Nhỏ Bình thường Lớn

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao giai đoạn 1987-1996 Hồ Thể Lan: Những ngày gian khó!

TGVN. Chia sẻ của bà Hồ Thể Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao giai đoạn 1987-1996, về những khó khăn trong thời kỳ làm người cung cấp thông tin mà lại thiếu thông tin, trong hoàn cảnh chiến tranh lâu dài và bị bao vây cô lập tứ phía!
nguoi phat ngon bo ngoai giao giai doan 1987 1996 ho the lan nhung ngay gian kho
Bà Hồ Thể Lan, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao năm 1987-1996.

Nhớ lại ngày nhận nhiệm vụ nữ Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao mà tôi rùng mình!

Bản thân tôi không hề được đào tạo về ngành Ngoại giao, càng không biết gì về lĩnh vực báo chí. Tôi nghĩ đã là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thì điều đầu tiên cần có là thông tin. Trong thời kỳ đó, thông tin cực kỳ hạn chế. Bây giờ chỉ cần “check” điện thoại di động là có thể có được đủ loại thông tin về tình hình trong nước và thế giới; đó là chưa kể vô vàn thông tin trên các báo in, báo mạng, các kênh vô tuyến truyền hình… Nhưng ngày ấy chỉ có tin của Thông tấn xã, vài tờ báo in, đài phát thanh, nếu như ngày nay phải “chọn lựa” thì ngày ấy phải “cóp nhặt” thông tin.

Cái khó thứ hai là do hoàn cảnh chiến tranh lâu dài và bị bao vây cô lập tứ phía nên các ngành, các địa phương, người dân nói chung ai cũng e ngại tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài.

Cái khó thứ ba là trong bối cảnh đối đầu có những phóng viên nước ngoài hay “bới lông tìm vết”.

Và một cái khó nữa là do rất thiếu thốn về vật chất nên việc tổ chức cho phóng viên nước ngoài đi tìm hiểu về tình hình thực tế của đất nước là việc làm rất khó khăn.

Phải làm thế nào để hóa giải được những khó khăn ấy và hoàn thành nhiệm vụ!

Điều đầu tiên giúp tôi vững tâm là mình đã được làm việc nhiều năm trong Vụ Báo chí, đã lăn lộn “trong nghề”, nhờ vậy mà học hỏi được rất nhiều điều quý báu từ thực tế, từ các lớp đàn anh như các anh Ngô Điền, Trịnh Xuân Lãng cùng anh chị em trong Vụ.

Một nhân tố cực kỳ quan trọng giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ là mối quan tâm và sự giúp đỡ thiết thực của Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Mỗi khi gặp khó khăn trong việc tranh thủ để được một lãnh đạo Đảng, Nhà nước trả lời phóng viên thì đều được ông Thạch hết lòng hỗ trợ. Và chính ông là tấm gương sáng về nghệ thuật tiếp xúc, trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài. Tôi đã học được ở ông những bài học.

Làm việc gì cũng rất cần sự hợp tác và hiệp đồng với các cơ quan, các đơn vị hữu quan. Rất may là giữa Vụ Báo chí và Trung tâm Báo chí có sự hợp tác chặt chẽ. Đối với các cơ quan ngoài Bộ và các địa phương, chúng tôi luôn giữ được mối quan hệ đồng cảm, thân tình giữa người với người trong công việc chung vì lợi ích của đất nước.

Đối với tôi, ý nghĩa quyết định của mọi thành công là sự đồng tâm, nhất trí của anh chị em trong Vụ Báo chí. Chúng tôi cảm thông, chia sẻ vui buồn, khó khăn của cuộc sống thường ngày, quý mến nhau như anh chị em trong một nhà, tạo nền tảng của một “tập thể Vụ Báo chí” quyết tâm cùng nhau hoàn thành mọi công việc của Vụ.

Cuối cùng, một bài học rất đáng được ghi nhớ là nhân dân ta vốn có truyền thống cởi mở và ý thức chính trị rất cao, nên khi đã hiểu yêu cầu của công việc thì họ ứng xử thật khôn khéo, tự nhiên, đầy tính thuyết phục.

Tôi nghĩ, với phóng viên nước ngoài, mình phải cố gắng tìm hiểu tâm tư, tình cảm và những khó khăn họ gặp phải trong lúc tác nghiệp ở nước ta và tạo dựng một mối quan hệ hợp tác, đối thoại để họ hiểu rõ hơn Vụ Báo chí là cơ quan giúp đỡ họ tác nghiệp, đối thoại cởi mở trên những vấn đề còn khác biệt, qua đó duy trì kênh thông tin quan trọng ra bên ngoài.

Đằng sau những điều “khô khan” ấy là biết bao nhiêu câu chuyện sống động giữa người với người trong Vụ Báo chí, giữa Vụ Báo chí với các đơn vị trong Bộ; là sự hợp tác nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan và địa phương, với các cấp lãnh đạo địa phương, của người dân mình.

Rất tiếc khuôn khổ bài viết có hạn, tôi đành lưu lại trong lòng bao điều muốn nói! Xin gói lại một câu: Tôi vô cùng biết ơn Đời đã dành cho tôi may mắn được rèn luyện trong ngành Ngoại giao và trưởng thành trong “nghề” tuyên truyền đối ngoại với thời gian chín năm làm Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ta.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Công tác phát ngôn không chỉ là đứng trên bục họp báo...

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Công tác phát ngôn không chỉ là đứng trên bục họp báo...

TGVN. Các cuộc họp báo của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trên nền tảng rất nhiều ...

Khi 'ngoại giao online' thế chỗ ngoại giao truyền thống vì dịch Covid-19

Khi 'ngoại giao online' thế chỗ ngoại giao truyền thống vì dịch Covid-19

TGVN. Trong nền ngoại giao thế giới, đã qua rồi những ngày tháng bắt tay, gặp gỡ song phương hay các cuộc gặp thượng đỉnh ...

Bộ Ngoại giao tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Bộ Ngoại giao tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

TGVN. Sáng ngày 4/3, Ban nữ công – Công đoàn Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Nhóm không chính thức các Đại sứ về Bình ...