Việc Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định TPP thể hiện cam kết sẵn sàng tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu với chuẩn mực cao. |
Từ thực tiễn đất nước cuối những năm 1980, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII lần đầu tiên đưa ra chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế nhằm phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Trong chặng đường 16 năm thực hiện chủ trương trên, ngoại giao đa phương đã ghi nhiều dấu ấn, góp phần tô điểm cho bức tranh rực rỡ muôn màu của thành tựu đối ngoại.
TG&VN đã phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia và ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao để có một góc nhìn đa chiều về ngoại giao đa phương của Việt Nam trong những năm qua.
Lợi ích rõ ràng
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Carl Thayer nhận xét, chính sách ngoại giao đa phương đem lại “những lợi ích kinh tế rõ ràng”, “nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế” và là “phòng tuyến đầu tiên giúp Việt Nam bảo vệ độc lập và chủ quyền”.
Ngoại giao đa phương còn giúp Việt Nam trở nên độc lập trong các mối quan hệ quốc tế, qua đó nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế mà việc trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu cao là một minh chứng rõ nét.
Nếu như giữa năm 1991, Việt Nam bắt đầu triển khai đường lối đối ngoại đa phương thì đến cuối năm, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (vào thời điểm đó, Nhật Bản nối lại viện trợ phát triển cho Việt Nam). Bốn năm sau, Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, thiết lập quan hệ với Liên minh châu Âu rồi trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia. |
Theo ông Carl Thayer, những ví dụ trên cho thấy ngoại giao đa phương đã tạo dư địa giúp Việt Nam “duy trì độc lập và tự chủ trong mối quan hệ với các cường quốc”.
Từ năm 2001, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và mở rộng sang các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực kinh tế; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một loạt nước trong đó có Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc… và gần nhất là Philippines; gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Vị chuyên gia người Australia cũng cho rằng, Việt Nam đã tích cực tham gia các kênh đối ngoại quốc phòng (kênh 1,5), kênh học giả (kênh 2) và đặc biệt là Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP). Theo ông Carl Thayer, một trong những cơ chế hiệu quả nhất là hội thảo quốc tế hàng năm về Biển Đông. Qua bảy lần tổ chức, Hội thảo đã thu hút hàng trăm học giả trong và ngoài Việt Nam tham dự, tìm hiểu về quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề này. Tại hội thảo năm nay, Việt Nam đồng chủ trì phiên thảo luận đặc biệt về biện pháp xây dựng lòng tin trên Biển Đông với sự tham dự của các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc.
Tạo lòng tin chính trị
Cơ bản nhất trí với nhận định của ông Carl Thayer, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) cho rằng: Nói đến vai trò của ngoại giao đa phương, trước hết phải nói đến lòng tin chính trị (political credit) mà Việt Nam tạo dựng được nhờ triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương.
Lòng tin chính trị là lợi ích vô cùng quan trọng mà không dễ dàng đo đếm được. Lòng tin, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng đề cập là “khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác”. Kế đến mới là lợi ích kinh tế, biểu hiện rõ nét nhất là lợi ích kinh tế trong ASEAN. Sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, do Việt Nam đưa ra, để giúp các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam hội nhập khu vực hiệu quả hơn, đã và đang được lồng nghép trong các cơ chế hợp tác của ASEAN cùng với sự tham gia của các nước lớn trong và ngoài khu vực.
Ở cấp độ toàn cầu, lợi ích đa phương khó nhận ra hơn. Khi đảm nhiệm vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã thuyết phục các nước không đưa vấn đề Myanmar vào chương trình nghị sự, qua đó góp phần giúp Myanmar tránh được lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, từ đó mở ra chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 4/2010, trong đó hai bên nhất trí 14 lĩnh vực hợp tác.
Ông Trần Việt Thái, Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao. |
Trên cấp độ liên khu vực, tham gia tiến trình hội nhập APEC, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể thấy ngoại giao đa phương dần mở ra các kênh hợp tác mới về thương mại, đầu tư tài chính rồi đến những lĩnh vực chuyên sâu hơn như bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Nhìn chung, chính sách ngoại giao đa phương từng bước giúp Việt Nam chủ động hơn trong tất cả các khâu từ khâu đầu vào của sản xuất cho tới khâu đầu ra của sản phẩm.
Về uy tín quốc tế, các nước nhìn nhận Việt Nam với một vị thế đang lên cùng với chính sách mở cửa, hội nhập nhất quán. Đại sứ Australia tại ASEAN Simon Merrifield từng nói rằng, Việt Nam đã rất tự tin trong xử lý quan hệ với các nước lớn, thể hiện rõ nét qua chuyến thăm Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015.
Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) vừa qua, đoàn Việt Nam không chỉ đóng góp vào đàm phán trực tiếp về mặt kỹ thuật và chính trị để đạt được thỏa thuận cuối cùng mà còn tổ chức thành công phiên đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Hồi đầu tháng 12, Bộ Ngoại giao phối hợp với phía Mỹ tổ chức hội thảo thực hiện Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong (LMI) và những người bạn của Mekong với sự tham dự của đại diện các nước liên quan và nhà tài trợ nhằm đưa ra các dự án cụ thể về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ an ninh nguồn nước, phát triển sinh kế cho 24 triệu dân Việt Nam dọc sông Mekong.
Thể hiện trách nhiệm
Theo ông Thái, đóng góp lớn nhất của ngoại giao đa phương trong những năm vừa qua đối với khu vực và thế giới là đề cao được luật pháp và chuẩn mực quốc tế, nhất là trong xử lý vấn đề biển đảo, an ninh, an toàn hàng hải.
Việc tham gia ngày càng tích cực, chủ động vào các tiến trình hợp tác của khu vực và trên thế giới, bắt đầu từ kinh tế thương mại, dần dịch chuyển sang các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh quốc phòng và lĩnh vực chuyên ngành sẽ góp phần duy trì các thiết chế hiện nay vận hành ổn định, duy trì luật lệ, chuẩn mực quốc tế được tôn trọng.
Về kinh tế, khi Việt Nam ổn định, phát triển và mở cửa, các nước trong và ngoài khu vực đều có cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng với 90 triệu dân của Việt Nam để cùng hợp tác phát triển.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định TPP thể hiện cam kết sẵn sàng tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu với chuẩn mực cao, trở thành một ví dụ điển hình về việc một quốc gia chủ động, tích cực hội nhập dù trình độ phát triển đang còn ở mức trung bình.
Với việc quan tâm thúc đẩy hợp tác chuyên ngành như bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sông Mekong, hay phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự ổn định và phát triển lâu dài của khu vực.
Đồng điệu với ngoại giao song phương
Ông Thái cho rằng bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nếu muốn đóng vai trò lớn hơn, chủ động hơn trong quan hệ quốc tế đều cần tiến hành các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, trong đó song phương là nền tảng, đa phương vừa là nền tảng nhưng vừa có tính bổ trợ. Ngoại giao đa phương đôi khi đi trước mở đường cho hoạt động ngoại giao song phương.
Một ví dụ điển hình là cuối những năm 1980, dù chưa là thành viên của ASEAN nhưng khi Việt Nam điều chỉnh nhận thức về ASEAN, các nước Indonesia hay Malaysia, Singapore đã chủ động đẩy nhanh tiến trình xây dựng quan hệ song phương với Việt Nam.
Những năm qua, với sự chủ động của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, vấn đề Biển Đông đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trên khía cạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, chuẩn mực ứng xử hay vấn đề an toàn, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.