Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Phạm Quang Vinh đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại giao 30. Nhân dịp này, Đại sứ cũng chia sẻ đôi nét về hợp tác kinh tế Mỹ - Việt.
Đại sứ Phạm Quang Vinh (phải) trao đổi bên lề Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đại sứ nhận định thế nào về vai trò của ngoại giao chính trị?
Về bối cảnh, chúng ta thấy có một số điểm quan trọng. Thứ nhất, đây là thời điểm mà sự thay đổi chiến lược, điều chỉnh chính sách đối ngoại nước lớn diễn ra nhanh chóng, khó lường, đòi hỏi các nước phải đánh giá rất đúng và có những chính sách phù hợp.
Thứ hai, vị thế của nước ta sau 30 năm đổi mới đã tăng lên với những chủ trương đúng đắn về đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam đã phát huy được mặt tích cực trong quan hệ đối ngoại, quan hệ với nhiều nước trên thế giới, chủ động hội nhập cả về chính trị, kinh tế.
Thứ ba, luật chơi của quan hệ quốc tế đòi hỏi các cán bộ đối ngoại phải triển khai đường lối đổi mới của Đại hội XII, cũng như chủ trương đối ngoại của Đảng và Chính phủ một cách vừa sáng tạo, hiệu quả, chủ động nhưng phải có bản lĩnh, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cuối cùng là, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ngày càng phát triển, đặt ra thời cơ, song cũng cả những thách thức mới nếu chúng ta không nắm bắt kịp.
Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng, ngoại giao chính trị là mẫu số bao trùm của những kênh ngoại giao khác, để tạo ra những định hướng đối ngoại lớn, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước vào chiều sâu và mở rộng, đặc biệt là các nước lớn và các nước láng giềng, khu vực. Song song với đó, chúng ta có thể khai thác được thời cơ, nắm bắt được cơ hội, phán đoán được đúng tình hình và ứng xử cho tốt những thách thức đặt ra.
Ngành Ngoại giao đang đặt trọng tâm vào ngoại giao đa phương, làm thế nào để nâng cao hiệu quả ngoại giao đa phương, thưa Đại sứ?
Chúng ta có bề dày tham gia ngoại giao đa phương và đã từng bước tham gia không chỉ tích cực và chủ động hơn trong các hoạt động, mà còn tham gia vào định hình và xây dựng những luật lệ, quy tắc ứng xử trên thế giới và ở khu vực. Đây là thuận lợi rất cơ bản của chúng ta.
Nhưng chúng ta cũng thấy rằng, điều chỉnh chính sách của các nước lớn, trong đó xuất hiện một số xu hướng như coi trọng hướng nội, bảo hộ, đang tác động không nhỏ tới điều chỉnh luật chơi và phương thức hoạt động của các tổ chức quốc tế, đa phương. Trong tình hình đó, chúng ta cần chủ động, tích cực hội nhập trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, trong ngoại giao đa phương, Việt Nam không chỉ tích cực tham gia mà còn phải chủ động tham gia vào kiến tạo những quy tắc, luật lệ, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như lợi ích quốc gia, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế. Tham gia các diễn đàn đa phương góp phần nâng cao vị thế, tạo động lực làm sâu sắc hơn quan hệ của chúng ta với các nước khác, tranh thủ được nguồn lực quốc tế và đào tạo cán bộ.
Tới đây, chúng ta có một loạt nhiệm vụ mới, trong đó có vị trí Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta cũng đang vận động để ứng cử vào HĐBA LHQ năm 2020 - 2021. Với thành tích được các nước nhìn nhận và đánh giá – Năm APEC 2017, chúng ta vẫn cần phải chủ động và tích cực nhiều hơn nữa.
Là người am hiểu về quan hệ nhiều mặt Mỹ - Việt trong thời gian qua, Đại sứ đánh giá như thế nào về dòng đầu tư Mỹ vào Việt Nam?
Mỹ là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của khu vực và Việt Nam. Hiện nay Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam. Nhưng đặc điểm đầu tư của Mỹ có điểm khác biệt, Mỹ đầu tư là tạo sự kích thích mới cho quan hệ trên tất cả các lĩnh vực giữa hai nước nói chung và tạo động lực cho các công ty xuyên quốc gia, khu vực tư nhân của Mỹ, cũng như các nước khác đầu tư vào Việt Nam nói riêng. Khi họ đầu tư thì niềm tin vào thị trường Việt Nam sẽ ngày càng cao hơn.
Để duy trì được kênh hợp tác qua trọng này đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt được đặc thù đầu tư của đối tác, phổ biến môi trường chính sách, luật pháp về đầu tư và môi trường kinh tế của Việt Nam để đối tác thấy rằng Việt Nam có sự hấp dẫn, có sự tương đồng với luật lệ và quy định của quốc tế, trong đó có WTO.
Ngoài ra, việc Việt Nam mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương, khu vực và đa phương đã tạo ra môi trường để chúng ta phát triển. Tôi có nhiều dịp trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, công ty lớn của Mỹ, họ tiếp tục quan tâm, có hưng phấn trong việc đầu tư tại Việt Nam, coi Việt Nam là môi trường đầu tư hấp dẫn, ổn định, có chiều hướng ngày càng tăng.
Hiện nay, những lĩnh vực nào đang được doanh nghiệp Mỹ quan tâm nhiều nhất? Đại sứ nghĩ thế nào về một FTA song phương Việt - Mỹ?
Nhìn lại 20 năm qua, giữa những năm 1990, Mỹ đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam cùng với việc bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ chính thức. Qua thời gian, chúng ta có tương tác ngày càng nhiều hơn với đối tác, không chỉ giới hạn ở các công ty, cơ quan chính phủ mà cả các địa phương của Việt Nam.
Chúng ta tranh thủ được các nguồn lực phía bạn về khoa học công nghệ, quản lý thành phố, xây dựng ngành nông nghiệp thông minh và chế tạo để tăng hàm lượng chất xám trong những sản phẩm của chúng ta, tạo cho chúng ta đà mới trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của thế giới.
Về vấn đề FTA, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta có khuôn khổ và môi trường đầu tư, tương tác phù hợp với lợi ích của cả hai bên, để hai bên tranh thủ được lợi thế của nhau.
Chúng ta hiện tại cũng đang có khuôn khổ trao đổi là Hiệp định khung về đầu tư và thương mại cần được phát huy. Khuôn khổ này vừa khai thác điểm đồng, nhưng khi có vấn đề cần xử lý thì các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hai nước vẫn tiếp tục có thể thay đổi để giải quyết.