📞

Nghiêm túc và trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người

TS. Nguyễn Khánh Toàn 15:56 | 15/12/2022
Việc tham gia có trách nhiệm và triển khai tích cực, đồng bộ tiến trình Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) góp phần thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.
Lễ kỷ niệm ngày Nhân quyền quốc tế và khởi động tiến trình Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV tại Hà Nội, ngày 12/12. (Ảnh: Anh Sơn)

Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, pháp luật, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và có trách nhiệm các cam kết, nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, trong đó có cơ chế UPR của HĐNQ LHQ.

UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của HĐNQ, được thành lập trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, không phân biệt, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết quốc tế về quyền con người.

Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm vào cả ba chu kỳ UPR, chấp thuận và triển khai 96/123 khuyến nghị tại chu kỳ I (2009), 182/227 khuyến nghị tại chu kỳ II (2014) và 241/291 khuyến nghị tại chu kỳ III (2019).

Triển khai đầy đủ, đồng bộ thông qua Kế hoạch tổng thể

Việc triển khai các khuyến nghị UPR tại Việt Nam được thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, từ trung ương đến địa phương, cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nhân dân, đoàn thể, các học giả.

Từ UPR chu kỳ II, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị được chấp thuận (Kế hoạch) do Thủ tướng Chính phủ ban hành, góp phần quan trọng trong thúc đẩy, theo dõi, tổng kết việc thực hiện hiệu quả các khuyến nghị.

Phát huy kinh nghiệm đó, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành và tổ chức liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 thông qua Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận tại UPR chu kỳ III.

Kế hoạch đặt ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: hoàn thiện pháp luật, thể chế về quyền con người; chính sách về bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; chính sách bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người; thực hiện các cam kết quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người; đồng thời, phân công cho 18 bộ, ban, ngành làm đầu mối triển khai thực hiện các khuyến nghị.

Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch nêu trên tiếp tục thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người. Kế hoạch tổng thể bảo đảm phân công trách nhiệm và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan; hỗ trợ quá trình điều phối, theo dõi, báo cáo thực hiện các khuyến nghị UPR nhằm đạt kết quả tốt và đúng tiến độ; thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế về quyền con người, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong tiến trình thực hiện các khuyến nghị UPR. Quá trình triển khai Kế hoạch này thời gian qua góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của thúc đẩy, bảo đảm quyền con người.

Triển khai Kế hoạch, nhiều Bộ, ban, ngành đã xây dựng các kế hoạch cụ thể của bộ, ngành mình; hoặc tích hợp vào các kế hoạch, chương trình công tác hiện có, như các kế hoạch, chương trình hành động triển khai khuyến nghị của các cơ quan công ước quốc tế về quyền con người như ICCPR, CEDAW, CRC… Điều này thể hiện cách tiếp cận tổng thể, nghiêm túc và sự vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong triển khai các khuyến nghị UPR, là cơ sở để phục vụ tổng kết thực hiện UPR chu kỳ III, xây dựng Báo cáo UPR chu kỳ IV và là kinh nghiệm tốt cho việc triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ IV sau này.

Một trong những điểm mới nổi bật Kế hoạch tổng thể là việc Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành tiến hành sơ kết, xây dựng báo cáo giữa kỳ sau hai năm thực hiện. Đây là một nhiệm vụ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và tác động đến mọi mặt hoạt động của đất nước trong hai năm đầu triển khai Kế hoạch.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, các bộ, ban, ngành của Việt Nam đã hoàn thành việc sơ kết, xây dựng và công bố báo cáo giữa kỳ thực hiện UPR chu kỳ III vào tháng 3/2022, nằm trong số ít những nước xây dựng và công bố Báo cáo giữa kỳ này.

Một tiến trình sống động, liên tục

Như vậy, từ năm 2019 đến nay, năm nào Việt Nam cũng có hoạt động về UPR, theo đó, xây dựng Kế hoạch tổng thể thực hiện trong năm đầu tiên; rà soát, cập nhật sơ bộ trong năm thứ hai để xây dựng báo cáo giữa kỳ; xây dựng, công bố báo cáo giữa kỳ trong năm thứ ba.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật việc triển khai các khuyến nghị, xây dựng dự thảo Báo cáo UPR chu kỳ tiếp theo trong năm 2023 và tiến hành phiên đối thoại về báo cáo UPR chu kỳ IV trong nửa đầu năm 2024. Điều này cho thấy sự nghiêm túc của Việt Nam đối với tiến trình UPR, coi đây là một tiến trình sống động, liên tục, triển khai thực chất, hiệu quả và có sự rà soát kỹ lưỡng trước khi tiến hành xây dựng báo cáo.

Tính tới tháng 3/2022, Việt Nam đã thực hiện được gần 83% các khuyến nghị chấp thuận tại chu kỳ III, trên cả sáu nhóm lĩnh vực nêu trên và đang tiếp tục triển khai các khuyến nghị còn lại. Trong đó, nổi bật là công tác hoàn thiện pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh, với việc thông qua hơn 40 luật sửa đổi từ năm 2019 đến nay, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Đề án về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nhiều nội dung quan trọng về thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Quá trình triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đến nay Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức. Có thể kể đến các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt đến sự phát triển ổn định, bền vững của Việt Nam. Nhiều chính sách được thực hiện thông qua các đề án, dự án còn thiếu nguồn kinh phí triển khai.

Bên cạnh đó cũng có một số khó khăn, thách thức kỹ thuật như một số khuyến nghị UPR mang tính chất vĩ mô, liên ngành nên dẫn tới phân định trách nhiệm có phần còn bất cập; tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ có lúc, có nơi chưa bảo đảm yêu cầu trong tình hình mới; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người chưa thực sự bảo đảm kịp thời, chặt chẽ. Nhận thức rõ các thách thức, khó khăn trên, các bộ, ban, ngành sẽ tiếp tục nỗ lực chủ trì triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đã chấp thuận theo tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nhân dân, đoàn thể, các học giả của Việt Nam cũng đã tham gia tích cực và ngày càng sâu rộng hơn trong quá trình triển khai thực hiện các khuyến nghị, xây dựng, hoàn thiện các dự thảo báo cáo thực hiện UPR; thể hiện rõ sự minh bạch của tiến trình UPR tại Việt Nam. Nếu tại UPR chu kỳ I mới có khoảng 10 tổ chức phi chính phủ tham gia đóng góp xây dựng Báo cáo thì đến chu kỳ III vừa qua, con số này lên đến hơn 40 tổ chức, thể hiện sự quan tâm ngày càng cao đối với tiến trình này. Hy vọng rằng các chủ thể trên, cũng như các địa phương, các doanh nghiệp, là những bên liên quan trực tiếp, sẽ tiếp tục tăng cường tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa trong các kỳ UPR tiếp theo.

Về định hướng sắp tới, trong năm 2023, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành tổng kết việc thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III, xây dựng dự thảo Báo cáo UPR chu kỳ IV, với kỳ vọng hoàn thiện Báo cáo quốc gia vào tháng 12/2023, nộp Báo cáo và chuẩn bị cho phiên đối thoại về Báo cáo UPR chu kỳ IV vào tháng 4-5/2024. Trong quá trình đó, xuyên suốt trong năm 2023, dự kiến sẽ tổ chức các Hội nghị tham vấn, lấy ý kiến của các chủ thể liên quan để hoàn thiện dự thảo Báo cáo.

Thời gian tới cũng trùng khớp với giai đoạn Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực, trách nhiệm vào tiến trình UPR của HĐNQ LHQ, đồng thời sẽ tiếp tục tích cực cùng các nước đóng góp vào công việc chung của Hội đồng theo hướng nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng, trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.