyên môn. Tức là, người bị bệnh làm sao để gặp được những người có chuyên môn. Tránh tình trạng khi người ta gọi y tế xã, phường không được, gọi đường dây nóng cũng không được thì người ta chả biết trông cậy vào ai. Đôi khi, bệnh nặng xuất phát từ sự hoang mang, lo lắng hơn là bản thân do virus.
Một khâu nữa tôi nghĩ là cần đó là phát triển y tế cơ sở. Hà Nội là một điểm nóng cần quan tâm hơn nữa về vấn đề này. Chuyên môn không phải là vấn đề mà nằm ở chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế.
Tôi biết, nhân viên y tế, đặc biệt là y tế cơ sở rất vất vả, làm nhiều việc, việc gì cũng đến tay nhưng đãi ngộ thì quá eo hẹp. Nhiều đồng chí đi chống dịch từ hơn một năm trước mà tiền phụ cấp vẫn chưa về tài khoản. Trong khi đó, họ cũng phải lo về mặt kinh tế, vất vả, xa gia đình, phải nhờ người trông bố mẹ già, trông con trẻ để đi… chống dịch.
Nhưng sự hỗ trợ trở lại cho họ rất ít hoặc không có gì. Từ đó, động lực làm việc sẽ kém đi, hiệu quả y tế cơ sở sẽ rất “nhiễu”. Do vậy, cần đối xử tốt với nhân viên y tế hơn nữa.
Dưới góc độ một bác sĩ, theo ông phải làm gì để một năm mới tốt đẹp hơn trong thời kỳ thích ứng an toàn? Có phải, chỉ khi xem Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa, ta mới có thể yên tâm quay lại cuộc sống bình thường?
Theo tôi, các vụ đại dịch trên thế giới đến lúc nào đấy tự nhiên nó sẽ tự điều chỉnh, tự dưng hết, tự dưng mất. Sự tác động của con người chỉ ở góc độ chính sách, mang tính chất câu giờ để không quá tải hệ thông y tế.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận biết sự chuyển biến của dịch để có phương án phù hợp ứng phó phù hợp nhất. Cá nhân tôi cho rằng, con người khó mà có khả năng tạo ra những thay đổi lớn về diễn biến trong những vụ dịch quy mô toàn cầu như thế này.
Xin cảm ơn ông!
| ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần giữ bản sắc văn hóa để không trở thành 'bản sao mờ' của quốc gia khác Trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay, bất kỳ một dân tộc, quốc gia nào không gìn giữ được những ... |
| Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Nên có mã số duy nhất để quản lý F0 Chia sẻ với báo TG&VN, Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) nêu quan ... |