📞

Ngoại giao visa ở châu Phi

09:22 | 23/06/2016
Nam Phi tạo điều kiện cấp thị thực (visa) cho Nigeria không chỉ thúc đẩy quan hệ kinh tế - chính trị song phương mà còn hướng đến nhiều triển vọng đa phương.

Ngày 8/6 vừa qua, Đại sứ quán Nam Phi tại thủ đô Abuja (Nigeria) đã bắt đầu nới lỏng việc cấp visa cho công dân Nigeria theo thỏa thuận giữa hai chính phủ Nigeria và Nam Phi trước đó. Động thái này được đưa ra sau nhiều khiếu nại của người dân Nigeria và Nam Phi về khó khăn trong việc xin visa ở hai quốc gia này. Đại sứ Nam Phi tại Nigeria Lulu Mnguni phải thừa nhận “hai quốc gia ngày càng quan tâm đến vấn đề visa”.

Điểm nổi bật trong thỏa thuận mới về thị thực giữa hai nước là tạo điều kiện cấp visa dài hạn (2, 3 và 5 năm) cho các doanh nhân và những người đi lại thường xuyên. Theo ông Mnguni, hai nước đã hoàn toàn chuyển từ ngoại giao chính trị sang ngoại giao kinh tế và để thúc đẩy ngoại giao kinh tế, người dân hai nước cần được đi lại dễ dàng.

Tăng cường hiểu biết, giao thương

Lợi ích lớn nhất đối với Nigeria và Nam Phi sau thỏa thuận này là nhân dân hai nước có thể hiểu nhau hơn. “Chúng ta cần một mối bang giao gắn liền với nhân dân. Nigeria và Nam Phi cần phê bình nhau một cách xây dựng, cần tìm cách giải quyết những vấn đề khiến quan hệ song phương yếu đi”, ông Mnguni nói.

Thực tế, mối quan hệ Nigeria - Nam Phi vốn không mấy mặn nồng. Vấn đề này là do lịch sử Nam Phi với nạn phân biệt chủng tộc apartheid những năm 1940 khiến giới chính trị gia nước này không muốn Nigeria xuất hiện trong danh sách chống chủ nghĩa apartheid. Trong khi đó, Nigeria lại sớm trở thành một trong những quốc gia tuyến đầu chống lại nạn phân biệt chủng tộc được Liên hợp quốc công nhận. Chính những vấn đề trong lịch sử đã tạo “hố sâu ngăn cách” trong quan hệ hai nước.

 

Hiện hai chính phủ đều nỗ lực tìm cách tăng cường bang giao, chủ yếu thông qua quan hệ thân thiện giữa công dân hai nước. Việc tạo điều kiện cho công dân hai nước qua lại dễ dàng bằng cách nới lỏng việc cấp phép visa giúp nâng cao kênh ngoại giao nhân dân.

Bên cạnh đó, kênh “ngoại giao visa” cũng rất quan trọng đối với ngoại giao kinh tế. Ngoại giao kinh tế được hiểu là việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế dựa trên các chiến lược, chính sách đối ngoại. Động lực chính của ngoại giao kinh tế là thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế và tạo ra của cải cho đất nước. Việc đơn giản hóa thủ tục cấp visa giúp tạo thuận lợi cho ngoại giao kinh tế với sự qua lại dễ dàng của các doanh nhân cũng như giao thương, buôn bán xuyên biên giới. Có thể nói, cấp phát visa chính là công cụ, trụ cột quan trọng của ngoại giao kinh tế.

Chiến lược toàn cầu

Nhiều ý kiến cho rằng Nigeria và Nam Phi không nên chỉ chuyển từ ngoại giao chính trị sang ngoại giao kinh tế, mà cả chú trọng tăng cường từ quan hệ song phương sang các khuôn khổ đa phương bằng việc tạo mối quan hệ thị thực với các quốc gia khác như Trung Quốc hay Mỹ - các quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ hơn vào châu Phi. Thậm chí, trong tương lai gần, châu Phi sẽ là “chiến trường” để hai cường quốc này cạnh tranh ảnh hưởng. Với vị thế là hai quốc gia nằm trong “Ngũ cường” (Big Five)  của châu Phi (ba quốc gia còn lại là Libya, Ai Cập và Algeria), Nam Phi và Nigeria nên có sự phối hợp chính sách trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Mối liên kết quan trọng của ngoại giao thị thực và ngoại giao công dân là cùng thúc đẩy mục tiêu hội nhập khu vực và phát triển kinh tế - xã hội cho toàn châu Phi. Đối tượng chính của hai kênh ngoại giao này đều là người dân. Sự di chuyển của công dân từ nước này sang nước khác cần được tạo điều kiện bằng cách dỡ bỏ các rào cản thông quan, thị thực. Thỏa thuận về cấp visa dài hạn cho các doanh nhân và người đi lại thường xuyên là rất tốt nhưng chưa đủ. Lãnh đạo Nigeria và Nam Phi còn đang hướng đến việc miễn visa cho các chuyến du lịch ngắn giúp nâng cao lượng du khách cũng như giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, đặc quyền visa không nên chỉ giới hạn ở các quan chức chính phủ, doanh nhân hay những khách hàng thường xuyên. Mỗi người châu Phi cần được tạo điều kiện di chuyển tự do giữa các quốc gia trong châu lục. Thậm chí, các quốc gia cần tăng cường ngoại giao visa xuyên châu lục, để mỗi người công dân Nigeria, Nam Phi có thể đến Trung Quốc, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào miễn họ không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Sự nhân rộng và thúc đẩy ngoại giao visa liên quốc gia, liên lục địa sẽ giúp thế giới thực sự tự do, bắt đầu từ việc các công dân toàn cầu có thể tự do di chuyển. Khi đó, công dân các nước sẽ có điều kiện tìm hiểu nhau nhiều hơn giúp nền ngoại giao nhân dân phát triển. Đây chính là nguồn hỗ trợ mạnh mẽ cho các kênh ngoại giao chính thức.

(theo All Africa)