📞

Người Mỹ cũng khổ vì bão, lụt

06:00 | 04/11/2016
Cũng giống như ở bất kỳ quốc gia nào chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều người dân Mỹ đã bị mất nhà cửa, phải bỏ xứ đi tìm những vùng đất khác an toàn hơn vì bão, lụt.

Tháng 1/2016, Chính quyền Mỹ đã giải ngân hơn 1 tỷ USD để bảo vệ nhà cửa và các cơ sở hạ tầng khác nhằm chống lại biến đổi khí hậu, nhưng họ lại chưa có kế hoạch sửa chữa và bảo vệ các khu tập thể cũ.

Phần lớn các khu nhà tập thể cũ kỹ trước đây được xây dựng gần bờ sông, gần biển… từ những năm 1930 đến 1950, bởi mục tiêu của các chủ đầu tư là tìm những khu đất giá càng rẻ càng tốt.

Một khu nhà tập thể ở New Orleans bị cơn bão Katrina phá hủy. (Nguồn: Bloomberg) 

Vì vậy khi xảy ra bão lũ, các khu nhà này đều bị nước lụt phá hủy, dẫn đến tình trạng các quỹ bảo hiểm Mỹ bị thâm hụt quá lớn trong năm 2016 hơn bất kỳ năm nào trong thập kỷ qua.

“Nếu cứ như vậy thì các khu nhà tập thể của Mỹ sẽ bị phá hủy dần hết”, Giám đốc Truyền thông của Tập đoàn Bảo hiểm HAI, ông Courtney Rice cho biết.

Giải pháp ít tốn kém

Tại New Orleans, sau cơn bão khủng khiếp Katrina, 4.534 căn hộ đã từng bị phá hủy và được thay thế bởi 706 căn hộ  khác; nhiều người mất nhà được chính quyền trợ cấp cho tiền để đi thuê căn hộ tư nhân giá rẻ nằm cách xa nơi ở trước đó của mình. Cách này gây tốn kém cho người dân, thậm chí nơi họ đến thuê còn có nguy cơ bị ảnh hưởng bời thời tiết nhiều hơn. Nhưng thực tế thì đây lại là giải pháp ít tốn kém đối với chính quyền liên bang.

Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ đã yêu cầu các quan chức phụ trách vấn đề nhà ở phải mua bảo hiểm thiên tai cho các cơ sở hạ tầng ở các vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Tuy nhiên thống kê cho thấy, các bang Maryland, New York và New Jersey đã không mua bảo hiểm thiên tai cho tổng cộng 72 công trình.

Một khu dân cư ở bang Florida, Mỹ bị bão phá hủy hoàn toàn. (Nguồn: Bloomberg) 

Theo dự báo, đến năm 2030, mực nước xung quanh bán đảo Charleston sẽ tăng lên khoảng 15cm, theo đó nguy cơ lũ lụt ngày càng trở nên trầm trọng. Số liệu cũng cho thấy tất cả các khu vực tại bán đảo Charleston nếu cao hơn mực nước biển chưa đến 72cm sẽ có nguy cơ bị lụt ít nhất một lần mỗi năm; còn các khu vực cao hơn mực nước biển dưới 140cm, tỷ lệ bị lũ lụt tấn công sẽ chỉ là 100 năm một lần.

Hồi tháng 1, một dự án xây nhà tập thể cao hơn mặt đất 403cm đã được lên ‎ý tưởng, đủ để vượt qua được các mực nước biển dâng. Dự án này rất cần có kinh phí để thực hiện, nhưng ông Donald Cameron, người đứng đầu cơ quan nhà ở của bang Nam Carolina, cho biết chưa hề có bất kỳ sự hậu thuẫn nào từ phía chính phủ liên bang.

Ngập lụt khiến nhiều người dân Mỹ phải rời nhà, đi tìm nơi khác sinh sống. (Nguồn: Bloomberg) 

Cần tái thiết

Tại Texas, ước tính có tới 2,9 tỷ USD đã được đầu tư vào các công trình hạ tầng cao hơn mực nước biển chỉ chưa đầy 90cm, gồm có 5.438 nhà ở, hơn 70km đường xá, hai trường học, một bệnh viện, bảy nhà thờ, một trường đại học, hai thư viện và một bảo tàng. Trong khi đó lại có quá ít nhà tập thể, hoặc có nhưng không được chú trọng các vấn đề bảo vệ, để rồi khi thiên tai xảy ra, người dân không biết đi về đâu.

Ông Madison Sloan, giám đốc của Dự án Nhà ở và Phục hồi sau thảm họa ở bang Texas, cho biết nhiều nhà ở công cộng đã bị phá hủy do cơn bão Ike xảy ra gần đây ở cảng Arthur, một thành phố cảng gần biên giới bang Louisiana, và liền kề với nhà máy lọc dầu lớn nhất khu vực Bắc Mỹ. Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị đã từ lâu muốn di chuyển các căn hộ này do chúng quá gần biển. Ngay sau cơn bão, họ đã được tái định cư ở một nơi an toàn hơn.

“Cần lắm một kế hoạch tái thiết nhà tập thể cho người dân,” ông Sloan khẳng định.

(theo Bloomberg)