📞
75 NĂM NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Ngoại giao kinh tế - Một trụ cột của nền ngoại giao toàn diện hiện đại

Nguyễn Văn Thảo 07:30 | 31/08/2020
TGVN. Ngoại giao Việt Nam 75 năm qua luôn coi kinh tế đối ngoại và sau này là ngoại giao kinh tế như một trọng tâm công tác của toàn Ngành.
Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị WEF ASEAN tại Hà Nội, tháng 9/2018.

Ngay từ buổi đầu lập quốc, kinh tế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc năm 1946, Người khẳng định “Việt Nam dành sự thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài”, “sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế” và “tham gia mọi tổ chức hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.

Thông tin, dự báo - đột phá mở đường…

Kế thừa tư tưởng ấy từ vị Bộ trưởng đầu tiên, ngoại giao Việt Nam 75 năm qua luôn coi kinh tế đối ngoại và sau này là ngoại giao kinh tế như một trọng tâm công tác của toàn Ngành. Từ 2007, với việc ban hành Chỉ thị số 01/2007/CT-NG, ngoại giao kinh tế đã chính thức được xác định là một trong những trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam hiện đại. Nhất quán với chủ trương xem phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của cả nước, năm 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 41-CT/TW về “Tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,” nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế trong thời kỳ mới.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ khi thống nhất và đặc biệt là từ sau Đổi mới đến nay, có thể khẳng định công tác ngoại giao kinh tế, với phương châm “thông tin, dự báo – đột phá mở đường – đồng hành, hỗ trợ – đôn đốc, triển khai,” đã ghi dấu ấn rõ nét, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Sau năm 1975, chúng ta vừa phải khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Trong bối cảnh đó, ngoại giao đi tiên phong, triển khai chính sách phá bao vây cấm vận, vận động được nhiều sự giúp đỡ quý báu từ cộng đồng quốc tế nhằm khôi phục kinh tế.

Kể từ 1986 đến nay, cùng với sự chuyển mình của đất nước, ngoại giao kinh tế ngày càng phát huy vai trò, không ngừng đổi mới để đồng hành với sự phát triển của đất nước trong suốt hơn ba thập niên qua trên con đường trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương, lọt vào top 50 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng bình quân đạt 6,6% trong giai đoạn 1986-2019.

Đóng góp đầu tiên, quan trọng nhất của ngành ngoại giao trong hơn ba thập niên qua chính là kiến tạo, giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi phục vụ phát triển. Với việc thiết lập mạng lưới đối tác chiến lược và toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có tất cả các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn, trở thành thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, ngoại giao đã tạo dựng được nền tảng chính trị đối ngoại không thể lý tưởng hơn cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế.

Ngay từ những ngày đầu đổi mới, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngoại giao kinh tế là cùng các bộ, ngành khai thông thị trường xuất nhập khẩu. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vươn lên thành một cường quốc về xuất khẩu, đứng thứ 22 thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 đạt mức kỷ lục 514 tỷ USD, gần gấp đôi GDP. Trong thành tựu chung ấy của cả đất nước có những đóng góp nhất định của ngành ngoại giao.

Thu hút đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển cũng là lĩnh vực không thể không nhắc đến đóng góp của ngoại giao kinh tế. Từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên năm 1988 đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 350 tỷ USD FDI, duy trì mức đóng góp từ 18 tới 25% trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Khu vực FDI tạo ra gần 4 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp tỉ trọng xấp xỉ 70% trong kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, quan hệ chính trị đối ngoại tốt đẹp đã giúp Việt Nam trở thành đối tác phát triển ưu tiên hàng đầu của nhiều nhà tài trợ song phương và đa phương. Trong giai đoạn 1993-2018, Việt Nam đã thu hút được 86 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đóng góp quan trọng vào việc phát triển hạ tầng giao thông, môi trường và phát triển đô thị, y tế-giáo dục, xóa đói giảm nghèo của đất nước.

Hội nhập quốc tế cũng là một chủ trương lớn liên tục được ngành ngoại giao tham gia đề xuất, hoàn thiện và không ngừng theo đuổi, triển khai xuyên suốt thời kỳ đổi mới. Có thể nói, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách về đối ngoại và hội nhập chính là đóng góp nổi bật nhất của ngành ngoại giao kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay, với bước chuyển mạnh mẽ nhất là chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” một cách toàn diện của Đại hội XI, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục là trọng tâm.

Ở góc độ kinh tế, từ những bước đi đầu tiên nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành một thành viên kiên trì theo đuổi tiến trình tự do hóa thương mại nhằm duy trì động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Đến nay, chúng ta đã là thành viên 16 FTA, trong đó có 13 FTA đã có hiệu lực, nhiều FTA thuộc thế hệ mới và có mức độ cam kết rất cao như CPTPP hay EVFTA. Đây chính là những khuôn khổ quan trọng giúp Việt Nam đạt thành tựu to lớn về tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu trong suốt thời gian qua.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) và các đại biểu tạo lễ trao văn bản thông báo Việt Nam phê chuẩn EVFTA và EVIPA cho Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, ngày 18/6.

Trên bình diện đa phương, việc tổ chức thành công và tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng mà ta là thành viên như ASEAN, APEC, ASEM, GMS, ACMECS, CLMV và WEF ASEAN đã góp phần nâng cao đáng kể vị thế đối ngoại, lồng ghép và thúc đẩy hiệu quả nhiều lợi ích kinh tế của đất nước. Vị thế mới này chính là tiền đề để Việt Nam nhiều lần được mời tham dự và đóng góp thực chất vào các cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu như G7 và G20.

Những năm qua, công tác thông tin dự báo, tham mưu tư vấn cũng là một thế mạnh đặc thù, ghi nhận nhiều đóng góp của ngành ngoại giao, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực biến động nhanh, sâu sắc, khó lường. Những thông tin giá trị do mạng lưới Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và nhiều đơn vị trong Bộ cung cấp không chỉ phục vụ đắc lực cho Đảng trong việc xây dựng chủ trương, chính sách về đối ngoại và hội nhập, cho Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội, mà còn hỗ trợ hiệu quả địa phương, doanh nghiệp.

Riêng với địa phương, doanh nghiệp, hỗ trợ của ngành ngoại giao không dừng ở cung cấp thông tin. Địa phương và doanh nghiệp ngày càng được xem là trọng tâm và đối tượng phục vụ của công tác ngoại giao kinh tế. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao cũng như các Cơ quan đại diện đã thường xuyên tham gia hỗ trợ địa phương thu hút đầu tư, quảng bá du lịch, xuất khẩu lao động; liên tục đồng hành, góp phần giải quyết vướng mắc và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đổi mới cách làm, nâng cao hiệu quả

Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, đất nước ta cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi mô hình mới và những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Cục diện thế giới với những biến động mạnh mẽ và chưa có tiền lệ như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đặc biệt là đại dịch Covid-19 càng đặt ra yêu cầu phải đổi mới cách làm và nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế để đáp ứng với những nhiệm vụ cấp bách của giai đoạn tới.

Tham mưu chính sách sẽ tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngoại giao kinh tế. Ngoại giao cần bám sát nhu cầu phát triển đất nước để có đóng góp giá trị cho tiến trình hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030.

Đồng thời cần tranh thủ tối đa quan hệ với những đối tác chiến lược, toàn diện, các bạn bè truyền thống, các thị trường mới nổi, tiềm năng để nắm bắt những xu hướng phát triển mới của kinh tế toàn cầu, thu hút vốn và công nghệ cao, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Mặt khác, cần chủ động dẫn dắt, tham gia định hình luật chơi tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương như WTO, APEC, ASEAN, ASEM và hợp tác tiểu vùng Mekong để có thể lồng ghép và thúc đẩy các lợi ích phát triển của Việt Nam. Ngoại giao cũng cần đẩy mạnh vận động chính trị đối ngoại để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do, nhằm chiếm lĩnh vị trí thuận lợi nhất cho Việt Nam trong các chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Sau cùng, cần nâng cao hiệu quả phối hợp, hỗ trợ các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy tối đa vai trò tư vấn, hỗ trợ và kết nối trên cơ sở bám sát nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp, cảnh báo sớm và chính xác về những rủi ro từ bên ngoài, bảo vệ tốt lợi ích quốc gia, quyền lợi của doanh nghiệp, công dân trong các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.