Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại Đối thoại Raisina tại New Delhi, Ấn Độ ngày 15/1 (Nguồn: TASS) |
Đầu tiên, ông Sergey Lavrov đặt chân tới New Delhi trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, đặc biệt là căng thẳng Mỹ - Iran diễn biến phức tạp. Sau khi Washington sát hại Thiếu tướng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani trên đất Iraq hôm 3/1, Tehran đã tấn công, trực tiếp và gián tiếp, ba lần vào căn cứ đồn trú lính Mỹ tại Iraq ở Erbil, Taji và Al Balad trong chưa đầy hai tuần; căng thẳng song phương nhiều khả năng kéo dài và quyết liệt hơn.
Tiêu điểm chuyến thăm lần này của ông Sergey Lavrov là tham dự và phát biểu tại Đối thoại Raisina ở Delhi, nơi quy tụ nhiều quan chức cấp cao nhiều nước, trong đó có Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif và Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells. Iran đang là tâm điểm của cộng đồng quốc tế và phát biểu của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tại Đối thoại Raisina được chú ý hơn cả.
Ông khẳng định tình hình khu vực đang “rất nguy hiểm”; Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) là thỏa thuận tốt nhất có thể hình dung được; tố cáo “những con người ngạo mạn đã khơi mào bất ổn”; cho biết “sẵn sàng đảo ngược những động thái trước đó nếu EU tuân thủ cam kết”.
Quan trọng hơn, cả ông Zarif và ông Lavrov đã hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Subrahmanyam Jaishankar, song chưa rõ liệu Ngoại trưởng Nga và Iran có hội đàm không. Tại Đối thoại Raisina, ông Zarif thể hiện thiện chí giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao, song chưa muốn đàm phán với Mỹ; như vậy, Ngoại trưởng Iran “đánh tiếng” sẵn lòng đối thoại với đối tác khác và trong đó chắc chắn có Nga, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí là Ấn Độ. Nếu Đối thoại Raisina trở thành nơi khởi đầu của một tiến trình hòa giải có sự góp mặt của Ấn Độ, điều này sẽ tác động tích cực, nâng tầm vị thế của Đối thoại do New Delhi chủ trì.
Thứ hai, quan hệ Nga - Ấn Độ có nhiều bước tiến lớn trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, quyết định phê chuẩn hợp đồng mua vũ khí hải quân trị giá 1 tỷ USD từ Washington của New Delhi khiến gặp gỡ song phương giữa hai Ngoại trưởng Nga và Ấn Độ gai góc hơn chút. Tuy nhiên, điều đó không thể cản Ngoại trưởng Nga nói những “lời có cánh” về Ấn Độ.
Tại Đối thoại Raisina, ông Sergey Lavrov cam kết thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với Ấn Độ, đồng thời cho rằng với tốc độ phát triển nhanh, vị thế quan trọng, Ấn Độ và Brazil “nên là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Thứ ba, Ngoại trưởng Nga và Ấn Độ đã thảo luận về mối quan tâm chung tại khu vực hiện nay, đặc biệt là quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ - Pakistan. Thượng đỉnh không chính thức giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy quan hệ song phương, dù đã cải thiện, vẫn tồn tại bất đồng về lợi ích chiến lược.
Sau khi New Delhi bãi bỏ điều 370 về cơ chế tự trị của khu vực tranh chấp Jammu và Kashmir cuối tháng Mười, quan hệ Ấn Độ - Pakistan đã hạ nhiệt, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nga là quốc gia duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ công khai hành động “hợp hiến” của Ấn Độ; tin rằng Ấn Độ và Pakistan nên giải quyết tồn tại qua đối thoại, trên cơ sở thỏa thuận Simla, tuyên bố Lahore.
Đây là dịp để ông Lavrov khẳng định sự ủng hộ của Nga về chủ quyền của Ấn Độ với khu vực tranh chấp, củng cố quan hệ song phương, cùng giải quyết các vấn đề nóng của khu vực và thế giới.