Khác với một số lần, năm nay, Ngọc Hoàng đi theo tuyến khác lạ và lịch trình cũng được giữ bí mật đến phút chót. Vốn không tin những báo cáo cũ mèm lại hay phóng đại của các Táo, Ngài nghiên cứu kỹ tình hình hạ giới trước khi hạ cánh xuống Vân Đồn.
1 Địa danh Vân Đồn vốn nổi như cồn trong suốt năm qua. Từ một cánh đồng nuôi vịt nay đã trở thành một sân bay hiện đại bậc nhất Đông Dương. Điều kinh ngạc là sân bay này lại do tư nhân đầu tư và hoàn thành trong thời gian kỷ lục, nhanh hơn nhiều so với thời gian hội thảo mở rộng hoặc làm mới các sân bay khác do doanh nghiệp nhà nước chủ trì. Vân Đồn còn được một số báo chọn là sự kiện kinh tế của năm chỉ vì Quốc hội quyết định lùi thông qua nghị quyết xây dựng đặc khu kinh tế.
Chuyện còn dài lắm nhưng Ngọc Hoàng ưng ý nhất vẫn là sự đổi thay kỳ diệu của Quảng Ninh, chỉ trong một ngày đã khánh thành ba công trình hoành tráng: sân bay, cảng tàu du lịch cỡ lớn và đường cao tốc kết nối hai nơi này - đều do Sun Group đầu tư. Ngọc Hoàng mừng lắm bởi lần đầu gặp lại các tiên nữ cảm mến đất này đã triệu năm có lẻ gắn bó với nước Nam làm nên một Hạ Long huyền thoại. Mừng hơn nữa là từ nay nhờ cảng và sân bay mới, con cháu Lạc Hồng kẻ từ rừng, người từ biển sẽ dễ dàng hội ngộ.
Thật bất ngờ, Ngài lại gặp Bút Trúc sau nhiều tháng xa cách vẫn trung thành với nghề môi giới bất động sản với nét mặt như “mất sổ gạo” vì mua đất lúc đang sốt nay ế ẩm. Rõ là dịp may để Ngọc Hoàng trực tiếp trao đổi với đệ tử về thế sự. Bút Trúc hả hê khoe giấc mơ bình luận trận cầu chung kết Đông Nam Á sau 10 năm đã thành hiện thực. Ngọc Hoàng vui vì chưa bao giờ ở nước Nam cờ đỏ sao vàng đổ ra đường nhiều đến thế. Ngài tâm đắc: cũng là các cầu thủ giỏi nhưng dưới tay người thầy tài ba, mọi việc khác ngay, nên khuyến khích những đứa con mang hai dòng máu như Văn Lâm về phục vụ đất nước.
Chuyển sang vấn đề cốt lõi, Bút Trúc nói trôi chảy như đã học thuộc lòng:
Vượt qua năm Mậu Tuất đầy bất ổn và bất định, nước Nam đã bứt phá ngoạn mục không ngờ. Trọn gói 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt, đáng chú ý là tăng trưởng GDP đạt 7,08% - mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng quan trọng không kém là kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%. Năm 2018 ghi nhận hàng loạt kỷ lục mới. Từ kỷ lục về kim ngạch xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất siêu, đến kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới, kỷ lục dự trữ ngoại hối, kỷ lục thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam… Tất cả vẽ lên bức tranh đẹp, toàn cảnh về kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018.
Ngọc Hoàng chăm chú nghe chứ không ngắt lời Bút Trúc như những lần khác, thậm chí còn gật gù tán thưởng. Ngài chỉ gợi mở đôi điều để mọi người suy nghĩ: nếu tính đúng, GDP tăng cao thật đấy, nhưng trong bối cảnh nguồn ngân sách không tăng, tốc độ tín dụng giảm, nghĩa là chỉ còn trông cậy vào nguồn FDI. Thu nhập tính theo đầu người không tăng tương ứng vì còn trừ bớt vào túi của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Có vị giáo sư còn nói tăng trưởng dựa vào FDI tức là tăng trưởng “hộ” nước ngoài. Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhưng phần đóng góp của các doanh nghiệp FDI chiếm quá nửa. Ai cũng rõ tầm quan trọng của FDI giúp nước Nam khởi sắc ra sao nhưng nay là lúc không thể thu hút FDI bằng mọi giá mà phải chuyển sang FDI thế hệ mới và phải quan tâm tới các dự án theo phương thức mua bán - sáp nhập theo hướng mà Vingroup đang phát triển lĩnh vực ô tô và điện thoại thông minh.
Thật may, Ngọc Hoàng xuống hạ giới lần này khi người châu Âu và thế giới vẫn dùng tiếng Anh chứ không như dự báo của vài vị cao nhân nước Nam rằng vì Brexit, châu Âu không xài tiếng Anh nữa. Vì thế, Ngài vẫn đọc được một số nhận định của các quan chức nước ngoài tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam vừa tổ chức, rằng: “Việt Nam vẫn là một nền kinh tế quy mô nhỏ và đi sau trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thứ hạng của Việt Nam theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp thứ 90. Đáng lo hơn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng áp dụng công nghệ 4.0”. Ngọc Hoàng cau có: “lạ thật, ở nước Nam, đi đâu cũng nghe bàn về 4.0 cơ mà, có lẽ đang thiếu cơ chế vận hành, hệ sinh thái và quan trọng là chưa đủ người am hiểu 4.0. Nghe đồn có cả vị tướng phụ trách công nghệ cao mà không biết dùng máy tính. Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nước Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về hội nhập, cái gì cũng khá lên... nhưng tụt hậu vẫn hoàn tụt hậu. Vai trò của giáo dục ở đâu? Ngành giáo dục vẫn đang nghiên cứu “triết lý giáo dục” và cùng với đó là 39 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước! Mấy năm nay, Ngọc Hoàng rầu mình vì Bộ Học nhiều tai tiếng đến mức một thầy đồ phải phịa ra chuyện nhặt được của rơi trả người bị mất nhằm vớt vát chút tiếng thơm cho Ngành.
2 Về đại thể, kinh tế nước Nam sáng sủa khi cả địa cầu trầm lắng. Không chỉ có Mỹ và Trung Quốc mà kinh tế thế giới đang cảm nhận rõ tác động tiêu cực từ những căng thẳng thương mại. Khối lượng thương mại toàn cầu có thể suy giảm hơn nữa trong lúc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới loay hoay tìm giải pháp. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, cái gốc căng thẳng Mỹ - Trung là cuộc so găng của một cường quốc đang yếu thế và một cường quốc đang muốn chiếm ngôi đầu. Cùng với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, chiến lược “Made in China 2025” đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Trật tự kinh tế thế giới và các luật chơi sẽ còn thay đổi, quá trình toàn cầu hóa sẽ ra sao, vai trò của WTO và các thể chế quốc tế khác sẽ như thế nào?... là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Thôi, tạm thời hãy quan tâm tới khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1/3, kết thúc thời hạn 90 ngày “ngừng bắn”.
Kinh tế tụt giảm là điều đáng lo ngại nhưng sợ nhất là các vấn đề xã hội đang nổi lên từ khắp mọi nơi mọi nước, là quả bom nổ chậm rồi nạn áo tím, áo vàng không của riêng ai. Nhân dịp Giáng sinh, Giáo Hoàng đã viết: “Rối ren đang xảy ra là do phân hóa giàu nghèo”.
Người ta hy vọng thương mại toàn cầu và các chuỗi giá trị đang dịch chuyển và Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ quá trình này. Nhưng tất cả mới chỉ là cơ hội. Đêm đó, Ngọc Hoàng lại viết trên Twitter: Ở nước Nam có nhiều chuyện lạ: khi nịnh ta, hoặc trốn trách nhiệm họ có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nhưng khi thành đạt họ lại bảo: “Xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều”. Có điều chắc chắn là một số người làm chính sách đã hại nước Nam. Sự nhiệt tình và kém hiểu biết đã biến họ thành kẻ phá hoại. Đến như Bút Trúc chữ nghĩa đầy mình thế mà hắn còn khoe với ta là nước Nam có nhiều sáng kiến hay lắm kiểu như đổi tên trạm thu phí thành thu giá, thay tên Bưu điện Bờ Hồ hoặc làm mái chống mưa cho đường cao tốc để tránh hỏng đường... Có tin ở nước Nam có tới 30 % công chức sáng vác ô đi tối vác về. Như thế trong họa lại có may chứ chừng ấy người mà lại ngồi phòng lạnh để đề xuất những chính sách trên trời thì tai họa biết chừng nào. Thật mừng là hiện nay nước Nam đang quyết liệt sắp xếp lại tổ chức và tinh giản biên chế.
Năm Kỷ Hợi đang ủn ỉn đến rồi, nước Nam phải làm gì để “ứng vạn biến”. Ở cái thế các voi các hổ gầm ghè nhau, lợn vàng phải “biết” mới sống được. Biết người, biết ta, biết thời thế và dĩ nhiên không thể cầm đèn chạy trước ôtô, càng không thể ngồi chờ sung rụng. Có bậc tiên sinh (1) đã chỉ giáo: “Để giảm bớt 'chấn thương' trong bối cảnh cuộc chiến thương mại hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào ba vấn đề. Thứ nhất, gia tăng nội lực bản thân trong khi hết sức tích cực tranh thủ nguồn lực thế giới. Thứ hai, tiếp tục cùng cộng đồng thế giới trong đó tự do hóa thương mại là chủ yếu. Thứ ba, thích nghi với thay đổi”.
Trước nhiều bất định trong tương lai, không thể nào chốt chỉ tiêu cụ thể được. Phải tìm mọi cách tránh tác động của chiến tranh thương mại, chuẩn bị sẵn sàng mọi kịch bản có thể xảy ra để giảm thiểu chấn thương. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đều tạo ra mô hình phát triển mới, thì trong cuộc cuộc cách mạng này, Việt Nam cũng sẽ phải chọn lựa một mô hình thích hợp, trong đó nhân tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực. Một trong những dư địa còn khai thác được là phát triển kinh tế tư nhân, chuyển dịch khu vực phi chính thức thành chính thức và tăng quy mô khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
Ngọc Hoàng mừng lắm vì năm qua nhiều vụ trọng án đã được lôi ra ánh sáng. Đã tìm ra nhiều vụ quan chức đi đêm cùng xã hội đen tạo nên một thế lực mới mà dân gian gọi là “giai cấp cổ cồn đen”. Chưa bao giờ trong lịch sử nước Nam, số quan to phải vào lò hỏa thiêu nhiều đến thế. Thử hỏi nếu những “con chuột” bự này không bị trừ khử để chúng kết bè cánh và ngồi vào các ghế chóp bu của triều đình, nước Nam sẽ đi đến đâu? Thú thật, lúc đầu Ngọc Hoàng lo lắm bởi cách chức hết công bộc thì lấy ai mà làm việc. Nay đã thấy loại bỏ bầy sâu bọ và vi rút độc hại, bộ máy tốt hơn hẳn. Nỗi e ngại đánh chuột sợ vỡ bình quí cũng tiêu tan bởi nếu không lũ chuột thành tinh sẽ làm vỡ cả bình kim cương. Ngọc Hoàng vui vì hạ giới mấy năm nay có câu nói cửa miệng là “Ơn Trời…”. Nhưng Ngài cũng buồn lắm vì đâu đó vẫn còn tiếng kêu than và trách móc kiểu “Trời không có mắt”…
3 Sự thể là từ khi về hưu, Bút Trúc đã chuyển nghề mấy lần. Viết báo thì chẳng ai đăng, đầu tư bất động sản thì ế ẩm, chơi chứng khoán thì thua lỗ. Nay, Bút Trúc lại tính khởi nghiệp nghề làm chổi đót và trồng cây cảnh. Tuy vẫn liên hệ thường xuyên trên Fabook nhưng được găp nhau tay bắt mặt mừng với Bút Trúc, nhất là gần kỷ niệm năm thứ 30 ngày ra đời Báo TG&VN, Ngọc Hoàng vô cùng cảm động. Ngài chúc Bút Trúc (2) năm Kỷ Hợi làm nghề gì cũng được nhưng chớ có mượn đầu heo nấu cháo, đừng lười biếng nằm đợi để ăn…
Vì có chủ trương cấp dưới không được nịnh cấp trên nên năm nay, Bút Trúc không dùng những lời có cánh với Ngọc Hoàng. Việc cấm biếu quà làm Ngài sung sướng lắm vì không phải tay xách nách mang bay về trời như mọi năm. Tuy nhiên, Bút Trúc cũng kịp dặn bạn hữu rằng có ai lì xì cho các tiên nữ thì thời 4.0 nên gửi bằng bitcoin theo tài khoản 101010… và lặp lại dài vô tận. Bút Trúc lại gạ Ngọc Hoàng làm thơ như mọi Tết nhưng Ngài cân nhắc bởi mới nghe một nhà thơ đáng kính (3) nói rằng:
“Xưa ra ngõ gặp anh hùng
Nay đến khắp vùng đều gặp nhà thơ
Ông, bà, kể cả cậu, cô
Hàng ngàn câu lạc bộ thơ ra đời”…
Và nghe đâu nhà thơ Trần Đăng Khoa còn đề nghị Bộ Y tế có thuốc đặc trị cai thơ! Ngọc Hoàng đăm chiêu lắm nhưng rồi bỗng nhiên Ngài cao hứng, không thơ thì vè vậy:
Không đi không biết Vân Đồn
Đi rồi mới thấy tâm hồn thảnh thơi
“Mong rằng đừng cai thơ tôi.
Nhưng thơ vô cảm lỗi thời thì cai!”
Xuân sang nhớ cảnh bồng lai
Chúc dân đất Việt phát tài, an khang…
Sang năm Kỷ Hợi lợn vàng
Kết đoàn, thắng lợi xuân càng thêm xuân.
1 Trích ý kiến của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
2 Một trong những bút danh của Ts Nguyễn Xuân Nho, xin xem thêm 9 bài viết khác về Ngọc Hoàng đăng trên các số báo Tết TG&VN từ 2009...
3 Nhà ngoại giao Văn Thọ, thành viên tổ thơ CLB Thơ hưu trí Bộ Ngoại giao.