Tọa đàm Khoa học “Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại” do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì ngày 16/4 tại Hà Nội. |
Đó là về mặt đối ngoại, còn một mặt khác không kém phần sắc sảo và nổi trội của Đồng chí là công tác xây dựng Ngành, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngoại giao mà hôm nay chúng ta tổ chức Tọa đàm khoa học về “Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại”.
Những ý tưởng có từ rất sớm của Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao
Năm 1956, Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch được Bác Hồ và Đảng cử sang Ấn Độ làm Tổng Lãnh sự đầu tiên của Việt Nam (lúc đó quan hệ ngoại giao giữa ta và Ấn Độ mới ở mức Tổng lãnh sự). Đây là một vị trí rất quan trọng vì Ấn Độ là một nước lớn và đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế về việc thi hành Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương.
Đồng chí hoàn toàn bất ngờ về nhiệm vụ này. Trước khi nhận nhiệm vụ, hành trang của Đồng chí về nghiệp vụ ngoại giao, về Ấn Độ là con số không tròn trĩnh. Duy nhất, Đồng chí nhận được lời dạy của Bác Hồ là “Sang bên đó, chú thấy họ làm thế nào thì bắt chước mà làm”!
Mặc dù vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, nhớ lời dạy của Bác Hồ, Đồng chí đã “bắt chước”, học hỏi kinh nghiệm của Sứ quán các nước XHCN tại New Delhi và cách làm việc của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nên chỉ trong một thời gian ngắn, Đồng chí đã bắt tay vào công việc như một nhà ngoại giao thực thụ.
Cá nhân tôi may mắn là người đồng hành cùng Đồng chí Thạch trong suốt gần 40 năm Đồng chí công tác ở Bộ Ngoại giao. Lần đầu tiên tôi gặp Đồng chí ở buổi lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại Từ, Thái Nguyên tháng 7 năm 1954. Sau đó, tôi lại tháp tùng Đồng chí về tiếp quản Hà Nội tháng 10 năm 1954 tại trụ sở hiện nay của Bộ Ngoại giao (số 1 Tôn Thất Đàm). Lúc đó Đồng chí Thạch là Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao.
Năm 1956, tôi lại được cùng Đồng chí sang công tác tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại New Delhi (Ấn Độ). Cùng đi với tôi còn có các Đồng chí Đặng Phong Hoàn, Lưu Mạnh Tuấn và Phan Doãn Nam. Đồng chí Nam và tôi lúc đó còn rất trẻ; thấy chúng tôi, phu nhân Tổng Lãnh sự Phan Thị Phúc hỏi Đồng chí Thạch rằng tại sao Bộ lại cử “trẻ con” sang công tác ở Tổng lãnh sự quán!
Gặp chúng tôi Đồng chí Thạch ân cần động viên và ngay lúc đó, Đồng chí đã tìm cách đào tạo chúng tôi thành những cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp. Đồng chí yêu cầu chúng tôi phải nâng cao trình độ tiếng Anh. Riêng tôi còn một nhiệm vụ nặng nề là học tiếng Hindi, một ngôn ngữ rất khó để chuẩn bị làm phiên dịch cho Bác Hồ trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 1958.
Đồng chí mua sách về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, triết học Ấn Độ giao cho chúng tôi đọc, tóm tắt nội dung để báo cáo Đồng chí. Đồng chí còn hướng dẫn chúng tôi phương pháp nghiên cứu và tổng hợp, ghi Đại sự ký. Trong thời kỳ đó có sự kiện Liên Xô phóng thành công Sputnik (1967) mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại chinh phục vũ trụ. Đồng chí đã phân công chúng tôi dự các cuộc chiêu đãi ngoại giao thăm dò đánh giá các nước về sự kiện này và sau đó tổng hợp lại làm báo cáo gửi về trong nước.
Đồng chí còn khuyến khích chúng tôi học lái xe vì theo Đồng chí, cán bộ Ngoại giao phải biết lái xe thì mới chủ động được. Về việc này, có lẽ Đồng chí đã đi trước chúng ta cỡ 50 năm.
Từ Ấn Độ về nước năm 1959, năm 1960, Đồng chí được đề bạt lên Thứ trưởng phụ trách đối ngoại. Năm 1962, Đồng chí được cử làm Quyền Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị Geneva về Lào. Đây là lần đầu tiên Đồng chí tiếp xúc với hoạt động đa phương nhưng Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ rất xuất sắc đến mức Luật sư Trần Công Tường, thành viên Đoàn Việt Nam tại Hội nghị, một Tiến sĩ Luật học tại Đại học Sorbone (Pháp) phải thốt lên rằng “phải tặng Bằng Tiến sĩ Luật quốc tế cho Đồng chí”!
Ở Hội nghị Geneva, Đồng chí đã nhận biết sớm những âm mưu, ý đồ và sự đổi chác giữa các nước lớn trên lưng các nước nhỏ. Đồng chí cũng thấy rõ sự yếu kém và chênh lệch quá xa về trình độ và nghiệp vụ ngoại giao giữa cán bộ ta và quốc tế.
Về nước, Đồng chí suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao trong tình hình thực tại của đất nước. Đồng chí là người tích cực trong việc mở lớp cán bộ ngoại giao đầu tiên, tiền thân của Đại học Ngoại giao và Học viện Quan hệ quốc tế sau này.
Thời gian trôi đi, Đồng chí lao vào cuộc đối đầu lịch sử với Mỹ tại Hội nghị Paris. Đồng chí là cánh tay phải của Cố vấn Lê Đức Thọ tại bàn đàm phán. Cuối cùng, Mỹ buộc phải ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, mở đường cho Đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước năm 1975.
Những cố gắng không mệt mỏi của Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại
Sau năm 1975, hoạt động Ngoại giao của Việt Nam mở ra một chương mới của thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước. Hàng loạt các nước đặt quan hệ ngoại giao với ta và Việt Nam bắt đầu tham gia vào một số tổ chức khu vực và quốc tế.
Trước năm 1975, ta chỉ có 9 đơn vị trong nước và 16 đơn vị ngoài nước. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó đã tăng lên 24 đơn vị trong nước và 37 đơn vị ngoài nước. Số cán bộ công nhân viên từ 600 người tăng lên 1.300 người mà phần lớn là cán bộ từ các cơ quan khác đến và từ các địa phương lên. Số cán bộ này hầu như thiếu hiểu biết về ngoại giao, chỉ biết một ít ngoại ngữ nhưng cũng không sử dụng được. Trong số đó chỉ có vài ba cán bộ lãnh đạo cấp vụ.
Điều đó đặt ra vấn đề cấp bách cho Bộ Ngoại giao là phải tìm biện pháp bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ. Nhưng nếu cứ đi theo đường mòn trong công tác cán bộ dựa trên “chủ nghĩa thành phần” và quá trình công tác “sống lâu lên lão làng” thì không thể đào tạo được lớp cán bộ lãnh đạo đáp ứng nhu cầu mới. Tình trạng đó càng thôi thúc Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch bắt tay ngay vào việc triển khai ý tưởng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà Đồng chí ấp ủ bấy lâu nay.
Vấn đề khó nhất đối với Đồng chí Thạch là tìm bước đột phá xuyên thủng cơ chế cứng nhắc về công tác tổ chức cán bộ đã ăn sâu trong tiềm thức của chúng ta. Đồng chí bắt đầu bằng cuộc vận động các Đồng chí lãnh đạo để có cách nhìn mới, tư duy mới về tổ chức cán bộ trước tình hình đất nước đã chuyển giai đoạn từ chiến tranh sang hòa bình. Đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao. Điều này đối với ngành Ngoại giao càng cấp bách. Nếu làm theo lối cũ thì không có đủ cán bộ đáp ứng nhu cầu.
May mắn, Đồng chí được sự ủng hộ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, được sự “gật đầu” của Đồng chí Lê Đức Thọ và “sự thông cảm” của Đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Trưởng ban Tổ chức Trung ương thời đó. Chừng đó thôi đã là rất quý đối với Đồng chí Thạch rồi!
Đồng chí đã đột phá bằng việc tiến hành chương trình Tập sự cấp vụ (TSCV) học tập trung trong 2 năm. Đầu vào của lớp TSCV là cán bộ trẻ có triển vọng, có năng lực, đạo đức. Cấp bậc lấy từ cán sự 4 trở lên. Nội dung học gồm: Kiến thức và nghiệp vụ Ngoại giao, lý luận chính trị và quản lý. Sau khi học xong, đồng chí nào đạt yêu cầu sẽ được đề bạt lên cấp Phó Vụ trưởng. Nhiều người lúc đó không tin vào sự thực thi của Kế hoạch này. Có người còn cho đó là chuyện hoang đường! Làm sao một cán bộ từ cán sự 4 lại có thể nhẩy lên 4 bậc lương trong 2 năm để làm Phó Vụ trưởng!
Tuy sự cản trở vẫn còn nhiều nhưng đồng chí đã tạo được sự đồng thuận trong Lãnh đạo Bộ, được sự đồng ý của Đồng chí Nguyễn Duy Trinh, ngay sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 13 (1977), Đồng chí cho bắt tay vào các công việc chuẩn bị như xây dựng Đề án, lập Kế hoạch, nêu tiêu chuẩn đầu vào, nội dung đào tạo... Dựa trên Vụ Tổ chức Cán bộ, Đồng chí cho lập bộ máy điều hành, thành lập Vụ Tổng hợp nội bộ để hỗ trợ thúc đẩy công việc.
Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm và bổ sung, Đồng chí cho mở lớp Tập sự cấp Vụ (TSCV) đầu tiên vào năm 1978. Từ lớp TSCV này, Bộ đề bạt được 60 Phó Vụ trưởng trước sự ngỡ ngàng của nhiều cơ quan trong nước. Đồng chí trẻ tuổi nhất lúc đó là Đồng chí Nguyễn Đình Bin (33 tuổi). Tôi lúc đó đã 43 tuổi mà còn được tấm tắc cho là trẻ tuổi!
Song song với việc TSCV, Đồng chí Thạch cũng cho tiến hành việc đề bạt thường xuyên những đồng chí lớn tuổi có năng lực. Đồng thời, Đồng chí chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ chủ trì xây dựng Quy hoạch cán bộ 10 năm. Đầu đi đuôi lọt, lớp TSCV đầu tiên thành công mở đường cho các lớp sau thuận lợi hơn nhiều. Riêng từ 1978 đến 1986, Bộ đã đề bạt được 110 Phó Vụ trưởng, gấp 3 lần số đề bạt trong 20 năm trước đó.
Tiếp theo, Đồng chí cho xúc tiến ngay công tác chuẩn bị lớp Tập sự cấp Bộ (TSCB). Việc này khó gấp bội so với TSCV. Có người còn cho là không tưởng vì nó đụng chạm đến “Đại bản doanh” của các quy định xem như bất di bất dịch về cán bộ thuộc diện Ban Bí thư và Bộ Chính trị quản lý.
Mặc dù vậy, Đồng chí vẫn không chùn bước. Với cương vị Bộ trưởng Ngoại giao (1980) và sau này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đồng chí có tiếng nói nhất định, kiên trì thuyết phục, cuối cùng Đồng chí đã nhận được sự đồng ý của các Đồng chí Lãnh đạo cấp cao và “cấp phép” miễn cưỡng của Ban Tổ chức Trung ương.
Năm 1980, lớp TSCB đầu tiên ra đời, có 5 Đồng chí Vụ trưởng được tham gia lớp này. Người tham dự lớp được mang chức danh Trợ lý Bộ trưởng, một chức danh hoàn toàn mới lạ trong hệ thống công chức của ta thời đó. Sau khi kết thúc, hai đồng chí đạt yêu cầu là đồng chí Vũ Xuân Áng và tôi. Năm 1983, Bộ làm thủ tục đề bạt Thứ trưởng nhưng mãi đến hơn 4 năm sau (1987) mới được Thủ tướng ký quyết định. Điều đó nói lên cơ chế TSCB là không dễ chút nào.
Tất cả những việc nêu trên đều diễn ra trước Đại hội VI của Đảng (1986), Đại hội đổi mới mở ra tư duy mới, tầm nhìn mới. Tuy vậy, việc triển khai Nghị quyết Đại hội gặp vô vàn khó khăn. Liên tưởng đến Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong thời kỳ trước Đại hội VI đã “đơn thương độc mã” quyết tìm bước đột phá cho công tác cán bộ quả là sự dũng cảm phi thường, không có bản lĩnh và ý chí kiên cường của một chiến sĩ cách mạng thì không làm được.
Sau này TSCV và TSCB là việc làm thường xuyên và được trở thành cơ chế trong công tác cán bộ. Điều đó làm cho Đồng chí Thạch rất vui nhưng có một điều đến lúc nghỉ hưu còn trăn trở đó là việc đánh giá cán bộ thế nào cho chính xác. Đồng chí đã cho chúng tôi đi tham khảo kinh nghiệm các nước, kể cả các xí nghiệp, công ty. Đồng chí đã thử nghiệm nhiều cách đánh giá từ trên xuống, từ dưới lên, đánh giá chéo, đánh giá theo hình thức bỏ phiếu, đánh giá theo cơ chế 3 mặt (Đảng ủy - Cơ quan - Công đoàn) đánh giá theo sản phẩm cuối cùng… Nhưng đồng chí vẫn băn khoăn về độ chính xác, về tính công bằng, làm thế nào phát hiện được người giỏi, người tài cho đất nước.
Việc đào tạo cán bộ để tham gia các các tổ chức đa phương cũng là điều Đồng chí Thạch quan tâm và trăn trở nhưng chưa làm được.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng (hàng ngồi, ở giữa), bên phải là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cùng các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao, tháng 4/1985. |
Phát huy di sản của Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch cho tương lai
Hơn 40 năm nhìn lại mới thấy công lao to lớn của Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đến chừng nào. Ở Bộ Ngoại giao không phải là Nguyễn Cơ Thạch thì không ai có thể và dám làm. Đồng chí là người có tầm nhìn xuyên suốt hàng chục thập kỷ, người có dũng khí, bản lĩnh và trí tuệ đã đặt nền móng cho sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng.
Phát huy di sản của Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch để lại, ngày nay chúng ta đã có một cơ chế hoàn chỉnh trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo. Kinh nghiệm của chúng ta được các cơ quan tham khảo và học tập. Có thể xem đó là một “đặc sản” của Bộ Ngoại giao và “đặc sản” đó đã được hòa chung với các cơ chế chính sách về cán bộ của hệ thống chính trị đất nước.
Chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Đại hội XIII của Đảng đã mở toang cánh cửa cho sự phát triển và hội nhập quốc tế. Ngoại giao Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức cũng như nhiều cơ hội để bay cao, bay xa.
Điều đó đòi hỏi Ngoại giao phải có nhiều người tài, người giỏi để góp phần cùng các lực lượng khác trong nước có bước đột phá chiến lược để trong những năm tới đất nước mới lập nên những kỳ tích và tầm nhìn 2030-2045 của Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra.
Tôi hy vọng trong những năm tới, ta sẽ có thêm cán bộ qua tuyển chọn thi cử làm việc ở các tổ chức khu vực và quốc tế. Mà việc đào tạo cán bộ trong lĩnh vực này cần làm quyết liệt, có bài bản, có đầu tư, có tầm nhìn xa. Có thế chúng ta mới tiếp thu được di sản của Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch để lại.
Tôi vẫn ước mơ trong thế kỷ XXI sẽ có một nhà ngoại giao Việt Nam làm Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Tại sao lại không nhỉ?
Từ ngày 29/4/2021, Báo TG&VN giới thiệu loạt bài tham luận tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì ngày 16/4 tại Hà Nội.
Bài trước của nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan. Xem tại đây.