Ngay từ đầu, Hollywood đã thể hiện tính quốc tế hóa rất cao và thu hút nhiều tài năng điện ảnh nước ngoài. |
Những nét chung về nghệ thuật Mỹ
Khái niệm “nghệ thuật Mỹ”, đặc biệt là trong con mắt các nhà học giả châu Âu, chỉ toàn bộ nghệ thuật tại Mỹ từ các nền văn hoá bản địa tồn tại trước khi thực dân châu Âu đổ bộ cho tới sau Thế chiến II, khi xu hướng toàn cầu hoá trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Người da trắng di cư sang Mỹ đã hủy diệt những nền nghệ thuật huy hoàng của thổ dân da đỏ. Khi họ đưa hàng triệu dân da đen sang làm nô lệ thì trong mấy trăm năm, nền nghệ thuật da đen bị khinh rẻ và bóp nghẹt, tồn tại lén lút trong bóng tối hoặc bị coi là trò mua vui cho các vị chủ. Nhưng bản năng sinh tồn của nhạc da đen mãnh liệt đến nỗi nhạc da đen đã trở thành một thành tố độc đáo của nhạc Mỹ.
Mỹ khởi đầu là những người di cư thuộc nhiều dân tộc mang sang những phong tục và truyền thống thuộc nhiều địa phương. Tuy vậy, từ khi độc lập, vào cuối thế kỷ XVIII, qua biến diễn lịch sử, đã phát triển dần một nền nghệ thuật độc lập chung ngoài những khuynh hướng thuộc từng cộng đồng dân tộc riêng, phù hợp với ước vọng của những chính khách thành lập nên nước Mỹ vì nó chứng tỏ là quốc gia trưởng thành về mặt tinh thần. Nét độc đáo của nền nghệ thuật Mỹ chính là tuy mang nét của nhiều dân tộc mà vẫn giữ đặc trưng.
Sáng tác nghệ thuật ở Mỹ luôn luôn trải qua sự xung đột giữa hai nguồn cảm hứng đối lập: nguồn sáng tác nội tại, xuất phát từ môi trường địa lý - lịch sử bên trong, nhiều khi hoang sơ và hồn nhiên, nguồn sáng tác từ châu Âu tới, thường mang tính chất tinh tế của nền nghệ thuật đã có truyền thống rất lâu đời.
Một đặc điểm của nghệ thuật Mỹ là tính tự nhiên rất đậm. Mặc dù có sự trợ cấp của chính phủ, người ta thấy những viện bảo tàng, ban nhạc giao hưởng, những rạp hát chỉ tồn tại được nhờ sự đóng góp của những nhà hảo tâm, những trường đại học, nhất là nhờ bán vé biểu diễn. Nghệ thuật ở các nước khác dựa vào trợ cấp chính phủ, ở Mỹ phải gắn liền với thương mại (bán vé).
Cũng do vậy mà nghệ thuật luôn luôn thể nghiệm và sáng tạo. Điều này thể hiện rất rõ trong điện ảnh, âm nhạc dân gian, sự phát triển ở các địa phương của các đoàn sân khấu, ba lê, nhạc giao hưởng, triển lãm… Chính phủ tăng trợ cấp cho nghệ thuật tuy vẫn bảo tồn tính chất độc lập của nó. Chính phủ luôn luôn nhắc là không có ý đồ chỉ huy nghệ thuật. Khi Quỹ quốc gia cho nghệ thuật (National Endowment for the Art) được thành lập (1965); vẫn có một ủy ban chuyên viên độc lập, có nhiệm vụ phát hiện, khuyến khích tài năng đồng thời phổ biến tác phẩm.
Nhờ tiến bộ kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật ở Mỹ được phổ biến rộng rãi trong đại chúng: Vô tuyến, sách vở, các tạp chí, bảo tàng, đều phát triển ồ ạt, đề cập mọi lĩnh vực của cuộc sống như: âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, thể thao, du lịch, ăn uống, y tế, giáo dục… thậm chí cả các mẫu hàng.
Nhiều người bạn châu Âu của tôi cho là trong nền văn hóa Mỹ, chỉ có ba lĩnh vực độc đáo, mang tính chất Mỹ rõ rệt và do đó có đóng góp thực sự vào nền văn hóa thế giới. Đó là văn học, điện ảnh và âm nhạc. Tôi cho là còn cả kiến trúc Mỹ nữa.
Điện ảnh Mỹ ra đời ngay từ cuối thế kỷ XIX và từ đó nhanh chóng trở thành một trong những nền điện ảnh hàng đầu thế giới cả về số lượng phim và chất lượng nghệ thuật. Đôi khi người ta còn gọi điện ảnh Mỹ là Hollywood (gọi theo địa danh Hollywood, nơi tập trung các hãng phim và trường quay lớn nhất của Mỹ). Sự hình thành và phát triển của Hollywood gắn liền với những nhà kinh doanh và điện ảnh gốc Do Thái.
Chính họ là những người nhận ra mối lợi to lớn từ điện ảnh và đi tiên phong trong việc thành lập các hãng phim lớn đầu tiên của Hollywood và xây dựng các rạp chuyên dụng để chiếu phim. Ngay từ đầu, Hollywood đã thể hiện tính quốc tế hóa rất cao và thu hút nhiều tài năng điện ảnh nước ngoài. Đây chính là một trong các điểm mạnh nhất của Hollywood khi tính quốc tế cao đã tạo cho các bộ phim nhiều phong cách nghệ thuật và diễn xuất đa dạng cũng như dễ dàng thu hút được khán giả ở nhiều khu vực trên thế giới.
Âm nhạc Mỹ: Mỹ là nơi hun đúc những nền âm nhạc lai giống do sự gặp gỡ của những nền âm nhạc các dân tộc châu Âu nhập cư mang nặng màu sắc tôn giáo (Thanh giáo), ca múa dân gian và nhạc cổ điển và những truyền thống âm nhạc da đen (thêm một ít vốn liếng âm nhạc da đỏ đã dần bị mai một); ngay cả các trào lưu bác học từ châu Âu sang cũng thường bị tác động lớn của các hình thức nhạc dân gian da đen và Âu trên đất Mỹ.
Những yếu tố trên tạo nên tính cách độc lập của nhạc Mỹ với hai khuynh hướng đối lập: Trà trộn các nền âm nhạc của các dân tộc và chủng tộc khác nhau, đồng thời khẳng định bản sắc Mỹ; cố bắt rễ sâu vào truyền thống nhưng đồng thời lại tìm ra cái mới thoát ly truyền thống. Những truyền thống cổ điển châu Âu luôn luôn mâu thuẫn với sức sống mãnh liệt của các phong tục và ngôn ngữ địa phương trên đất Mỹ; do đó nhiều nhà âm nhạc Mỹ có tài, có học vẫn cứ bám lấy truyền thống địa phương.
Kiến trúc Mỹ: Nói đến kiến trúc Mỹ, nhiều người chỉ nghĩ đến cao ốc, “nhà chọc trời”. Thực ra, kiến trúc Mỹ cũng có một lịch sử 400 năm, khá độc đáo và được đặc trưng bởi ba yếu tố: Tính đa dân tộc và đa địa phương; đầu óc thực tiễn và đầy sáng kiến của các kiến trúc sư; và vẫn có phần hâm mộ những phong cách lịch sử và nhất là chủ nghĩa cổ điển châu Âu (đi qua các địa phương vẫn thấy dấu vết các nền kiến trúc dân tộc giữ nguyên gốc hay thay đổi theo môi trường Mỹ: Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Bắc Âu, Pháp, Nhật Bản...)