Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, ngày 1/9. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao
Tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba chiều 1/9, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ cảm ơn Chính phủ Trung Quốc gần đây đã công bố viện trợ thêm cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine, đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để chuyển số vaccine này về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
Sáng 1/9, Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã đặt hoa và vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Ngoại giao song phương
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2021), Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế đã có điện mừng và thư mừng gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ngày 1/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã tiếp Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang và Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth đến chúc mừng 76 năm Quốc khánh Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Hội đồng thành phố New Delhi trang trọng tổ chức Lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại New Delhi.
Ngày 2/9, nhận lời mời của tổ chức Diễn đàn Toàn cầu Boston (Boston Global Forum), Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã tham dự cuộc họp đầu tiên của nhóm Sáng kiến Việt Nam Spark. Nhóm tập hợp các nhà lãnh đạo, chiến lược gia, học giả, chuyên gia về y tế, công nghệ và kinh tế để thảo luận và đề ra các giải pháp giúp Việt Nam chống dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế, cũng như nghiên cứu các cơ hội mới cho Việt Nam sau đại dịch.
Sáng 1/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm cho ông Nguyễn Huy Tăng, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia nhiệm kỳ 2021-2024.
Ngoại giao đa phương
Trả lời phỏng vấn TG&VN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đánh giá, việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, là biểu tượng của sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành trong việc triển khai công tác hội nhập quốc tế thành công.
Ngày 2/9, tại New York, Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp trao đổi về việc triển khai Nghị quyết 2118 (2013) liên quan giải quyết vấn đề vũ khí hoá học tại Syria.
Sáng 31/8, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ấn Độ (nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 8/2021) đã chủ trì buổi thông tin với các nước thành viên LHQ về hoạt động của HĐBA trong tháng vừa qua. Theo lời mời của Ấn Độ, cùng Đại sứ Kenya, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã tham gia buổi họp và chia sẻ thêm thông tin với các nước LHQ về một số vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA.
Chiều 30/8, HĐBA đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 2593 về tình hình Afghanistan với 13 phiếu thuận, 2 phiếu trắng của Trung Quốc và Nga. Sáng cùng ngày, HĐBA đã họp định kỳ về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine và thông qua một số nghị quyết liên quan hoạt động của LHQ tại Cộng hòa Mali, Lebanon và Somalia.
Ngoại giao vaccine
Ngày 3/9, Chính phủ Đức quyết định viện trợ khoảng 2,5 triệu liều vaccine Astra Zeneca để hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19. Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000 máy đo nồng độ oxy.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản quyết định viện trợ bổ sung vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam. Đây là thành quả của vận động cấp cao, nỗ lực của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 3 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Sáng 30/8, tại trụ sở Bộ Y tế đã diễn ra Lễ tiếp nhận 250.800 liều vaccine của Czech tài trợ cho Việt Nam để phòng, chống dịch Covid-19.
Tin Người phát ngôn
Ngày 1/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)- khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS.
Ngày 31/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước vụ tấn công khủng bố ở sân bay Hamid Karzai, tại thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 26/8, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Việt Nam lên án những hành động tấn công khủng bố dưới mọi hình thức, trong đó có vụ tấn công khủng bố gây thương vong nghiêm trọng tại sân bay Hamid Karzai ngày 26/8 vừa qua. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình các nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố này.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan tiếp tục rà soát và thực hiện công tác bảo hộ công dân. Theo các nguồn thông tin, đến nay chưa có công dân Việt Nam nào bị ảnh hưởng trong các vụ tấn công khủng bố nói trên.
Các hoạt động khác
Nhân dịp 76 năm Quốc khánh Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm chào mừng trang trọng, ý nghĩa.
| Củng cố vai trò ngoại giao nghị viện, làm sống động và nâng tầm ngoại giao đa phương Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên IPU vào tháng 4/1979. Từ đó tới nay, Việt Nam luôn là thành viên tích ... |
| Ngoại giao kinh tế - 'Người đồng hành' cùng địa phương, doanh nghiệp Trong nhiều năm qua, công tác ngoại giao kinh tế luôn đặt trọng tâm là hỗ trợ, đồng hành các Bộ, ngành, địa phương, doanh ... |