📞

Ngoại giao trong tuần: Phó Thủ tướng điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ; thông tin về việc đưa người về nước trước Tết Nguyên đán

Chu An 17:22 | 16/01/2021
TGVN. Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong tuần từ ngày 11-16/1.

Hoạt động củaPhó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Tối 15/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien.

Hai bên đánh giá quan hệ hai nước đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đồng thời nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển ổn định, đi vào chiều sâu, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và cùng có lợi.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Cố vấn An ninh quốc gia, Đại diện Thương mại và Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã lắng nghe và ghi nhận những quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong quá trình Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ.

Chiều 12/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Timor-Leste Adaljiza Albertina Xavier Reis Magno.

Ngày 11/1, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Ngoại giao song phương

Ngày 15/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma để tiếp nhận tượng trưng số hàng cứu trợ của chính phủ Ấn Độ tặng người dân ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do lở đất, lũ lụt.

Phát biểu tại Tọa đàm “Hợp tác để ứng phó với thách thức y tế” do Bộ Ngoại giao cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 15/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh, hợp tác y tế thực sự là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam đánh giá cao hợp tác đào tạo, trao đổi bác sĩ tại các bệnh viện Pháp và Việt Nam.

Hiện có khoảng 3.000 bác sỹ đầu ngành của Việt Nam, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 hiện nay, là những người đã từng đi tu nghiệp tại Pháp.


Ngoại giao đa phương

Ngày 15/1, tại Jakarta, Indonesia diễn ra cuộc họp đầu tiên của Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR) trong năm Chủ tịch ASEAN 2021 của Brunei bằng hình thức trực tuyến.

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi chúc mừng Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và đề cao vai trò lãnh đạo, sự kiên trì của Việt Nam dẫn dắt ASEAN tiếp tục lộ trình đạt các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là trong việc thúc đẩy nỗ lực chung của khu vực nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.

Sáng 14/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp trực tuyến, thảo luận định kỳ hàng tháng về tình hình Yemen.

Ngày 14/1, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương và Ban Thư ký APEC tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực đề xuất sáng kiến nhằm hiện thực hoá Tầm nhìn APEC tới năm 2040" tại Hà Nội. Đây là sáng kiến do Bộ Ngoại giao đề xuất nhằm trao đổi về những ý tưởng và sáng kiến cần thúc đẩy để đóng góp triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 vừa được các Nhà lãnh đạo APEC thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 27 diễn ra tháng 11/2020.

Chiều 14/1 diễn ra Cuộc họp trực tuyến các Quan chức cao cấp (SOM) Nhóm ASEAN của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) với sự tham gia của đại diện 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

Ngày 13/1, HĐBA LHQ họp trực tuyến thảo luận về tình hình Mali và những bất ổn sau bầu cử tại Cộng hòa Trung Phi.

Sáng 12/1, HĐBA LHQ tổ chức Thảo luận mở trực tuyến nhân dịp kỷ niệm 20 năm thông qua Nghị quyết 1373 (2001) về phòng chống khủng bố quốc tế.

Ngày 11/1, HĐBA LHQ họp trực tuyến mở về tình hình khu vực Tây Phi và Sahel trong 6 tháng qua.

Ngày 12/1, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và phương hướng công tác năm 2021. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì Hội nghị.


Bảo hộ công dân

Chiều 14/1, trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết về việc đưa công dân về nước trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

"Do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xuất hiện và lây lan nhanh ở một số nước trên thế giới, ngày 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản ban hành yêu cầu hạn chế các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán. Trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về phải được các Bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải thông báo, thống nhất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Thông tin từ các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hiện có rất nhiều người Việt Nam đăng ký về nước từ nay đến Tết Nguyên đán. Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đưa những công dân có nhu cầu thực sự khẩn thiết về nước nhằm đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch bệnh cũng như năng lực cách ly trong nước".

Tuần qua, trước tình hình lượng người đăng ký về nước thời điểm gần Tết ngày càng tăng, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết, công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại Lào tiếp tục được xuất cảnh Lào về nước qua các cửa khẩu quốc tế, với điều kiện phải đăng ký nguyện vọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Luang Prabang, Savanakhet và Pakse.

Liên quan vụ việc một cô gái người Quảng Trị nghi bị bắt cóc sang Myanmar, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 14/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

"Ngày 13/1, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã nhận được công văn đề nghị của Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị hỗ trợ đưa công dân Việt Nam đang ở thị trấn bang Khang, bang Shan, Myanmar về nước.

Về thông tin cụ thể, ngay sau khi nhận được đề nghị của tỉnh Quảng Trị, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và tìm cách liên hệ để trao đổi trực tiếp với công dân nói trên, tìm hiểu tình trạng sức khỏe, an toàn và nguyện vọng của công dân để có thể phối hợp với các cơ quan trong nước, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết. Chúng tôi sẽ tích cực cập nhật thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar".

Về 2 công dân Việt Nam trên tàu Hàn Quốc MT Hankuk Chemi bị phía Iran bắt giữ, Người phát ngôn cho biết, Bộ Ngoại giao đã có trả lời vào ngày 5/1/2021. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc và Iran đã chủ động trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng ở sở tại, đề nghị đảm bảo an toàn sức khỏe và điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho các thuyền viên Việt Nam.


Các hoạt động khác

Ngày 15/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có buổi gặp gỡ thường niên với phóng viên, trợ lý các văn phòng báo chí quốc tế thường trú và tùy viên văn hóa, báo chí, đại diện các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam nhân dịp Năm mới 2021.

Ngày 14/1, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp tổng kết Ban Chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế năm 2020 và đề ra những phương hướng, trọng tâm công tác năm 2021. Thứ trưởng Thường trực đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm, sáng tạo và linh hoạt của các thành viên trong Ban Chỉ đạo công tác Ngoại giao Kinh tế năm 2020.

Sáng 13/1, Đảng bộ Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2020, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; công bố quyết định khen thưởng các tổ chức đảng, đảng viên và trao tặng Huy hiệu Đảng.

Ngày 12/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 đã có buổi thăm và làm việc tại Quảng Ninh.

(tổng hợp)