Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Ấn Độ Jaishankar tại New Delhi ngày 28/7. (Nguồn: Twitter) |
Theo hãng tin Reuters, trong chuyến công du Ấn Độ đầu tiên kể từ khi tham gia chính quyền của Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi và người đồng cấp Subrahmanyam Jaishankar.
Hai bên đã thảo luận vấn đề cung cấp vaccine Covid-19, tình hình nhân quyền, Bộ tứ (Quad) và bày tỏ quan ngại chung về Trung Quốc.
Khi được hỏi về việc Bắc Kinh không hài lòng đối với hợp tác an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Bộ tứ, Ngoại trưởng Jaishankar trả lời báo chí: "Việc nhóm bốn nước hợp tác với nhau không có gì lạ lẫm... Mọi người cần phải hiểu tại sao các quốc gia khác làm mọi thứ chống lại họ".
Reuters dẫn lời ông Blinken khẳng định rằng, quan hệ Mỹ-Ấn là "một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới".
Nhà ngoại giao cao cấp Mỹ nói: "Người dân Ấn Độ và người dân Mỹ tin vào nhân phẩm, bình đẳng về cơ hội, pháp quyền, những quyền tự do cơ bản bao gồm tự do tôn giáo và tín ngưỡng... Đây là những nguyên lý cơ bản của các nền dân chủ như chúng ta".
Tìm kiếm điểm đồng
Theo tờ South China Morning Post ngày 28/7, chuyến công du của ông Blinken diễn ra hai ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thứ trưởng Tạ Phong ở Thiên Tân, Trung Quốc.
Cùng thời gian này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng có chuyến công du ba nước Đông Nam Á.
Tại điểm dừng chân ở Singapore ngày 27/7, ông Austin cho biết, ông hy vọng xây dựng mối quan hệ "mang tính xây dựng và ổn định" với Trung Quốc cũng như quân đội của nước này ngay cả khi Washington không ngừng quan ngại về hàng loạt vấn đề liên quan đến Bắc Kinh.
Tại New Delhi, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã củng cố hơn nữa nỗ lực hiện nay của Washington nhằm tập hợp những quốc gia thân thiện cùng hợp tác với nhau, khẳng định Mỹ và Ấn Độ sẽ là "những lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch Covid-19".
Đề cập Bộ tứ, ông Blinken khẳng định đây không phải là liên minh quân sự, giải thích rằng "mục đích của Bộ tứ là thúc đẩy hợp tác để đối phó với những thách thức khu vực, đồng thời tái củng cố luật lệ và giá trị mà chúng ta tin tưởng".
Dự kiến, Bộ tứ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của bốn nước thành viên vào cuối năm 2021.
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gọi Bộ tứ là một nhóm "NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", cho rằng nhóm này đặt ra nguy cơ an ninh nguy cấp.
Về vấn đề Afghanistan, ông Blinken tìm kiếm sự ủng hộ của New Delhi đối với chính quyền Kabul vốn có nguy cơ rơi vào bất ổn dưới sự kiểm soát của Taliban.
Vì vậy, Mỹ muốn Ấn Độ và Pakistan gạt bỏ những vấn đề thù địch để hợp tác với nhau nhằm đảm bảo những lợi ích của cả Islamabad và New Delhi tại Afghanistan sau khi Washington rút quân vào cuối tháng 8.
An ninh tại Nam Á
Theo South China Morning Post, trả lời báo giới sau cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ và người đồng cấp nước chủ nhà, Ngoại trưởng Blinken cảnh báo Afghanistan có thể trở thành một "nhà nước bị bài xích" nếu lực lượng Taliban kiểm soát đất nước bằng vũ lực.
Cảnh báo này được đưa ra cùng ngày với một phái đoàn Taliban tiến hành cuộc đối thoại tại thành phố Thiên Tân với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Trung Quốc hiện muốn trao cho Taliban sự ủng hộ của Bắc Kinh để lực lượng này đóng vai trò trong quá trình tái thiết Afghanistan.
Hiện cộng đồng quốc tế quan ngại về tình hình bất ổn ở Afghanistan sau khi Taliban kiểm soát được thêm nhiều khu vực rộng lớn từ lực lượng an ninh chính phủ Kabul sau khi Mỹ đang triển khai kế hoạch rút quân và dự kiến sẽ hoàn tất vào trước tháng 9.
Trong khi đó, New Delhi quan ngại về viễn cảnh Afghanistan do Taliban nắm quyền kiểm soát.
Lý do là Taliban có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực khi "kết thân" với Trung Quốc và Pakistan. Điều này có thể gây ra mối đe dọa đối với những lợi ích an ninh và chiến lược của Ấn Độ.
Giới phân tích cho rằng, Washington cũng nắm bắt được mối quan ngại nói trên của New Delhi về nguy cơ bất ổn ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, cũng như những tác động của vấn đề này đối với quan hệ Mỹ-Ấn.
Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cũng thừa nhận "những hệ quả là đương nhiên và không thể tránh khỏi".
Ông Said Asfandyar Mir, chuyên gia nghiên cứu về Nam Á tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford nhận định: “Mỹ nhận thấy rõ rằng, Ấn Độ quan ngại với những gì đang diễn ra tại Afghanistan và lo lắng về tác động tới hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ, bao gồm hợp tác trong khuôn khổ Bộ tứ".
Theo chuyên gia này, các cuộc hội đàm ở New Delhi là cách thức Washington tìm hiểu những quan ngại của Ấn Độ và trấn an nước này.
Ông Said nêu rõ: "Theo tôi, Bộ trưởng Blinken đang truyền đi thông điệp rằng, chính quyền của Tổng thống Biden mong muốn một kết quả gần hơn với những mong muốn của New Delhi, song thực tế còn nhiều thách thức hơn".
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Washington và New Delhi cùng có lợi ích chung đối với một Afghanistan "hòa bình và ổn định".
Ông Blinken đồng thời nhấn mạnh hợp tác Mỹ-Ấn nói riêng và với các nước láng giềng của Afghanistan nói chung, trong đó Ấn Độ đóng vai trò quan trọng hàng đầu góp phần tạo nên sự ổn định, phát triển và trật tự ở Afghanistan.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Jaishankar thừa nhận hai bên vẫn còn một số quan điểm khác biệt trong vấn đề này.
Giới phân tích chính trị ở New Delhi nhận định, những thông điệp của ông Blinken là chỉ dấu cho thấy Washington sẽ bảo vệ những lợi ích và mối quan ngại của chính quyền Thủ tướng Modi đối với tương lai của Afghanistan.
Theo Giáo sư về Quan hệ quốc tế Harsh Pant, thuộc King’s College London, những bình luận của ông Blinken nhằm hóa giải những bất đồng và khơi thông kênh liên lạc giữa hai bên về kế hoạch của Washington đối với Afghanistan.