Báo chí Thái Lan viết về sự kiện Việt Nam mở Đại sứ quán tại Bangkok. |
40 năm sau ngày trở thành người ghi dấu ấn trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan với chuyến đi tới Bangkok tiếp quản toà đại sứ của chính quyền Sài Gòn, với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Đỗ Ngọc Dương, những gian truân, căng thẳng và tự hào ngày ấy vẫn vô cùng sống động. Trong căn nhà nhỏ trên con phố tĩnh lặng ở Hà Nội, vị Đại sứ gần 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, đã kể lại chuyến đi thượng cờ Tổ quốc tại Bangkok với giọng nói đầy hào sảng. Với ông, tất cả như mới chỉ vừa diễn ra ngày hôm qua.
Đại sứ Đỗ Ngọc Dương nhớ lại: Trước 1973, Thái Lan chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Thời điểm này, Mỹ đã mua lại một căn biệt thự rộng lớn của một nhà tư sản Thái làm nhà riêng cho Ngô Đình Diệm tại Bangkok. Căn nhà này nằm đối diện với nhà riêng của Đại sứ Mỹ tại Thái Lan trên đường Wireless.
Gian nan vì đảo chính
Sau khi chính phủ dân sự mới được thành lập ở Thái Lan năm 1973, Bangkok tỏ ra trung lập hơn trong các động thái với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và hai bên đã có những cuộc thảo luận để tiến hành trao đổi cơ quan đại diện ngoại giao, dù chưa đạt được kết quả mong muốn. Năm 1975, sau khi Việt Nam thống nhất, thực hiện công ước Vienna 1961, toà Đại sứ của Việt Nam Cộng hoà trên đường Wireless được Thái Lan niêm phong cũng như trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao của Thái Lan tại Sài Gòn được bảo vệ cẩn thận, cho đến khi Bangkok và Hà Nội đạt được các thoả thuận về trao đổi cơ quan đại diện.
Sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách Bốn điểm trong quan hệ với các nước Đông Nam Á. Để thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh đã mời Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Bhichai Rattakul thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 3-6/8/1976). Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký hai bản thông cáo chung, trong đó có thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại diện ở cấp Đại sứ. Tuy nhiên, khi hai bên chưa kịp tiến hành thoả thuận này thì tháng 10/1976, một cuộc đảo chính quân sự lại diễn ra tại Thái Lan khiến tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị gián đoạn.
Đến đầu năm 1978, nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Kriangsak Chomanan, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh đã có chuyến thăm chính thức tới Thái Lan (từ ngày 9-12/1/1978). Chuyến thăm đã đạt được kết quả tốt đẹp với nội dung bản Thông cáo chung hai nước ngày 12/1/1978, nêu rõ: Hai bên thỏa thuận sẽ lập Đại sứ quán và trao đổi Đại sứ càng sớm càng tốt.
Trọng trách người đi mở sứ quán
Khi Tết Nguyên đán Mậu Ngọ đã đến gõ cửa từng nhà, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh chỉ đạo Bộ Ngoại giao khẩn trương lập Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Ông nói: "Thái Lan có vị trí quan trọng ở khu vực và là cửa ngõ để ta tiến hành quan hệ với các nước khác ở Đông Nam Á và các nước phương Tây... Việc gì có thể làm được thì làm ngay vì mọi động thái trong quan hệ giữa ta và Thái Lan đều ảnh hưởng đến tình hình khu vực".
Thời gian này, sau khi hoàn thành nhiệm kỳ công tác Việt Nam tại Indonesia, ông Đỗ Ngọc Dương về nước và được giao làm Tổ trưởng Tổ Thái Lan, thuộc Vụ Đông Nam Á. Vì thế, ông được Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ làm Tham tán, Đại biện lâm thời Việt Nam tới Bangkok tiếp quản toà Đại sứ của Việt Nam Cộng hoà và mở Đại sứ quán Việt Nam tại đây. Hai tuần sau, việc chuẩn bị hoàn tất, ông Đỗ Ngọc Dương cùng sáu cán bộ khác lên đường sang Vientiane vào chiều 28 Tết và tới Bangkok vào đúng chiều mùng 2 Tết.
Ông Đỗ Ngọc Dương nhớ lại: "Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng tôi choáng ngợp bởi không khí tác nghiệp đầy căng thẳng của báo chí Thái Lan và phương Tây trước sự kiện này, ngay khi bước chân xuống sân bay Don Muang".
Thượng cờ Tổ quốc trên đất Thái
Khi Đoàn đến Bangkok, có khoảng 30 nhà báo phương Tây đang chờ tại sân bay. Sáu giờ tối, Đoàn về tới tòa Đại sứ tại đường Wireless. Ông Đỗ Ngọc Dương bước lên cầu thang và đưa tay mở cánh cửa tòa Đại sứ. Báo chí Thái Lan đã chụp được cảnh này. Hôm sau, bức ảnh được đăng lên trang nhất với dòng chú thích: "Cánh cửa Đại sứ quán Việt Nam đã mở. Ông Đỗ Ngọc Dương, tham tán, đại biện và một đoàn tùy tùng gồm sáu người chiều qua đã đến Bangkok. Chúng ta chờ xem ông ta sẽ làm như thế nào?".
Có lẽ, tòa Đại sứ tại đường Wireless (Bangkok) là một trong những tài sản ở nước ngoài cuối cùng của chính quyền Sài Gòn mà phía Việt Nam tiếp quản. Do tình hình chính trị luôn biến động của Thái Lan và khiến ba năm sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, lá cờ đỏ sao vàng mới chính thức tung bay trên nóc toà nhà này. |
Ngay sau đó, ông Đỗ Ngọc Dương tổ chức lễ thượng cờ. Khi lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên, báo chí Thái Lan cũng ghi được cảnh này. Hôm sau, hình ảnh lễ thượng cờ của Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục được đăng lên trang nhất với dòng chú thích: "Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam. Cách đây gần ba năm, cũng tại cột cờ này có một lá cờ màu vàng với ba vạch đỏ. Lá cờ ấy không ai hạ xuống và nó tự nát đi trong sương gió. Giờ đây, nó đã được thay bằng một lá cờ đỏ sao vàng".
Việc thiết lập Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok đã khiến cộng đồng người Việt tại đây vô cùng hân hoan. Chỉ hai tháng sau đó, kiều bào tại Thái Lan đã tự quyên góp được khoảng 10 triệu bath để xây dựng cho Đại sứ quán một ngôi nhà làm việc ba tầng, mỗi tầng có mười phòng trong khuôn viên rộng rãi của Đại sứ quán. Theo Đại sứ Đỗ Ngọc Dương, đó là minh chứng cho truyền thống yêu nước, luôn hướng về quê hương hết sức quý báu của kiều bào Việt Nam tại Thái Lan. Truyền thống đó đã được Bác Hồ gây dựng từ rất sớm và gìn giữ đến tận ngày nay.
Thiên Đức (ghi)
“Một chuyên gia về châu Á từ Hà Nội, ông Đỗ Ngọc Dương, đến đây tối qua để đứng đầu Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok. Ông Dương đi cùng với sáu nhân viên của mình, chia sẻ với báo chí về chuyến đi tới Thái Lan của mình, tại sân bay Don Muang, rằng: "Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan sẽ sớm được bổ nhiệm và sẽ đến đây không lâu sau đó". Ông Dương, người sẽ đảm nhận vai trò Đại biện tại Đại sứ quán Việt Nam nói rằng, Việt Nam sẽ tôn trọng năm nguyên tắc cùng chung sống đồng thuận trong xử lý xung đột biên giới giữa Việt Nam và Campuchia...” (Trích từ tin trên báo chí Thái Lan về sự kiện ông Đỗ Ngọc Dương đến Bangkok) |