📞

Nghệ thuật đối ngoại của Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám

05:00 | 02/09/2016
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp xuất sắc lòng dũng cảm và ý chí sáng tạo của dân tộc Việt Nam với sự nhạy bén, ứng phó trong mọi tình huống cụ thể, phân hóa kẻ thù, vô hiệu hóa từng tên.   

20 giờ 20 phút ngày 9/3/1945, do tình thế khốn quẫn của quân đội Pháp ở Thái Bình Dương, đồng thời nhằm ngăn ngừa hậu họa khi quân đồng minh kéo vào, Nhật đã nổ súng đồng loạt, lật đổ chính quyền thực dân Pháp  ở Đông Dương. Quân Pháp chống cự yếu ớt một vài nơi, rồi bỏ chạy, hoặc đầu hàng.

Ngày 8/5/1945, phát xít Đức đầu hàng đồng minh vô điều kiện.

Tháng 7/1945, đồng minh Anh, Mỹ, Liên Xô họp hội nghị Potsdam để bàn việc chiếm đóng nước Đức sau chiến tranh. Hội nghị đã chấp thuận cho Tưởng Giới Thạch sẽ đem quân vào miền Bắc Việt Nam đóng quân tới vĩ tuyến 16, với danh nghĩa đồng minh chống phát xít để tước vũ khí quân đội Nhật. Ở phía Nam vĩ tuyến 16, quân đội Anh sẽ chiếm đóng  và tước vũ khí quân Nhật.

Trước tình hình này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhận định: vì lợi ích chiến lược của bọn thực dân ở khu vực Đông Dương, chắc chắn đế quốc Anh sẽ giúp Pháp chiếm lại nước ta ngay khi có điều kiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và thư ký Đỗ Đình Thiện trong buổi tiếp các đại biểu phong trào yêu nước châu Phi tại Pháp, tại nhà ông bà R. Aubrac ở Montmorency, tháng 8/1946. (Nguồn: PLO)

Ngày 14/8/1945, quân phiệt Nhật đầu hàng đồng minh. Có thể nói, lúc bấy giờ hai kẻ thù Pháp và Nhật vừa đổ xuống thì Việt Nam mặc nhiên đứng trước nguy cơ bị kẹp giữa hai gọng kìm của đế quốc Anh ở miền Nam và Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc; chúng ta phải tự cứu lấy mình trước khi hai gọng kìm kia khép lại.

Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta... chúng ta không thể chậm trễ... Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!” (1)

Thật vậy, một cuộc chay đua “không thể chậm trễ” đã diễn ra giữa đế quốc Anh, quân Tưởng và ta. Thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến với chúng ta trong một thời gian thuận lợi rất hạn hẹp. Nhưng, ta đã giành thắng lợi trước cả hai đối thủ. Ngày 19/8/1945 lịch sử, thủ đô Hà Nội vùng lên khởi nghĩa thành công.

Ngày 23/8/1945 nhân dân Huế tuần hành chiếm công sở. Vua Bảo Đại thoái vị.

Đêm ngày 24/8/1945, Sài Gòn – Chợ Lớn khởi nghĩa và sáng ngày 25/8, hàng triệu quần chúng nội ngoại thành tuần hành vũ trang thị uy. Toàn bộ chính quyền Sài Gòn -  Gia Định thuộc về nhân dân.

Như một chiến dịch thần tốc, Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thành công trên cả nước Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhân dân Việt Nam đã nổi dậy giành được chính quyền trước khi quân đội Anh và quân đội Tưởng vào nước ta. Và, tất nhiên cũng trước khi thực dân Pháp đưa đạo quân viễn chính trở lại cướp nước ta lần nữa.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Hồ Chủ tịch tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tehran (2) và Cựu Kim Sơn (3) quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam..”. Và, từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, “Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập...” (4)

Trong tình hình đó, ở miền Nam nước ta, được quân Anh giúp đỡ Pháp ráo riết chuẩn bị cuộc trở lại Đông Dương.

Từ ngày 15/8/1945, De Gaulle đã bổ nhiệm D Argenlieu vào chức vụ Cao ủy Đông Dương với chỉ thị: “Cao ủy Pháp ở Đông Dương có tất cả quyền hành của toàn quyền Đông Dương và của Tổng tư lệnh lực lượng lục quân, hải quân, không quân đóng ở Đông Dương hoặc sẽ được phái đến đó... Sứ mạng  trước tiên của ông là lập lại chủ quyền của nước Pháp tại các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương... Tướng Leclerc là Tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, có nhiệm vụ, dưới quyền lực của Cao ủy, áp dụng tất cả những biện pháp quân sự nhằm lập lại chủ quyền đó”. Qua sự bổ nhiệm tướng lĩnh của De Gaulle, chúng ta thấy mục đích trở lại Đông Dương để thống trị của thực dân Pháp vô cùng rõ ràng, không hề được giấu giếm.

Tại Sài Gòn, sau ngày 23/9/1945, đại diện chính phủ Pháp do Cédile dẫn đầu đã có mấy cuộc tiếp xúc với Ủy ban hành chánh Nam bộ của ta. Trong các cuộc tiếp xúc, tuyên bố về liên bang  Đông Dương và Liên hiệp Pháp... ngày 24/3/1945 của Pháp đã bị ta bác bỏ.

Ngày 23/10/1945, những đơn vị đầu tiên của Sư đoàn thiết giáp thứ hai của đạo quân viễn chinh Pháp đến Sài Gòn. Leclerc bắt đầu theo đuổi ước mơ “chinh phục lại Đông Dương” với lời thúc giục của De Gaulle: “Chúng ta trở lại Đông Dương vì chúng ta mạnh hơn tất cả”.

Trong khi tình hình ở miền Nam như vậy thì ở miền Bắc nước ta, ngày 10/9/1945 quân đoàn số 1 của Tưởng Giới Thạch, dưới sự chỉ huy của Tổng Tư lệnh Lư Hán -  một tên quân phiệt khét tiếng chống cộng của Quốc dân Đảng Trung Quốc -  bắt đầu vượt biên giới vào Hà Nội. Hai chục vạn quân đội Tưởng lần lượt chiếm đóng nước ta tới vĩ tuyến 16. Chúng vào với hai mục đích tước khí giới quân đội Nhật và lật đổ chính phủ ta, đưa Nguyễn Hải Thần lên thay thế.

Hoàn cảnh của chúng ta lúc đó hết sức ngặt nghèo: hai triệu đồng bào vừa bị chết đói, chính quyền còn trứng nước, lực lượng vũ trang nhỏ bé... Vận mạng nước ta lúc đó như “ngàn cân treo sợi tóc” ... “Nếu lúc bấy giờ không có Hồ Chí Minh thì khó lường hết cái gì cũng có thể xảy ra” (Phạm Văn Đồng).

Đúng vậy, với nghệ thuật đối ngoại tuyệt vời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã linh hoạt vận dụng sáng tạo “sách lược cụ thể” của dân tộc. Người đã lãnh đạo dân tộc ta ứng phó kịp thời trong mọi tình huống nguy nan và đưa đất nước ta đạt được những thắng lợi ngoài mọi dự đoán.

Chủ tịch Hồ Chí Minh biết Lư Hán bị điều động sang Việt Nam là “kế điệu hổ ly sơn của Tưởng”. Tưởng Giới Thạch muốn nhân cơ hội này để thanh toán một số tên quân phiệt cứng đầu ở Tây Nam và Hoa Nam. Hồ Chí Minh đã nhận định: “Nội bộ chúng không ổn định là điều ta có thể lợi dụng”.

Buổi đầu Lư Hán tỏ ra hung hãn. Nhưng, sau một số lần tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lư Hán không gọi “Hồ Tiên sinh” nữa mà gọi “Hồ Chủ tịch" và tỏ ra khâm phục Người, chịu nghe Người nói về tình hình Trung Quốc và phân tích những vấn đề liên quan tới bản thân ông ta. Ông ta hiểu rõ ý đồ của Tưởng Giới Thạch, cảm thấy số phận bấp bênh của mình và tỏ ra rất kính nể Hồ Chủ tịch.

Ngoài Lư Hán ra, chúng ta còn phải đối phó với một đối thủ nguy hiểm hơn nữa của quân Tưởng là Tiêu Văn – Chủ nhiệm Chính trị Chiến khu Tư, là kẻ có vai trò chủ chốt trong cái gọi là “Phòng chỉ đạo cách mạng Việt Nam” của Quốc dân Đảng Trung Quốc...

Tiêu Văn là kẻ rất ngoan cố, hắn rất căm tức Hồ Chủ tịch từ hồi Người bị Quốc dân Đảng Trung Quốc bắt năm 1944. Hắn tìm mọi cách để “triệt Hồ Chí Minh” và, kể ra “Hồ Chí Minh thập đại tội”... Nhưng Hồ Chủ tịch đã vận dụng sách lược đối ngoại rất cụ thể, Người nói: “Tuy tất cả bọn Tưởng đều là những tên phản động, nhưng với từng đối tượng... ta cần có cách đối xử cụ thể”. Do đó, Hồ Chủ tịch nhận định: “Tiêu Văn rất căm tức ta nhưng, ta nắm được nhược điểm của hắn là ham tiền”. Vì vậy chúng ta đã tạo ra mọi điều kiện cho Tiêu Văn thu về được nhiều tiền. Về sau Tiêu Văn đã bỏ Nguyễn Hải Thần và chúng ta đã “mua” được hắn.

Tóm lại, trong giai đoạn lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sau ngày 2/9/1945, với nghệ thuật đối ngoại tuyệt vời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp xuất sắc lòng dũng cảm và ý chí sáng tạo của dân tộc Việt Nam với sự nhạy bén của Người, ứng phó trong mọi tình huống cụ thể, phân hóa kẻ thù, vô hiệu hóa từng tên. Kết quả cuối cùng là đạt được sự hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, giúp ta tập trung đối phó với quân Pháp ở miền Nam, giữ vững được chính quyền, chuẩn bị cho một thời kỳ mới sau này là xoay ngược thế cờ, tạm hòa với Pháp để đẩy nhanh quân Tưởng về nước, quét sạch bọn tay sai của chúng ra khỏi Tổ quốc.

Nhận định về ý nghĩa dân tộc và quốc tế của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công; đã nắm chính quyền toàn quốc"./.(5)

-------------

(1) Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Nguyễn Ái Quốc – Tháng 8 – 1945. Văn kiện Đảng – NXB Sự thật – HN – 1963. Tr 532 – 533;

(2) Teheran: Thủ đô của Iran;

(3) Cựu Kim Sơn (San Francisco) ở Mỹ;

(4 ) Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chủ tịch đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình – Hồ Chí Minh tuyển tập – Tập I – NXB Sự Thật – HN – 1980 – TR351-354;

(5 ) Hồ Chí Minh toàn tập, T6.1950-1952 ( Xuất bản lần thứ nhất). NXB Chính trị Quốc gia – HN – 1995 TR.159.           

(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)