Từ những năm 1980, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng đi đầu trong công tác ngoại giao kinh tế trong bối cảnh Việt Nam hết sức khó khăn với những hậu quả tàn khốc của chiến tranh để lại.
Hiện nay, Việt Nam đang đối phó với đại dịch Covid-19, một cuộc chiến khác mặc dù không có tiếng súng, tiếng bom nhưng hậu quả cũng nặng nề không kém.
Hội nghị trực tuyến 'Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm 2021' ngày 29/7. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Lấy người dân làm trung tâm phục vụ
Trong nhiều thập kỷ qua, công tác ngoại giao kinh tế đã trở thành một trong những trọng tâm của ngành Ngoại giao, đóng góp quan trọng, thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, nước ta đang gồng mình đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ tư rất nghiêm trọng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Hằng nhận định công tác ngoại giao kinh tế càng có ý nghĩa thiết thực hơn nhằm phục vụ trực tiếp nỗ lực phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế đất nước.
Triển khai chủ trương, đường lối của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, trước những yêu cầu và khát vọng phát triển trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo toàn ngành Ngoại giao phải phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế là trọng tâm.
Trong giai đoạn hiện nay khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Bộ Ngoại giao vẫn tiếp tục phát huy tinh thần đó, tăng cường triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII là ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
5 nhiệm vụ vì một mục tiêu kép
Tin liên quan |
Ngoại giao kinh tế trong kỷ nguyên mới * |
Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến "Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm 2021" với sự tham gia của tất cả 96 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phòng chống dịch bệnh và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo các Trưởng Cơ quan đại diện làm tốt 5 nhiệm vụ.
Một là, đẩy mạnh ngoại giao vaccine theo các hình thức viện trợ, bán và chuyển giao công nghệ cũng như đẩy mạnh nguồn cung trang thiết bị, vật tư y tế. Bộ trưởng chỉ đạo, thuốc điều trị Covid-19 là một phương hướng mới, các Trưởng Cơ quan đại diện cần tìm hiểu cụ thể, thông tin ngay về trong nước.
Hai là, tập trung theo dõi, phát hiện các xu hướng mới trong và sau Covid-19 để thông tin, tham mưu cho Chính phủ trong triển khai các chiến lược, định hướng phát triển đất nước. Chẳng hạn các vấn đề như chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển xanh, kinh tế số, phát triển bền vững cần được nghiên cứu sâu hơn và kỹ hơn.
Ba là, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với các đối tác quan trọng, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, nhất là trong bối cảnh 6 tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao với các nước đối tác. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan đại diện sớm rà soát tổng thể, tìm hiểu và chủ động đề xuất các dự án kinh tế cụ thể, mang tính chiến lược trong quan hệ với các đối tác quan trọng và từ đó tổ chức xúc tiến kinh tế đối ngoại thực chất, hiệu quả nhân các chuyến thăm cấp cao.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối địa phương, doanh nghiệp xúc tiến kinh tế đối ngoại thích ứng với bối cảnh Covid-19.
Năm là, trên cơ sở tình hình cụ thể của từng địa bàn, các đồng chí Đại sứ, Tổng Lãnh sự cần chủ động thông tin, tham mưu các kế hoạch, lộ trình nối lại hợp tác kinh tế, đi lại, du lịch giữa Việt Nam với các nước.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành Ngoại giao dồn toàn lực, phát huy tối đa các nguồn lực cho mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước.
Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Nguyễn Minh Hằng trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam về công tác ngoại giao vaccine. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đi vào thực tiễn
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, trên tinh thần đó, trong thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai hết sức quyết liệt, hiệu quả, hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện mục tiêu kép, thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thứ nhất, chủ động xây dựng nhiều báo cáo đánh giá tình hình và những xu thế lớn của kinh tế thế giới, diễn biếnđại dịch Covid-19 trên toàn cầu, kinh nghiệm của các Chính phủ và địa phươngcác nước trong kiểm soát, ứng phó dịch bệnh, từ đó đề xuất những biện pháp cụ thể đóng góp trong công tác phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tranh thủ xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới.
Thông qua các báo cáo này, các địa phương có thể tham khảo, xử lý và tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và hạn chế tối đa đứt gãy các chuỗi cung ứng tại các địa phương của mình.
Thứ hai, lồng ghép nội dung hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trong mọi trao đổi, điện đàm cấp cao với các nước và các tổ chức quốc tế.
Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ các địa phương triển khai các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại đầu tư.
Trong bối cảnh dịch bệnh nên các hoạt động xúc tiến hầu hết được tổ chức dưới hình thức trực tuyến nhưng hiệu quả thực tế của các hội thảo, tọa đàm này đều rất khả quan.
Với vai trò là người kết nối, Bộ Ngoại giao nỗ lực đẩy mạnh hết sức có thể các hoạt động xúc tiến hợp tác, đầu tư để tạo điều kiện tối đa cho các địa phương.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức sự kiện ngoại giao kinh tế, thu hút đầu tư mang tên 'Gặp gỡ Việt Nam' dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. |
Thứ tư, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các vụ khu vực thường xuyên đối thoại, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cả các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Ngoại giao đã tham mưu, kiến nghị lên Chính phủ những biện pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ năm, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị nhiều chính sách tạo thuận lợi cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh Việt Nam,
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Ngoại giao cũng đã chủ động, phối hợp xử lý tốt các vấn đề phát sinh trong quan hệ kinh tế với các nước, giới thiệu và kết nối nhiều nhà đầu tư với địa phương và doanh nghiệp Việt Nam.
Về phương hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc mà đang chuyển sang “trạng thái bình thường mới”.
Bộ trưởng chỉ đạo toàn ngành phải phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, gắn chặt với các chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu trong nước, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế nhằm đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho nhiệm vụ thực hiện mục tiêu kép của đất nước trong thời gian tới.
| Trao thiết bị y tế cứu trợ của cộng đồng người Việt và doanh nghiệp Hong Kong Ngày 1/9, Bệnh viện dã chiến số 14 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận 3 máy oxy dòng cao có tích hợp ... |
| Việt Nam trúng cử POC của UPU: Hướng đi mới của ngoại giao đa phương Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đánh giá, việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) của ... |