TIN LIÊN QUAN | |
Trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cho đồng chí Trần Quang Cơ | |
Bài học lớn: Độc lập, tự chủ đi đôi với đoàn kết quốc tế |
Ngoại giao được nâng lên thành một mặt trận có tầm cỡ chiến lược, phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị trong chống Mỹ, cứu nước
Đương nhiên, trong chiến tranh, mặt trận chính trị và quân sự là quyết định. Song trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, về đường lối đấu tranh cách mạng, Đảng ta đã nâng ngoại giao lên thành một mặt trận có vai trò chiến lược, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị (…).
Ngay từ đầu, Đảng ta đã đề ra khẩu hiệu phối hợp ba mặt trận quân sự-chính trị-ngoại giao để chống Mỹ, cứu nước. Thông thường trong chiến tranh, ngoại giao chỉ có mặt khi kết thúc chiến tranh để đi đến ký một hiệp định ghi lại mức thắng bại của mỗi bên. Trái lại, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoại giao của chúng ta có mặt từ đầu đến cuối, luôn luôn có vai trò, vị trí, nhiệm vụ nặng nề. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa III), tháng Giêng 1967 về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đã khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta là thế mạnh...”.
Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, ngày 27/1/1973. (ảnh tư liệu) |
Nghị quyết Bộ Chính trị tháng Tư 1969 ghi rõ: “Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược.” Ngoại giao tự nó phải tăng cường và xây dựng lực lượng, vừa phát huy thắng lợi của đấu tranh quân sự, chính trị trên chiến trường. Trên chiến trường, ta đánh thắng được keo nào thì ngoại giao phải phát huy, khuếch trương trên thế giới, đồng thời phải phục vụ và phối hợp với đấu tranh quân sự, chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa cuộc chiến đấu đến thắng lợi.
Trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoại giao có hai nhiệm vụ lớn. Nhiệm vụ thứ nhất là tăng cường hậu phương quốc tế của ta và làm suy yếu hậu phương của địch. Đối với hậu phương quốc tế của ta, ngoại giao có nhiệm vụ thực hiện khẩu hiệu của Đảng đề ra là thêm bạn bớt thù, tranh thủ từ bạn gần đến bạn xa, từ những đồng minh chiến lược đến những người chỉ đồng tình với ta một điểm nào đó. Như trên đã nêu, chúng ta chống đế quốc Mỹ là nhằm mục tiêu chung của loài người, của thời đại, từ mục tiêu cao là chủ nghĩa xã hội, cho đến mục tiêu thấp là hòa bình, độc lập dân tộc. Ai đồng tình với ta trên cơ sở chiến lược là đi tới chủ nghĩa xã hội đều là bạn của ta. Ai chỉ đồng tình với ta dù chỉ là trên cơ sở chủ nghĩa nhân đạo, ta cũng coi là bạn. Ta tranh thủ kết bạn với mọi người từ mức thấp tới mức cao, theo đúng phương châm thêm bạn bớt thù của Bác Hồ.
Nhiệm vụ thứ hai của ngoại giao là giải quyết vấn đề ta thắng địch thua. Lãnh đạo ta nhìn vấn đề với đầu óc rất sáng suốt và thực tế. Với một địch thủ lớn mạnh hơn hẳn như Mỹ, cuộc đấu tranh của ta chống Mỹ không thể chỉ khi nào ta buộc đối phương phải quy hàng mới kết thúc. Phải có khái niệm thật rõ thế nào là ta thắng, thế nào là địch thua thì mới xác định được giải pháp. Ta thắng tức là khi nào ta bảo vệ được độc lập tự do, giải phóng được đất nước của ta. Mỹ thua tức là Mỹ phải rút hết quân, chấm dứt xâm lược, phải cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.
Chính với tinh thần như vậy nên lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nếu Mỹ mà chịu nhận rút thì chúng tôi trải thảm đỏ cho mà rút. Ngoại giao phải làm sao đạt được thực chất vấn đề như vậy. Để thắng một kẻ thù cỡ lớn như thế mà ta lại là một nước nhỏ thì phải có ngoại giao đóng góp vào đó, thực hiện phương châm thắng từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Phải có ngoại giao để giải quyết vấn đề ta thắng địch thua.
Tạo lập một Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam làm nền tảng vững chắc về chính trị và tinh thần cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của ta
Trước một kẻ thù giàu mạnh như vậy, trong một bầu không khí sợ Mỹ phổ biến trên thế giới như vậy, điều tối cần thiết đối với ta là phải tạo lập được một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ để tập hợp dư luận và cô lập Mỹ về chính trị và tinh thần.
Nhằm mục đích đó, việc tuyên truyền vận động quốc tế của ta trong thời gian đầu hướng vào bốn nội dung: thứ nhất là nêu cao chính nghĩa của Việt Nam, thứ hai là nêu cao quyết tâm giành độc lập của Việt Nam, thứ ba là nêu cao thiện chí hòa bình của Việt Nam, thứ tư là tố cáo tội ác chiến tranh và vạch trần tính chất phi nghĩa của xâm lược Mỹ.
(…) Trong thời gian Mỹ leo thang chiến tranh, chiến sự còn ở thế giằng co quyết liệt, nhiệm vụ ngoại giao chủ yếu vẫn là tăng cường hậu phương quốc tế của ta, làm suy yếu rối loạn hậu phương quốc tế của địch.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương (tháng Mười hai 1965) của Đảng nhận định lúc đó “tình hình chưa chín muồi cho một giải pháp về Việt Nam”, song đã tính đến lúc nào đó sẽ đi vào vừa đánh vừa nói chuyện, lấy đàm để hỗ trợ cho đánh, lấy đánh để ép địch đàm phán nhằm chuyển biến so sánh lực lượng. Ngay từ những năm 1965-1967, ta chưa tính đến đàm phán nhưng đã chuẩn bị việc này. Rút kinh nghiệm của Hiệp định Genève 1954, ta làm cho các nước hiểu và đồng tình với ta: vấn đề Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam giải quyết trực tiếp với Mỹ.
Thời gian này, hoạt động dùng trung gian “tiến công hòa bình” của Mỹ rất sôi nổi. Trong một cuộc họp ở Nhà Trắng, Johnson nói: “Cuộc chiến tranh này giống như một trận đấu ăn giải. Tay phải của ta nắm lực lượng quân sự, song tay trái cần có các đề nghị hòa bình. Mỗi khi đưa quân đội lên phía trước thì cũng phải đưa các nhà ngoại giao lên phía trước. Các tướng lĩnh muốn tôi đưa ra nhiều nhiều hơn nữa. Họ muốn tiến xa hơn. Song Bộ Ngoại giao cũng phải cung cấp cho tôi thêm cái gì nữa.” Có tới hàng chục nước đủ các loại: các nước Không liên kết, châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, rồi Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, đến các nhân vật như Tổng thư ký Liên hợp quốc U Thant, Giáo hoàng, các trí thức, nhà báo có tên tuổi,... làm trung gian cho Mỹ. Thông thường, dùng trung gian chỉ là một phương thức có tính chất quá độ để mở đường cho đàm phán trực tiếp giữa hai bên đối địch trong một cuộc tranh chấp. Nhưng với Mỹ, việc dùng trung gian đã được xem như một thủ đoạn nhằm những mục đích khác như: thu thập tin tức về ý đồ chiến lược hoặc về lập trường đàm phán cụ thể đối phương, tung ra những tin thất thiệt làm cho đối phương chập chững, mơ hồ về ý đồ của Mỹ; bắn tin tức thúc ép, đe dọa hoặc ve vãn dụ dỗ; xoa dịu phản ứng quốc tế đối với Mỹ và chuyển sức ép sang đối phương; gây hiểu lầm chia rẽ giữa đối phương với bạn bè của họ.
Để thực hiện những mục đích khác nhau này, Mỹ đã dùng đủ các loại trung gian. Trước năm 1967, Mỹ dùng thủ đoạn này khá nhiều. Làm trung gian cho Mỹ không những là các nước đồng minh của Mỹ và các nước thế giới thứ ba mà còn cả nước xã hội chủ nghĩa nữa; không những là nhân vật trong chính giới các nước mà cả những nhân sĩ, trí thức, v.v.. Mỹ không những dùng trung gian rất mạnh trong thời gian chưa có cuộc đàm phán Paris, mà cả khi đã tiếp xúc với ta rồi họ vẫn tiếp tục dùng trung gian. Thủ đoạn này thâm độc ở chỗ các nước trung gian khi nhận đề nghị của Mỹ đã phải đồng tình hoặc đồng tình một nửa với ý kiến của Mỹ. Nếu họ truyền đạt ý kiến đó cho ta mà ta bác đi, như vậy có nghĩa là ta bác cả Mỹ lẫn nước trung gian, và mặc nhiên Mỹ tranh thủ được nước đó, chia rẽ được họ với ta.
Thời gian 1965-1966 và dai dẳng tới cuối năm 1967 đầu 1968, Mỹ chủ yếu dùng loại “trung gian thân tín” – các nước châu Âu và đồng minh của Mỹ - vừa để gây sức ép bên ngoài với ta vừa để thu thập tình báo chính trị, đánh giá tình hình tại chỗ, giúp cho Mỹ tài liệu nhận tin tổng hợp về khả năng và ý chí của ta. Mỹ còn thông qua Liên Xô dùng “mồi kinh tế” lôi kéo được bốn nước Đông Âu làm trung gian. Khác với việc dùng các nước phương Tây làm trung gian, Mỹ dùng các nước xã hội chủ nghĩa làm trung gian với mục đích phân hóa mặt trận đoàn kết xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam, gây sức ép từ bên trong phe xã hội chủ nghĩa đối với ta hòng tác động đến ý chí của ta và giảm viện trợ cho ta.
(…) Còn ta kiên trì giải thích cho những nước định làm trung gian hiểu âm mưu, ý đồ, tội ác của Mỹ, tại sao ta chưa đàm phán. Ta cảm ơn họ ủng hộ Việt Nam, và cho họ biết đến lúc chín muồi ta sẽ trực tiếp đàm phán với Mỹ. Bằng cách đó, ta không còn phải lo vừa đối phó với Mỹ, vừa phải giải thích cho bạn mà bạn vẫn hiểu ta, tránh được âm mưu chia rẽ, lừa bịp của Mỹ, tăng cường hậu phương ta và chuẩn bị cho đàm phán sau này.
Trần Quang Cơ
[Tiêu đề bài do TG&VN đặt]
Ký ức của một thời “vừa đánh, vừa đàm” 45 năm đã qua, những chứng nhân Việt Nam của Hội nghị Paris giờ đều ở độ tuổi trên dưới 90 nhưng những chi tiết ... |
Gặp mặt thân mật kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris Ngày 25/1, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi Gặp mặt thân mật giữa các thế hệ cán bộ ngoại giao nhân dịp kỷ niệm ... |
Nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ từ trần Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Ngoại giao và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: |