📞

"Người đàn ông ngoại giao” của nước Mỹ

19:40 | 15/09/2016
Trong con người một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam ấy có một nỗ lực ngoại giao bền bỉ, sự làm việc không mệt mỏi và một niềm tin mãnh liệt để đem lại nền hòa bình cho thế giới.

Kể từ khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ hơn 3 năm trước, ông John Kerry đã trở thành người đàn ông mang nhiều sứ mệnh của nước Mỹ. Thời gian qua, ông liên tục có những chuyến đi khắp thế giới để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho những vấn đề khó khăn nhất.

Ông John Kerry lên máy bay chuẩn bị tới Geneva, Thụy Sĩ ngày 8/9. (Nguồn: the New York Times)

Ông đã không thành công hơn so với những người tiền nhiệm của mình trong việc đảm bảo một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Nhưng nếu không có sự kiên trì của ông, thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran vào năm 2015 và thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu cuối tháng 12/2015 tại Paris gần như không thể đạt được.

Đặc biệt, thỏa thuận ngừng bắn ở Syria mà ông Kerry đã đàm phán trong tuần qua với Nga cũng có thể được coi là chiến tích trong sự nghiệp đối ngoại của ông. Thỏa thuận góp phần chấm dứt bạo lực đã giết chết hơn 400.000 người Syria và rất nhiều người dân còn đang sống trong cảnh thiếu lương thực, nước và y tế.

Mặc dù vậy, thỏa thuận cũng có thể “chết yểu” như thỏa thuận ngừng bắn trước đó. Thành công của thỏa thuận lần này phụ thuộc vào sự hợp tác của Nga, một nhân tố quan trọng trong vấn đề Syria và là bên ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thỏa thuận hiện gặp phải một số chỉ trích mạnh mẽ bên trong chính quyền của Tổng thống Obama, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter. Vừa qua, các quan chức Lầu Năm Góc từ chối cho biết liệu họ có tuân thủ hay không thỏa thuận, theo đó kêu gọi Mỹ chia sẻ thông tin với Nga về các mục tiêu tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Đây sẽ là một sự hợp tác rủi ro và có thể làm lộ những bí mật quốc phòng của Mỹ.

Những chỉ trích như vậy không phải là hiếm hoi trong giới các chuyên gia bên ngoài cũng như các quan chức chính quyền Mỹ, những người tin rằng ông Kerry thường theo đuổi mục tiêu khó đạt được và mang lại kết quả không như mong muốn.

Song không thể phủ nhận trong con người một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam âycó một nỗ lực ngoại giao bền bỉ, sự làm việc không mệt mỏi và một niềm tin mãnh liệt để đem lại nền hòa bình cho thế giới.

Ngay cả khi Tổng thống Obama tìm cách để nước Mỹ không vướng phải những cuộc can dự quân sự mới, ông Kerry vẫn quyết tâm đưa nước Mỹ đi đầu trong các nỗ lực ngoại giao, hướng tới các giải pháp mang tính xây dựng cho các vấn đề nan giải của thế giới. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào ông Kerry cũng thành công. Thế nhưng, ông rất chủ động để bù đắp cho những khiếm khuyết đó của mình. Chẳng hạn như khi thất bại trong việc thuyết phục Tổng thống Obama gây áp lực quân sự nhiều hơn tại Syria, ông đã cố gắng hết mình trên mặt trận ngoại giao để giải quyết tình trạng chiến tranh tại nước này.

Cụ thể, sau khi ông Obama đưa ra quyết định vào năm 2013 với nội dung chống lại việc ném bom Syria và sử dụng vũ khí hóa học tác động tới dân thường, Ngoại trưởng Kerry đã đề xuất một thỏa thuận với Nga nhằm loại bỏ vũ khí hóa học ra khỏi Syria. Để có được lệnh ngừng bắn vừa qua, ông đã cảnh báo chính quyền của Tổng thống Putin rằng nếu bạo lực tại Syria không chấm dứt, Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác sẽ gửi thêm vũ khí cho các nhóm nổi dậy.

Ông Kerry luôn khẳng định rằng bản thân không phải là người phi thực tế, đồng thời luôn lạc quan về năng lực làm đối ngoại của mình. Ông cũng ý thức được khả năng Nga sẽ không hợp tác và lệnh ngừng bắn có thể sụp đổ. Nhưng có lẽ mọi tâm huyết và tấm lòng của ông nằm trong câu nói: "Có thể đây là cơ hội cuối cùng, chúng ta phải bảo vệ một Syria thống nhất". Ông Kerry xứng đáng nhận được sự tin cậy từ mọi người cho những nỗ lực tại Syria.

(theo New York Times)