📞

'Ngoại giao bóng rổ' Mỹ-Iran tại Olympic Tokyo 2020

Kim Huyền 09:23 | 03/08/2021
Tại Olympic Tokyo 2020, “ngoại giao bóng rổ” đã trở thành sợi dây kết nối người Mỹ và người Iran, bất chấp quan hệ chính trị giữa hai nước đang căng thẳng.
Các vận động viên của đội bóng rổ Mỹ trong trận đấu với Iran tại Olympic Tokyo 2020. (Nguồn: AP)

Niềm hân hoan quanh trái bóng cam

Từ lâu, ngoại giao thể thao đóng một vai trò không nhỏ trong việc “chữa lành vết thương” trong các mối quan hệ quốc tế. Ngay các giải đấu thể thao nhỏ cũng có thể mang lại những đột phá lớn, giúp giải quyết các nút thắt căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa các nước.

Câu chuyện “ngoại giao bóng bàn” giữa các vận động viên Mỹ và Trung Quốc vào những năm đầu thập niên 1970 là một minh chứng. Những trận giao hữu bóng bàn đã làm ấm quan hệ Mỹ-Trung thời điểm đó và góp phần tạo nên những bước ngoặt trong chính sách của cả hai phía.

Tại Olympic Tokyo 2020, “ngoại giao bóng rổ” đã trở thành sợi dây kết nối người Mỹ và người Iran.

Sau khi Iran chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ ở Tehran vào ngày 4/11/1979, hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao. Sự kiện này cũng đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày sau đó.

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã áp dụng những biện pháp trừng phạt gây tê liệt kinh tế Iran, đồng thời, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Hai nước liên tiếp có những động thái cứng rắn với đối phương.

Cờ Mỹ thường bị đốt trong các cuộc mít tinh và biểu tình trên đường phố Tehran, và ngược lại, Mỹ cũng cáo buộc Iran trong những tuần gần đây đã trì hoãn đề xuất trao đổi tù nhân nhằm nối lại nhanh chóng các cuộc đàm phán hạt nhân.

Trong buổi họp báo thường kỳ vào tháng trước, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi vẫn luôn tin và chưa bao giờ ngừng lưu ý rằng Iran là một nhân tố tiêu cực trong khu vực. Theo quan điểm của chúng tôi, họ đã góp phần tham gia và hỗ trợ cho những hành vi có vấn đề”.

Mặc cho những căng thẳng bao trùm lên quan hệ Mỹ-Iran, 2 tiếng trên sân bóng tại Tokyo, người Mỹ và người Iran đã coi nhau là “bằng hữu”.

Theo thời gian, tỷ số 120-66 nghiêng về đội bóng rổ của Mỹ, có thể sớm rơi vào quên lãng. Nhưng những khoảnh khắc “đắt giá” trong trận đấu sẽ mãi được lưu lại.

Đó là những cái vỗ tay theo nhịp điệu khi quốc ca Mỹ hay Iran vang lên, những cái bắt tay giữa vận động viên hai đội và cả những lời khen ngợi mà họ dành cho nhau.

Huấn luyện viên đội bóng rổ của Mỹ Gregg Popovich đã bắt tay với huấn luyện viên Iran Mehran Shahintab và các thành viên đội bóng trước và sau trận đấu. Ông đã hết lời khen ngợi những cầu thủ Iran cũng như cách bố trí đội hình của đội bạn trong trận đấu.

Ông Popovich chia sẻ: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi các huấn luyện viên thích gặp nhau, nói chuyện với nhau và các vận động viên thể hiện tinh thần thể thao của mình. Chúng tôi chỉ ước điều đó cũng xảy ra trong cuộc sống đời thường".

Huấn luyện viên Shahintab cũng đáp lại tình cảm của huấn luyện viên đội bóng rổ Mỹ: “Popovich là một trong những huấn luyện viên tuyệt vời. Ông ấy khen ngợi các cầu thủ của tôi và tôi đánh giá cao điều đó. Ông ấy là một huấn luyện viên đáng kính và chúng tôi đã có những khoảnh khắc thoát ra khỏi những rào cản chính trị”.

Sức mạnh gắn kết

Với tinh thần Olympic, Thế vận hội Tokyo 2020 cũng đã tạo ra những khoảnh khắc có thể sẽ khó xảy ra trong quan hệ chính trị quốc tế hiện nay.

Vào đầu tuần trước, huấn luyện viên đội bóng rổ Iran Shahintab cũng đã bắt tay huấn luyện viên của đội bóng Czech Ronen Ginzburg sau trận đấu. Ông Ronen là người Israel, quốc gia mà Iran không công nhận.

Nếu các nhà lãnh đạo Iran và Israel bắt tay nhau, tin tức đó sẽ ngay lập tức lên trang nhất của các tờ báo lớn. Còn tại Thế vận hội, cái bắt tay giữa hai con người thuộc hai đất nước đối đầu lại diễn ra hết sức tự nhiên và không chút phô trương.

Trở lại lịch sử, vào năm 1998, các đô vật từ Mỹ đã đến Iran để tham dự giải Takhti Cup. Khi đó, đấu vật cực kỳ phổ biến tại quốc gia Trung Đông. Các đô vật từ Mỹ đi mua sắm tại Iran và họ đã nhận được những cái bắt tay cùng các cử chỉ vô cùng nồng ấm từ người dân nơi đây.

Sự kiện này đã mở ra hàng loạt giải đấu vật khác được tổ chức dưới sự đón nhận nồng nhiệt của cả hai quốc gia. Ngoại giao thể thao đã làm dịu quan hệ giữa hai nước, mặc dù mới chỉ ở mức độ xã hội thay vì chính trị.

Trong trận bóng rổ giữa Mỹ và Iran tại Oylympic năm nay, các vận động viên đã khẳng định rằng, giữa hai quốc gia có thể có tiếng nói chung và tình cảm thân thiện với nhau, bất chấp những căng thẳng chính trị.

Nói về ý nghĩa của trấn đấu bóng rổ giữa Mỹ và Iran, huấn luyện viên đội bóng Mỹ Gregg Popovich tin tưởng rằng, người dân, dù là ở quốc gia nào, khi giao hữu thể thao với nhau thì sẽ đều thân thiện và hợp tác. Thế vận hội cũng chính là cơ hội để ngoại giao thể thao phát huy tác dụng gắn kết con người từ các quốc gia khác nhau, dù là đối tác hay đối đầu.

Hai tiếng chơi bóng tại nhà thi đấu Saitama Super Arena có thể chưa ngay lập tức tạo ra “phép màu” cải thiện quan hệ Washington-Tehran. Nhưng ít nhất, đội bóng rổ của hai nước đã mang đến cho lãnh đạo của họ những suy ngẫm để có thể nhìn thấy một tiếng nói chung vẫn luôn tồn tại trong quan hệ song phương.

(tổng hợp)