Nhỏ Bình thường Lớn

Ngôi sao đã đi xa, nhưng vầng sáng còn mãi: Những bài học của bác Vũ Khoan cho thế hệ sau

Sự ra đi của bác Vũ Khoan là sự mất mát lớn cho đất nước, ngành Ngoại giao, và cho mỗi cá nhân trong ngành, nhưng di sản về trí tuệ và nhân cách của bác sẽ còn mãi.
Bác Vũ Khoan: Ngôi sao đã đi xa, nhưng vầng sáng còn mãi
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ tại một Hội thảo ở Học viện Ngoại giao năm 2019.

Mỗi khi nhắc đến nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, những người cùng thế hệ tôi trong ngành Ngoại giao thường đều sử dụng cách xưng hô đơn giản là “bác Vũ Khoan”. Không chỉ các cán bộ kỳ cựu đang công tác trong ngành Ngoại giao, ngay cả những cán bộ trẻ mới vào ngành, thậm chí nhiều bạn sinh viên của Học viện Ngoại giao cũng luôn có cách gọi rất thân quen và gần gũi riêng với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Thế hệ cán bộ ngoại giao hậu bối như chúng tôi không có nhiều cơ hội được gặp bác Vũ Khoan. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tận dụng những dịp bác đến dự các tọa đàm, sự kiện của Bộ và của Học viện Ngoại giao để lắng nghe, học hỏi từ bác. Những bài viết và sách của bác luôn là nguồn tài liệu vô giá để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm. Chúng tôi thường nói với nhau rằng, mỗi lần được nghe các bậc tiền bối như bác Vũ Khoan chia sẻ là bằng cả vài năm tích lũy kinh nghiệm.

Tin liên quan
Nhớ chú Vũ Khoan! Nhớ chú Vũ Khoan!

Bài học đầu tiên bác Vũ Khoan để lại cho chúng tôi là phải chủ động rèn luyện phong cách con người. Những ai từng gặp sẽ đều luôn ấn tượng với con người của bác: đó là sự gần gũi, giản dị, nhưng toát lên một phong cách ngoại giao chuyên nghiệp, có chiều sâu và đi vào lòng người, tự tin và bản lĩnh, luôn làm chủ mọi tình huống.

Dù tiếp xúc với chính khách nước ngoài, lãnh đạo cấp cao, các cán bộ trẻ hay sinh viên, bác Vũ Khoan đều chủ động xóa nhòa khoảng cách, mang lại cảm giác ấm áp với mọi người. Đó không phải là kỹ năng “lấy lòng”, mà là sự tương tác từ cái tâm đến cái tâm. Ngoại giao tâm công là đấy.

Đi cùng cái tâm đó, bài học thứ hai mà bác Vũ Khoan để lại cho chúng tôi là cần có tinh thần thẳng thắn, dám nêu suy nghĩ của mình vì mục đích chung. Trong các buổi tọa đàm, bác không ngại, nhiều khi còn chủ động nêu ý kiến phản biện, thậm chí đôi khi đi ngược lại với quan điểm chung của số đông.

Tuy nhiên, bác không dùng “cái uy” của mình đã lấn át mọi người, mà luôn thuyết phục bằng lập luận, quan điểm, tư duy phản biện sâu sắc, lật đi lật lại vấn đề. Có lẽ, chính vì thế, ngay cả khi đã nghỉ từ rất lâu, bác Vũ Khoan vẫn là một trong những chỗ dựa chuyên môn của nhiều bên khi cần được chỉ dẫn hay phản biện một vấn đề nghiên cứu hay chính sách quan trọng.

Nhưng để phản biện, nêu ý kiến thì cần rèn luyện phương pháp. Đó là Bài học thứ ba. “Phương pháp Vũ Khoan” bao gồm việc nói và viết mang tính tổng hợp cao, súc tích ngắn gọn nhưng dễ hiểu, biến cái phức tạp thành cái đơn giản, nhìn thấy rừng chứ không chỉ thấy mỗi cây, để người nghe dễ nắm bắt, dễ tiếp thu.

Trong nghiên cứu, bác luôn tìm cách nhìn ra bản chất của vấn đề, quan tâm tới dự báo, nhìn toàn diện về thế giới, luôn lưu ý đặt Việt Nam trong biến động của thế giới. Để được như vậy, có lẽ bác đã phải rèn luyện rất nhiều, đặt cái tâm của mình vào công việc nghiên cứu rất nhiều. Những tư duy và phương pháp của bác Vũ Khoan rất quan trọng cho thế hệ sau như chúng tôi trong thời đại thông tin quá tải như hiện nay.

Bài học thứ tư là bên cạnh rèn luyện về phương pháp, cần liên tục tích lũy kiến thức. Bác Vũ Khoan là tấm gương không chấp nhận thỏa hiệp với thành tựu cũ, mà luôn tự phản biện, không ngừng học hỏi, đặc biệt không ngại những vấn đề khó, ngay cả những vấn đề mới ngoài chuyên môn và thói quen cũ. Dù có kiến thức và kinh nghiệm uyên thâm, bác vẫn luôn cởi mở và chủ động hỏi người khác, dù họ ở vị trí thấp hơn hay là thế hệ sau rất nhiều. Bác luôn quan sát từ thực tiễn, cuộc sống và công việc để mài dũa kỹ năng, phương pháp và kiến thức phục vụ công việc. Dù khi còn ở cương vị cao hay ngay cả lúc đã về nghỉ, bác Vũ Khoan vẫn luôn tự học, tự làm, tự viết.

Thứ năm, có lẽ cũng không phải cuối cùng, đó là bài học về nuôi dưỡng tâm huyết và cống hiến. Trong suốt sự nghiệp, bác Vũ Khoan đã đóng góp hết mình, từ nhiệm vụ lớn của Đất nước và của ngành, đến những công việc thầm lặng như gặp gỡ thế hệ sau, trao đổi với sinh viên. Là người rất tâm huyết và tình cảm với ngành Ngoại giao, bác đã gắn bó và cống hiến cho tới tận cuối đời. Hai vợ chồng bác và người con trai đều gắn bó với ngành ngoại giao và được đồng nghiệp, các thế hệ cán bộ quý trọng. Lớp lớp cán bộ ngoại giao trẻ rất ngưỡng mộ, khâm phục và biết ơn bác Vũ Khoan về những đóng góp cho ngành và về tình cảm, sự tận tâm, dành thời gian và công sức của bác cho thế hệ đi sau.

Cuối năm 2021, nhân dịp Hội nghị đối ngoại toàn quốc, bác Vũ Khoan từng tổng kết bốn cụm đặc trưng nổi bật của văn hóa đối ngoại; đó là: “kiên định trong mục tiêu, nhân văn trong cốt cách, rộng mở trong tinh thần và linh hoạt trong hành động”. Chúng ta thấy được đây cũng là những đặc trưng toát lên từ con người và sự nghiệp của bác. Không sai nếu nói rằng, bác Vũ Khoan chính là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của con người ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.

Một ngôi sao lớn đã đi xa, nhưng vầng sáng vẫn còn mãi. Bác Vũ Khoan đã yên nghỉ. Đây là sự mất mát lớn cho đất nước, ngành Ngoại giao, và cho mỗi cá nhân người làm ngoại giao. Thế nhưng, những di sản về trí tuệ và nhân cách của bác Vũ Khoan sẽ còn mãi để các thế hệ đi sau như chúng tôi cùng nhìn vào, soi lại chính mình, không ngừng rèn luyện bản thân, nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp phần mình vào sự nghiệp chung của ngành và của đất nước. Vầng sáng mà ngôi sao đã đi xa ấy để lại vẫn luôn là giá trị lớn lao đối với chúng tôi trên mỗi bước đường trưởng thành trong ngành Ngoại giao.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đôi điều mong mỏi về Ngoại giao và Báo chí

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đôi điều mong mỏi về Ngoại giao và Báo chí

Có thể nói, ngoại giao và báo chí (nói đúng ra là các phương tiện truyền thông đại chúng-mass media) vốn là anh em song ...

'Vòng ngoài Paris'

'Vòng ngoài Paris'

Đúng trưa ngày 30/4/1975, khi được tin giải phóng Sài Gòn, mọi người ùa ra phố hò reo nhẩy múa mừng hòa bình, mừng thống ...

Lại bàn về hội nhập: Đòi hỏi 'tái nhận diện' bức tranh toàn cảnh, tối đa hóa lợi ích phục vụ phát triển

Lại bàn về hội nhập: Đòi hỏi 'tái nhận diện' bức tranh toàn cảnh, tối đa hóa lợi ích phục vụ phát triển

Trong mấy chục năm qua, từ “hội nhập” có lẽ là một trong những từ khóa phổ cập nhất ở nước ta. Tuy nhiên phải ...

Chú Vũ Khoan: Câu chuyện nhỏ về một tầm vóc lớn

Chú Vũ Khoan: Câu chuyện nhỏ về một tầm vóc lớn

Chú Vũ Khoan rất yêu nghề dịch, dân phiên dịch chúng tôi ngồi với chú luôn có cảm giác gần gũi như người nhà...

GS. TS. Nguyễn Thái Yên Hương: Không biết bao giờ chúng tôi lại có một người Thầy như thế!

GS. TS. Nguyễn Thái Yên Hương: Không biết bao giờ chúng tôi lại có một người Thầy như thế!

LTS: Thương tiếc người thầy của nhiều thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại, GS. TS. Nguyễn Thái Yên Hương, nguyên Phó giám ...