📞

Người đồng hành với học sinh không thay đổi, triết lý giáo dục vẫn sẽ 'vẽ trên giấy'?

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương* 15:57 | 24/08/2021
Dù triết lý giáo dục tốt, đúng đắn nhưng thầy cô giáo lẫn cha mẹ không thay đổi tư duy thì những triết lý giáo dục đó vẫn sẽ chỉ 'vẽ trên giấy', không bao giờ trở thành hiện thực.
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương nhận định, dù triết lý giáo dục tốt nhưng người đồng hành không thay đổi tư duy thì những triết lý đó vẫn không trở thành hiện thực.

Từ gánh nặng thi cử

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra với nhiều áp lực giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát. Sẽ có nhiều bạn trẻ được bước chân vào cánh cổng đại học nhưng cũng có không ít bạn phải tìm con đường khác. Thực tế, qua các kỳ thi ở các cấp học nhiều năm trở lại đây, có thể thấy áp lực thi cử đè lên vai trẻ khá lớn.

Trước đây, dư luận từng lên tiếng, bức xúc khi có ông bố phạt con vì điểm thấp, bà mẹ phạt quỳ con vì thi trượt. Đó không phải chuyện hiếm và thực trạng đó là điển hình của tư duy đặt nặng thành tích thi cử diễn ra trong nền giáo dục nhiều năm nay.

Nghĩa là, việc học của học sinh dường như bị chi phối bởi một mục tiêu rất lớn, đó là học để thi, để lấy tấm bằng chứ không phải để khai phóng bản thân mình hay để tìm kiếm niềm vui trong việc học.

Nói đúng hơn, gần như kỳ thi có thể là thứ quyết định số phận của một con người cho dù biết bao nỗ lực, bao phấn đấu trong quá trình nhưng đôi khi những nỗ lực đó hoàn toàn có thể bị phủ nhận chỉ vì một chút không may mắn.

Tôi không có ý nói là những kỳ thi không cần thiết. Thực ra, trong nền giáo dục nào cũng cần những hoạt động đánh giá, thi cử để theo dõi sự phát triển cũng như đánh giá sự tiến bộ của học sinh qua từng ngày và tổng kết thành quả theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, nếu kỳ thi không giúp các em tự hoàn thiện, giúp các em có được nhận định, gợi ý thì việc học chỉ mang áp lực.

Vậy mục đích cuối cùng của thi cử là gì? Nếu coi việc thi cử là mục đích cuối cùng của một con người thì chúng ta đang đi sai hướng. Ngược lại, nếu coi thi cử là công cụ, là phương tiện để giúp học sinh có được sự đo lường tích cực, từ đó nâng cao bản thân và có thêm động lực để vươn lên thành tích cao hơn, khi đó thi cử mới thực sự có ý nghĩa.

Trẻ đang phải gánh quá nhiều áp lực trên vai từ kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, nhà trường và định kiến của xã hội. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Chúng ta thường dễ dàng phán xét các ông bố, bà mẹ hà khắc khi phạt con vì không đạt được kết quả cao trong kỳ thi. Nhưng nếu nhìn rộng ra sẽ thấy, khi trong xã hội, thang đo chung về thành công của cả nền giáo dục, của xã hội gói gọn bởi những kỳ thi, tự nhiên nó sẽ trở thành chuẩn mực của các bậc phụ huynh hướng tới. Bởi vì, họ không có công cụ nào để đo lường sự thành công của con em mình. Hầu hết các bậc phụ huynh hiện nay đều chịu sự chi phối rất lớn về những tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra.

Ví dụ, xã hội coi trọng chuyện thi cử, tất nhiên cha mẹ cũng sẽ coi trọng thi cử. Nếu xã hội coi trọng thành công của một người là việc làm, là số tiền người đó kiếm ra, tự nhiên nhận thức xã hội đó sẽ trở thành thế lực vô hình chi phối tất cả.

Giả sử các bậc phụ huynh được sống trong một xã hội đề cao, coi trọng việc đọc sách, hẳn họ sẽ muốn con mình được đọc sách nhiều hơn. Nếu trong xã hội với thang đo thành công từ việc đóng góp cho cộng đồng, thực hiện ước mơ theo đuổi những sở thích riêng thì phụ huynh sẽ xem đó là tiêu chuẩn để nhận định, đo đếm sự phát triển của con em mình.

Cho nên, nhiều bậc phụ huynh cũng là nạn nhân của một xã hội rất coi trọng điểm số, thi cử, thành tích. Có thể họ được trưởng thành ở trong một môi trường với những thang đo như vậy và áp đặt lên con em mình.

Sẽ là không công bằng nếu quy trách nhiệm cho những bậc làm cha, làm mẹ. Không phải ai cũng có cơ hội được tiếp xúc với những triết lý giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới, để biết cách đưa ra định hướng cho con, đồng hành với con, tôn trọng và yêu thương con bằng cách thức động viên, tiếp sức.

Thực tế, rất nhiều bậc phụ huynh yêu con, dồn toàn bộ sự đầu tư, những chắt bóp quý giá nhất cho sự học của con. Cho nên, chúng ta không thể nói họ hà khắc với con là không yêu con. Thực tế, họ rất yêu con, có điều đó là tình yêu thương được dẫn dắt bởi triết lý giáo dục chưa đúng đắn, lại bị chi phối quá nhiều bởi những định kiến, những tiêu chuẩn cũ kỹ của xã hội.

Chân dung nền giáo dục được vẽ ra bởi màu sắc gói gọn trong những chữ: học lấy kiến thức, học lấy điểm số, học lấy điểm thi, học lấy thành tích. Câu chuyện này đã kéo dài trong nền giáo dục từ nhiều năm nay nhưng đến giờ gần như chưa thấy nhiều sự đổi mới trong triết lý giáo dục. Cho nên, muốn thay đổi từ gốc rễ, tôi nghĩ trước hết trách nhiệm này thuộc về những người dẫn dắt và kiến tạo nền giáo dục.

Làm sao để có "Học thật, thi thật, nhân tài thật"?

Mới đây mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật” được nhiều người kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt của ngành giáo dục. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ái ngại, bởi sẽ rất khó để tinh thần đó đi vào thực tế nếu bệnh thành tích vẫn còn tồn tại, vẫn "ăn sâu bám rễ" trong quan niệm của nhiều người.

Có lẽ, vẫn phải mất một thời gian khá lâu nữa chúng ta mới cải tổ được triết lý của nền giáo dục theo hướng việc học không phải nhồi nhét cho đầy kiến thức. Việc học là để trang bị cho mình những vốn sống, tri thức, giúp mình có năng lực thật khi ra đời. Hay đơn giản, học giúp chúng ta khám phá thêm một lĩnh vực nào đó yêu thích, tìm thấy bản thân mình ở lĩnh vực đó, vậy mới gọi là học thật.

"Thi thật" không phải để lấy con số 99% học sinh đều tốt nghiệp, cũng không phải các em sẽ “bán sống bán chết” cho các kỳ thi để vào được các trường ở top 1, top 2 nhưng sau đó khi ra đời hoàn toàn thiếu những tư duy cần thiết của một con người khi trưởng thành, như tư duy phản biện, tư duy sáng tạo.

Bản thân không ít doanh nghiệp vẫn phàn nàn chuyện thiếu con người có thể giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp đó. Vậy những kỳ thi đã thực sự đo lường đúng năng lực của một con người chưa? Kỳ thi đã giúp các em biết trân trọng thế mạnh của bản thân mình và thắp thêm động lực để theo đuổi chuẩn mực tốt hơn không? Hay thi cử đang gieo cho các em thêm những áp lực?

"Nhân tài thật" là gì, có phải những em đạt được điểm cao nhất ở các kỳ thi nhưng hoàn toàn thiếu đi những con người giải quyết tốt vấn đề trong thực tế? Có thể nói, "học thật, thi thật, nhân tài thật" chính là câu chuyện dài.

Người đồng hành không thay đổi, triết lý giáo dục sẽ "nằm trên giấy"

Tôi nghĩ, việc đào tạo cho những người đồng hành cùng các em, bao gồm giáo viên, cha mẹ là vấn đề đáng quan tâm. Chúng ta nói đến cải cách nền giáo dục thường là cải tổ chương trình, cải tổ phương pháp thi cử.

Nhưng việc học của các em được dìu dắt như thế nào lại nằm trong tay người đồng hành là giáo viên và cha mẹ học sinh. Dù triết lý giáo dục tốt, đúng đắn nhưng thầy cô giáo lẫn cha mẹ không thay đổi tư duy thì những triết lý giáo dục đó vẫn sẽ chỉ "vẽ trên giấy", không bao giờ trở thành hiện thực. Do vậy, cần những hoạt động để đào tạo giáo viên, cha mẹ theo triết lý mới, trang bị cho họ công cụ để thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm với con em mình theo đúng cách nhất.

Những ông bố, bà mẹ tức giận phạt con vì điểm kém, thi trượt là ví dụ điển hình của xung đột trong gia đình, khi đứa con không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ. Từ đó, cha mẹ không thể đáp ứng được kỳ vọng của nền giáo dục, gây ra những trầm uất, căng thẳng trong mối quan hệ của các thành viên. Cho nên, cha mẹ và giáo viên cần biết cách đồng hành với con em theo lối khai phóng hơn, thấu hiểu những khó khăn của con em mình trên sự tôn trọng.

Cho nên, theo tôi, chính giáo viên và các bậc cha mẹ cũng nên được đào tạo. Đây mới là mắt xích góp phần quyết định thành công của cuộc đổi mới giáo dục. Nếu chỉ chăm chăm đổi mới triết lý mà quên mất bản thân những người đồng hành cùng các em cũng rất cần thay đổi về tư duy sẽ là một thiếu sót không nhỏ.

*Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.

(ghi)