📞

Người kế nhiệm ông Shinzo Abe sẽ 'chèo lái' Nhật Bản theo hướng nào?

Tuyết Mai 19:40 | 31/08/2020
TGVN. Ngày 28/8, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Sự thay đổi nhân vật đứng đầu Nội các Nhật Bản có ý nghĩa gì đối với chính sách đối ngoại của đất nước này?
Thủ tướng Abe từ chức trong bối cảnh tình hình địa chính trị đang bất ổn. (Nguồn: Getty Images)

Mặc dù không có quy định rõ ràng trong bất kỳ văn bản pháp quy nào nhưng cả thế giới đều biết rằng nhân vật chính trong Nhà nước Nhật Bản là Thủ tướng. Nhật hoàng là biểu tượng của dân tộc với vai trò hoàn toàn mang tính nghi lễ. Bộ Ngoại giao thực hiện đường lối đối ngoại do đảng cầm quyền vạch ra và Chủ tịch của đảng đó đương nhiên là Thủ tướng.

Vì vậy, đường lối chính sách đối ngoại của đất nước Nhật Bản được thể hiện trong các bài phát biểu của Thủ tướng và qua các cuộc tiếp xúc, các cuộc gặp quốc tế của người đứng đầu Nội các, trong khi Nhật hoàng hiếm khi công du nước ngoài.

Khó tạo đột phá

Quyết định từ chức của ông Abe sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, rất có thể sẽ có kết quả trong 2 hoặc 3 tuần nữa. Người chiến thắng phải được chính thức bầu chọn trong Quốc hội. Lãnh đạo mới của LDP sẽ giữ chức vụ này cho đến hết nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Abe.

Truyền thông đưa tin, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida nhanh chóng bày tỏ ý định tham gia cuộc đua để tranh chức vụ cao nhất này. Trong số những nhân vật khác đã được nêu tên có phụ tá thân cận của Thủ tướng Abe, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga.

Nhân vật được chọn trong cuộc bầu cử nội bộ của LDP có khả năng giữ nguyên chính sách kinh tế của ông Abe - gọi là "Abenomics", giữa lúc Nhật Bản đang chật vật đối phó với tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Tất cả các chính trị gia này đều cùng một đảng, đã hoặc đang làm việc trong cùng một nhóm dưới sự lãnh đạo của ông Abe và khó có khả năng tạo ra những thay đổi đáng kể trong đường lối đối ngoại của Nhật Bản.

Mặc dù cũng phải thừa nhận rằng mỗi chính khách vẫn có phong cách hành xử riêng, ý tưởng riêng của họ về vấn đề cụ thể này hay sự kiện khác nhưng trong trường hợp này nếu có thay đổi dường như chỉ là đôi chút sắc thái, những khoảnh khắc phi nguyên tắc.

Bối cảnh địa chính trị bất ổn

Thủ tướng Abe từ chức trong bối cảnh tình hình địa chính trị đang bất ổn, kể cả cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc và ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ không thay đổi về nội dung chính và duy trì liên minh quân sự-chính trị của hai nước. Hiện tại, quan hệ liên minh này đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, vốn vẫn e ngại các nước láng giềng.

Trước hết là Trung Quốc, nước đã vượt qua Nhật Bản về sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự. Tokyo lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc bởi quan hệ Nhật-Trung sẽ không đơn giản. Tân Thủ tướng cũng như ông Abe sẽ phải bận tâm điều phối và tiếp tục phát triển quan hệ với những nhóm khu vực phản đối Trung Quốc như "Bộ Tứ", Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh và hai miền Triều Tiên chịu ảnh hưởng bởi gánh nặng và "bóng ma" quá khứ. Người Trung Quốc và người Triều Tiên đều muốn chính giới Tokyo nói lời xin lỗi vì những tội ác mà binh lính quân phiệt Nhật Bản đã gây ra trong thời kỳ chiếm đóng các nước này.

Bình Nhưỡng vẫn có thể hăm dọa Tokyo bằng những vụ phóng tên lửa. Do đó, vấn đề giải quyết tình hình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là mục tiêu không thể thiếu trong chương trình nghị sự ngoại giao tiềm năng của tân Thủ tướng Nhật Bản.

Đối với phần lớn các nước châu Á, Nhật Bản chắc sẽ duy trì quan hệ đối tác. Chính phủ Nhật Bản quan tâm đến các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một điểm đến đầu tư tiềm năng của doanh nghiệp Nhật Bản. Các nước vùng Trung Đông và châu Phi tiếp tục bảo lưu ý nghĩa đối với Nhật Bản như là những thị trường nguyên liệu thô như dầu mỏ mà Tokyo luôn cần.

Di sản của ông Abe

Trong bài viết đăng trên BBC News, Tiến sĩ John Nilsson-Wright làm việc tại Viện Nghiên cứu Chatham thuộc Đại học Cambridge (Anh) nhận xét: "Đối với những người chỉ trích mình, ông Abe thể hiện thái độ của một thế hệ có tuổi tác, bảo thủ và không muốn đề cao hồ sơ thời chiến của Nhật Bản, đồng thời theo đuổi một chính sách đối ngoại rất quyết đoán. Đối với những người ủng hộ mình, ông Abe đã nâng cao vị thế toàn cầu của đất nước, hiện thực hóa lợi ích quốc gia bằng cách làm hài hòa tham vọng chính đáng với vai trò là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trên thực tế, cả hai hình ảnh về ông Abe đều đúng".

Tiến sĩ Nilsson-Wright cho rằng, ông Abe có lý khi vẫn nhận thức sâu sắc về mối đe dọa địa chiến lược do Trung Quốc gây ra và cũng được ghi nhận là người thành công trong việc duy trì mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cũng sử dụng ngoại giao như một công cụ để đối phó một số chiến thuật áp đảo của ông Trump.

"Ông Abe là một nhà sáng tạo về sách lược ngoại giao và thể hiện năng lực tư duy chiến lược, đánh dấu sự khác biệt rõ rệt so với các Thủ tướng tiền nhiệm, những người thường phản ứng với các sự kiện bên ngoài hoặc có xu hướng thụ động đi theo sự dẫn dắt của Washington", Tiến sĩ John Nilsson-Wright nhận định.

Giáo sư Trần Văn Thọ từ Tokyo mô tả ông Abe là "người năng động, quyết đoán, khéo dùng người, thấy được các vấn đề lớn và biết cách giải quyết dù không phải lúc nào cũng thành công hoàn toàn". Giáo sư Thọ bình luận: "Khi lên cầm quyền từ cuối năm 2012, Thủ tướng Abe đã đưa ra chiến lược phát triển kinh tế 'Abenomics' thích đáng và phần lớn là khả thi. Mặc dù vài nội dung chưa được thực hiện nhưng kinh tế Nhật Bản đã được cải thiện nhiều".

Từ Nhật Bản, Giáo sư Hirohide Kurihara thuộc Đại học Tổng hợp Tokyo nhận định việc ông Abe từ chức có lẽ không ảnh hưởng gì tới đối nội bởi vì đảng Tự do Dân chủ (LDP) đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội (cả Thượng viện lẫn Hạ viện). Giáo sư Kurihara cho rằng sau khi từ chức, ông Abe sẽ vẫn giữ ảnh hưởng to lớn trong LDP.

Ông Kurihara dự đoán, trước mắt, chính sách đối ngoại của Nhật Bản cũng không có gì thay đổi. Đáng tiếc, các đảng đối lập nằm trong quá trình tổ chức lại và chưa tìm ra được trụ cột chung để tranh thủ sự ủng hộ của đại đa số người dân Nhật Bản, dù nói chung 60% toàn thể cử tri không ủng hộ đảng cầm quyền.

(theo BBC, Sputnik)