Qua bốn năm triển khai thực hiện "Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020", vai trò trụ cột của ngoại giao văn hóa trong nền ngoại giao toàn diện dần được khẳng định. Các hoạt động ngoại giao văn hóa được tổ chức ở khắp các quốc gia, châu lục và địa phương trong nước, đa dạng về hình thức và quy mô, nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ đắc lực cho các mục tiêu chính trị, kinh tế và xã hội.
Ở ngoài nước, bên cạnh hoạt động ngoại giao văn hóa thường xuyên với các nước láng giềng, các nước bạn bè quan trọng... các hoạt động ngoại giao văn hóa quy mô lớn dưới dạng Ngày, Tuần, Năm Việt Nam, gắn với chuyến thăm của các lãnh đạo cao cấp của ta và có sự phối hợp thực hiện đồng bộ của nhiều bộ, ngành nhằm quảng bá toàn diện về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Các hoạt động này được triển khai tập trung ở một số nước có quan hệ đối tác chiến lược, hữu nghị tốt đẹp như Nhật Bản, Italy, Pháp, Bỉ, Hà Lan... và các nước ở khu vực mà ta cần mở rộng quan hệ đầu tư, hợp tác như Qatar, UAE... Các hoạt động này đã thu hút sự tham gia của giới chính trị, kinh doanh, cơ quan sở tại và thông tấn báo chí, đông đảo tầng lớp xã hội, bà con kiều bào ta, tạo nên hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.
Bên cạnh đó, hình ảnh một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình cũng được quảng bá đến bạn bè quốc tế thông qua việc triển khai Đề án "Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài" với điểm nhấn là sự kiện khánh thành tượng Bác Hồ ở Chile và khánh thành tượng Bác sau khi được duy tu, sửa chữa tại Madagascar.
Ở trong nước, các lễ hội, sự kiện văn hóa có yếu tố quốc tế cũng được triển khai rộng khắp, gắn kết với sự kiện quan trọng của địa phương, như Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Festival Huế 2014, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ kỷ niệm 20 năm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long...
Trong năm 2014, Việt Nam có thêm ba di sản: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương Châu bản triều Nguyễn. Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO tái công nhận tư cách thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
Các hoạt động và danh hiệu này không chỉ khẳng định, quảng bá một dân tộc Việt Nam với bề dày lịch sử, văn hóa, một đất nước Việt Nam với nhiều danh lam thắng cảnh, di sản thế giới, mà còn góp phần kêu gọi, thu hút du lịch và đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Thực hiện phương châm "là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", trong năm qua, với việc nắm giữ các cương vị như thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2005 của UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đồng chủ trì Nhóm công tác Văn hóa, Thanh niên, Giới và Thể thao tại Diễn đàn Đông Á - Mỹ Latinh, Việt Nam đã thể hiện được vai trò chủ động và tích cực tại các diễn đàn văn hóa khu vực và thế giới.
Trên cơ sở phát huy thành tựu đã đạt được, công tác ngoại giao văn hóa năm 2015 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, tập trung vào một số trọng tâm như tổ chức hoạt động quảng bá về Việt Nam và Cộng đồng ASEAN ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng chính sách và đầu mối kết nối địa phương với quốc tế; tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế về văn hóa, phát huy vai trò tại các vị trí quan trọng mà Việt Nam đang đảm nhiệm và đặc biệt là đóng góp hữu hiệu, thực chất cho việc hình thành Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2015.
Trần Thị Hoàng Mai
Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO