📞

Ngoại giao Việt Nam trưởng thành qua những bài học lịch sử

Trần Anh Đức - Trần Chí Trung 14:05 | 30/09/2022
77 năm nền ngoại giao Việt Nam để lại nhiều bài học lớn, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn, cam go các lớp thế hệ cán bộ ngoại giao cần không ngừng học hỏi, áp dụng để tiếp bước bậc cha chú trong thế kỷ XXI.
Sau 77 năm hình thành và phát triển với nhiều bài học lịch sử, ngành ngoại giao Việt Nam ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

77 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cùng với đó là sự ra đời của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (28/8/1945-28/8/2022). Không chỉ là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Người còn trực tiếp tham gia, chỉ đạo các hoạt động ngoại giao và đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ. Khi ấy, số cán bộ ngoại giao chỉ vỏn vẹn 20 người, bao gồm một số cán bộ cách mạng và trí thức trẻ giỏi các thứ tiếng Pháp, Anh, Hoa, Nga, làm việc tại ba bộ phận là Tổng thư ký, Ban tham nghị và Văn phòng.

Thời điểm đó, ít ai nghĩ rằng khởi đầu có phần khiêm tốn ấy lại là nền móng quan trọng cho thành tựu phi thường sau này của nền ngoại giao Việt Nam. Trên các chặng đường lịch sử gian khó nhưng đầy vẻ vang, dưới sự rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, nền ngoại giao đã dần trở thành một mặt trận chiến lược, binh chủng quan trọng của cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự tham gia, phối hợp của toàn dân, toàn quân, nền ngoại giao Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để trưởng thành và lớn mạnh. Ngoại giao Việt Nam đi từ yếu đến mạnh, đi từ thắng lợi bộ phận đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoại giao Việt Nam trưởng thành qua thực tiễn cách mạng, phản ánh quá trình cách mạng của dân tộc. Thời đại Hồ Chí Minh đã đưa ngoại giao Việt Nam đến được tầm vóc mới, đạt được những thành quả to lớn.

Đồng thời, bên cạnh truyền thống, kết quả đáng tự hào sau 77 năm phụng sự Tổ quốc, Đảng và Nhân dân của nền ngoại giao Việt Nam để lại nhiều bài học lớn, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn, cam go các lớp thế hệ cán bộ ngoại giao cần không ngừng học hỏi, áp dụng để tiếp bước bậc cha chú trong thế kỷ XXI.

Ngoại giao Việt Nam đi từ yếu đến mạnh, đi từ thắng lợi bộ phận đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoại giao Việt Nam trưởng thành qua thực tiễn cách mạng, phản ánh quá trình cách mạng của dân tộc.

Không chùn bước, quyết tâm bảo vệ nền hòa bình từ sớm, từ xa

Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền Cách mạng còn non trẻ, đất nước đứng trước tình thế thù trong giặc ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai.” Trước nguy cơ chiến tranh, Bác đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao nhằm cứu vãn hòa bình: Người đã trực tiếp đàm phán với đại diện chính quyền Pháp để ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, tiếp đó đích thân sang Pháp gần 5 tháng để chỉ đạo đoàn đàm phán tại hội nghị Fontainebleau, đồng thời tranh thủ dư luận Pháp và thế giới ủng hộ nguyện vọng độc lập, thống nhất của nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, do lập trường thực dân ngoan cố của phái đoàn Pháp và những hành động cố tình phá hoại đàm phán của quân đội nước này ở Việt Nam, cuộc đàm phán tại Fontainebleau (6/7-10/9/1946) thất bại. Người xác định bằng mọi giá phải cứu vãn Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, duy trì khả năng nối lại đàm phán song phương, tranh thủ thêm thời gian hòa hoãn giữa hai bên. Trong ngày 14/9/1946 và rạng sáng ngày 15/9/1946, Người đã nỗ lực đàm phán để ký Tạm ước 14/9 với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet nhằm tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược không thể tránh khỏi.

Chuyến thăm Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là hiện tượng độc nhất vô nhị trong quan hệ quốc tế. Bởi lẽ, Bác là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước thuộc địa từng bị “mẫu quốc” thực dân kết án tử hình vắng mặt, song lại dùng chính máy bay và tàu chiến của họ sang thăm Pháp trên danh nghĩa thượng khách.

Hành động ấy thể hiện lòng dũng cảm, khí phách của một người lãnh tụ hiên ngang “vào hang bắt cọp”, với niềm tin sắt đá vào chính nghĩa của sự nghiệp và tinh thần đồng lòng, “triệu người như một” khi ấy của người Việt.

Ứng xử tài tình, biến nguy thành an

Tuy nhiên, với một nhà ngoại giao, chỉ dũng cảm, khí phách thôi là chưa đủ. Trong bối cảnh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, luôn phải ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, dấu ấn đậm nét nhất của thắng lợi ngoại giao thời kỳ này dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối sách, khả năng ứng xử tài tình cùng một lúc với năm nước lớn và đồng thời đối phó bốn đạo quân nước ngoài trên 30 vạn binh lính có mặt ở Việt Nam.

Người đã khéo léo lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước với nhau và có sách lược phù hợp với từng đối tượng và bằng mọi giá đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Việt Nam đã lợi dụng mâu thuẫn Tưởng – Pháp, phân hóa để họ không bắt tay với nhau. Đảng và Bác Hồ đã nhân nhượng vào đúng thời điểm Pháp chịu sức ép từ quân Tưởng nổ súng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra công thức mới để phá vỡ thế bế tắc, đó là thay từ “độc lập” bằng từ “tự do” đi kèm với việc “Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do…”.

Không quá khi nói rằng ứng xử của Bác Hồ trước quân Tưởng thực sự là một nghệ thuật. Ông Nguyễn Đức Thụy, một nhà cách mạng lão thành, đã kể lại một số chi tiết thú vị về câu chuyện này: Khi triệu tập cán bộ đến giao việc, Bác Hồ nói: “Tôi mời các chú đến đây để tổ chức Ủy viên hội của Bộ Ngoại giao nhưng chỉ dùng chữ “Ủy viên hội” hay “Ủy viên” trong nội bộ thôi, tránh bọn Tưởng biết vì chúng coi đó là cách gọi của Đảng Cộng sản. Ở bên ngoài nên gọi là “tham nghị” - một chức phổ biến trong bộ máy của Trung Hoa Quốc dân Đảng”. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dặn anh em khắc các con dấu vì bọn Tưởng chỉ coi trọng con dấu, không coi trọng chữ ký!

Những chi tiết nhỏ ấy đã cho thấy làm ngoại giao cần hiểu biết cặn kẽ văn hóa, tâm lý, tập quán của đối tác, đối phương để có thể đạt mục tiêu cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946. (Nguồn: Tư liệu)

Kiên trì độc lập, tự chủ và giương cao ngọn cờ chính nghĩa

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Xô luôn có những chuyển biến phức tạp. Trung Quốc mặc cả với Mỹ về chiến tranh Việt Nam bằng việc Mỹ rút quân khỏi Đài Loan (Trung Quốc). Trung Quốc và Liên Xô là hai nước hỗ trợ chính cho chính phủ VNDCCH trong kháng chiến, nhưng có mâu thuẫn gay gắt.

Trong tình hình đó, Việt Nam luôn phải chịu sức ép của cả hai nước về nội dung, định hướng và cả chi tiết kỹ thuật trong đàm phán. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi phải do nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, rút kinh nghiệm từ Hội nghị Geneva 1954, lần này Việt Nam đã có kinh nghiệm quý và kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ, nhưng đồng thời vẫn khéo léo giữ vững đoàn kết với Liên Xô và Trung Quốc. Trong quá trình đàm phán, Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ Ngoại giao thường xuyên tiếp xúc ngoại giao, thông báo với Liên Xô và Trung Quốc, lắng nghe các ý kiến, nhưng tiếp thu có chọn lọc, trao đổi lại và thuyết phục họ hiểu lập trường của Việt Nam, bảo đảm viện trợ khí tài và lương thực từ cả hai.

Thời điểm khó khăn nhất cho Việt Nam giai đoạn này là lúc Mỹ đi vào hoà hoãn với Liên Xô và Trung Quốc năm 1972 nhằm ép hai nước giảm sự giúp đỡ cho Việt Nam. Trong phiên họp riêng ngay sau khi cùng Tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc và Liên Xô, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã tỏ ý thăm dò đồng chí Lê Đức Thọ: “Ngài cố vấn qua Bắc Kinh và Moscow chắc có nghe các bạn của ngài thông báo ý kiến của chúng tôi trong cuộc đàm phán này?”.

Đồng chí Lê Đức Thọ trả lời: “Chúng tôi chiến đấu chống lại quân đội của các ông trên chiến trường và chúng tôi đã đàm phán với các ông trên bàn hội nghị. Các bạn của chúng tôi hết lòng ủng hộ chúng tôi nhưng không làm thay chúng tôi được”.

Điều này càng minh chứng cho thấy rằng kiên quyết, kiên trì với độc lập tự chủ là bài học sâu sắc của ngoại giao Việt Nam.

“Chúng tôi chiến đấu chống lại quân đội của các ông trên chiến trường và chúng tôi đã đàm phán với các ông trên bàn hội nghị. Các bạn của chúng tôi hết lòng ủng hộ chúng tôi nhưng không làm thay chúng tôi được”. (Đồng chí Lê Đức Thọ)

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Bài học quan trọng của ngoại giao thời kỳ này là phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa Bắc và Nam, giữa ngoại giao và quân sự, giữa nội lực Việt Nam và mặt trận quốc tế…

Điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris. Đặc thù của thời kỳ này là Việt Nam có hai Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hay còn gọi là CP-72.

Trong quá trình đàm phán, với phương châm “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, hai đoàn đã có sự phân công, phối hợp kỹ càng, từ đưa ra sáng kiến giải pháp cho tới phân vai đấu tranh ngoại giao trong từng phiên họp, tranh thủ dư luận. Hai đoàn đã coi trọng mở rộng tiếp xúc và tranh thủ dư luận quốc tế, mỗi thành viên của hai đoàn cũng là một nhà báo, tích cực thúc đẩy phong trào quốc tế, tranh thủ mặt trận đoàn kết quốc tế ủng hộ một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định.

Ngay từ đầu quá trình đàm phán, các đề nghị hoà bình, phát biểu, nội dung các cuộc họp báo của hai đoàn Việt Nam đều được công khai để tranh thủ sự ủng hộ lớn của dư luận, gây khó khăn cho Mỹ trên diễn đàn quốc tế và ngay trong chính trường Mỹ.

Ta đã đẩy mạnh tuyên truyền ở mọi lúc, mọi nơi, với gần 500 cuộc họp báo tại Paris - trung tâm thông tin của thế giới. Các nhà đàm phán tầm cỡ của ta đã thường xuyên có những cuộc trả lời phỏng vấn thu hút dư luận.

Trước báo giới, hình ảnh Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình với phong thái điềm tĩnh, Bộ trưởng Xuân Thuỷ cùng nụ cười ấn tượng, đồng chí Lê Đức Thọ với bản lĩnh cứng cỏi và một Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đối đáp sắc sảo đã gây ấn tượng mạnh với công chúng quốc tế lúc bấy giờ.

Sự quan tâm lớn của thế giới dành cho Hiệp định Paris có thể so sánh được với các hội nghị lớn về chính trị quốc tế trước đó như Potsdam, Tehran hay Yalta. Để tiếp tục khẳng định, nêu rõ tình hình và lập trường của ta, hai đoàn đàm phán đã cử đoàn đi khắp nơi trên nước Pháp và các nước ở Á - Âu - Phi - Mỹ Latin để dự các cuộc mít tinh, biểu tình và hội thảo.

Vừa đánh vừa đàm, kết hợp ngoại giao với quân sự, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là sách lược đúng đắn, phương thức hữu hiệu giai đoạn này.

Sau Tổng tấn công Xuân - Hè 1972, nhận thấy thời cơ, Đảng và Nhà nước đã quyết định đi vào đàm phán thực chất. Trong quá trình này, các đoàn đàm phán Việt Nam phát huy được tinh thần độc lập, tự chủ, tự điều hành đàm phán, không để sức ép bên ngoài tác động.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai đoàn đàm phán, phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ dư luận, đẩy mạnh phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đã giúp đàm phán Paris đi đến thắng lợi cuối cùng, tạo điều kiện thống nhất đất nước năm 1975.

Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy tại Paris, Pháp vào ngày 10/5/1968. (Nguồn: Getty Images)

Đổi mới tư duy, kiên trì từng bước phá vỡ thế khó

Sau năm 1975, tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp. Ở trong nước, đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới, có nhiều hào hùng nhưng cũng không ít những thăng trầm. Việt Nam khi đó bị rơi vào tình thế vô cùng khó khăn, bị cấm vận về kinh tế, bao vây về chính trị - ngoại giao. Song, chính trong giai đoạn đầy cam go và thử thách đó, nền ngoại giao đã đồng hành với dân tộc, thể hiện mạnh mẽ nội lực, bản lĩnh để giúp đất nước phá thế bao vây cấm vận, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đảng và Nhà nước cũng nhận thức vấn đề Campuchia sẽ là chìa khóa chính để giải tỏa các mối quan hệ khu vực và quốc tế, thoát ra khỏi thế bao vây, cấm vận. Bộ Ngoại giao đã quyết định thành lập Tổ nghiên cứu nội bộ lấy ký hiệu CP-87 với nhiệm vụ nghiên cứu chủ trương giải quyết vấn đề Campuchia và hòa bình ở Đông Nam Á; chuẩn bị các phương án đấu tranh trước, trong và sau khi có giải pháp.

Đồng thời, ngay từ sớm, ngành ngoại giao đã xác định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là nhiệm vụ trọng tâm. Hội nghị Ngoại giao lần thứ 9 (tháng 7/1970) đã nêu chủ trương “Ngoại giao cần nghiên cứu yêu cầu kinh tế của các nước, tranh thủ viện trợ quốc tế, thu thập tiến bộ khoa học - kỹ thuật ở nước ngoài, thúc đẩy quan hệ kinh tế - văn hóa và khoa học - kỹ thuật với các nước”. Tiếp đó, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 10 (tháng 1/1971) nhấn mạnh: “Rồi đây, sau khi chiến tranh kết thúc, công tác ngoại giao sẽ dần dần nặng về nội dung kinh tế”.

Những năm 1986-1988, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đổi mới tư duy”, Đại hội VI (tháng 12/1986) đã đề ra chủ trương đổi mới toàn diện. Cùng với các cơ quan về đối ngoại, ngành Ngoại giao đã đóng góp vào xây dựng Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (tháng 5/1988). Nghị quyết này đã thể hiện sự đổi mới tư duy mạnh mẽ trong đánh giá tình hình thế giới và chuyển hướng toàn bộ chiến lược đối ngoại của nước ta.

Từ nhận định xu thế đấu tranh và hợp tác giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau ngày càng phát triển, Nghị quyết đã đề ra chủ trương “chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình” và nhấn mạnh “với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa hơn”.

Kể từ đó, Việt Nam từng bước phá thế bao vây cấm vận và triển khai đường đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tham gia điều hành khai mạc Phiên thảo luận chung ngày 20/9. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc)

Nhìn lại 77 năm qua và hướng về phía trước

140 năm trước, danh nhân Nguyễn Trường Tộ từng nói: “Thời thế vận hội trong thiên hạ đã đến lúc tiến dần thời tráng thịnh, tung hoành bốn phương”. Đó là lúc để dân tộc chuyển mình, cải thiện sức mạnh, nâng tầm vị thế, vươn ra toàn cầu.

Dù đất nước phồn thịnh và cả khi gặp khó khăn, dù môi trường thế giới bên ngoài thuận lợi hay trắc trở, ngoại giao luôn chắt lọc cơ hội, nhận diện và kiến tạo cơ hội, là nghệ thuật, là dấn thân vượt khó khăn. Khi ở vào hoàn cảnh khó khăn, ngoại giao cũng như đất nước luôn coi nghịch cảnh là nơi thử thách bản lĩnh và trí tuệ, là bước đà tạo thế lập thời, từ đó mà quật khởi vươn lên.

Xuyên suốt quá trình ấy, ngành ngoại giao luôn hiện diện và đóng góp vào những thời khắc then chốt, từ thuở đầu cách mạng, trải qua hai cuộc kháng chiến, công cuộc Đổi mới tới giai đoạn phát triển, hội nhập quốc tế. Trong thành công chung của ngành, của đất nước là nỗ lực to lớn, không biết mệt mỏi của lớp lớp cán bộ ngoại giao và nhiều “binh chủng” khác trên mặt trận đối ngoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Chỉ khi gốc rễ bám chặt vào đất, cây mới có thể vững chắc, xum xuê cành lá, vươn mình tới trời xanh.

Thấm nhuần tư tưởng của vị Bộ trưởng đầu tiên, ngành ngoại giao đã đặc biệt chú trọng tới công tác cán bộ và nghiên cứu. Hội nghị Ngoại giao lần thứ XIII (năm 1977) là ví dụ điển hình về bước chuyển mình trong công tác xây dựng ngành, trong đó có nghiên cứu và công tác cán bộ góp phần tạo nền móng cho sự nghiệp ngoại giao thời kỳ Đổi mới với nhiều thành tựu, cùng đất nước hội nhập quốc tế, bắt kịp xu thế thời đại để “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Thế giới hiện tại đang đối mặt nhiều thử thách và khó khăn, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, nền ngoại giao Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, đầy hào khí, hòa hiếu, trọng lẽ phải và chính nghĩa, với kinh nghiệm và bài học lịch sử sau 77 năm hình thành và phát triển, sẽ luôn phấn đấu hơn nữa để phát huy vai trò tiên phong, phục vụ cho sự trường tồn của đất nước, của dân tộc.

Những kinh nghiệm quý báu được đúc kết và hình thành từ bề dày lịch sử về việc xử lý đúng đắn, hài hoà mối quan hệ giữa độc lập và tự chủ, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và trách nhiệm quốc tế sẽ là nền tảng vững chắc cho công tác đối ngoại nói chung và ngành ngoại giao nói riêng.

Những bài học về tính kiên định trong nguyên tắc ngoại giao đồng thời linh hoạt trong sách lược sẽ là yếu tố cốt lõi để tiếp tục phát huy vai trò chủ chốt trong tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ cho công cuộc phát triển và nâng tầm vị thế đất nước trong thời gian tới.

Như nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã nhận định: “Dân tộc giàu bản sắc với nền văn hiến lâu đời là cội nguồn của bản sắc ngoại giao Việt Nam. Nội hàm văn hoá dân tộc được nâng cao với các giá trị của nhân loại và thời đại, thể hiện trong tư tưởng và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở tầm cao trí tuệ các quốc sách và quyết định chiến lược của Đảng, qua các phương cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt, có sức lôi cuốn, thuyết phục, giữ vững nguyên tắc khi theo đuổi các mục tiêu đối ngoại. Tình hình càng phức tạp thì sách lược càng linh hoạt, ứng xử càng mềm dẻo trên cơ sở nắm vững các mục tiêu và nguyên tắc của cách mạng. Đó là một bản sắc của ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại”.

“Tình hình càng phức tạp thì sách lược càng linh hoạt, ứng xử càng mềm dẻo trên cơ sở nắm vững các mục tiêu và nguyên tắc của cách mạng. Đó là một bản sắc của ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại”. (Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên)