Ông Trần Trọng Toàn (hàng sau) và Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong một cuộc họp ở New Delhi nhân dịp Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1983. |
Khi phát biểu tại tọa đàm hay chia sẻ với phóng viên về cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Đại sứ Trần Trọng Toàn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn thể hiện sự ngưỡng mộ rất lớn đối với vị tư lệnh ngành ngoại giao lỗi lạc.
Bản thân ông Trần Trọng Toàn có thời gian gắn bó với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khi được cử làm thư ký cho ông Thạch trong hơn 5 năm từ 1984-1989. Thời điểm này, ông Thạch đảm nhiệm cương vị Ủy viên Bộ Chính trị (1982-1991), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987-1991), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1980-1991) trong môi trường trong nước và quốc tế vô cùng khó khăn, phức tạp.
Theo chia sẻ của ông Trần Trọng Toàn, trước nhu cầu phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã sớm đi sâu nghiên cứu để góp phần tìm ra phương hướng và những giải pháp phù hợp nhất cho nền kinh tế Việt Nam.
Cũng chính vì vậy, ông Thạch đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng Chính phủ) đặc trách về ngoại giao và kinh tế đối ngoại.
Nói về tầm nhìn của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong việc chuyển hướng ngành Ngoại giao từ phục vụ kháng chiến sang phục vụ công cuộc tái thiết và đổi mới đất nước, Đại sứ Trần Trọng Toàn cho biết vị tư lệnh ngành đã rất trăn trở về công tác xây dựng ngành.
Bộ trưởng đặc biệt quan tâm tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ sức đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới, đặt vấn đề này trên cơ sở lý luận và thực tiễn với tầm quan trọng ngang với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Ngành.
Từ Ngoại giao làm kinh tế...
Theo Đại sứ Trần Trọng Toàn, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn xác định rõ ngoại giao là một mặt trận và công tác ngoại giao phải gắn với tình hình thực tiễn, phục vụ nhu cầu bảo vệ và phát triển đất nước. Để đáp ứng được yêu cầu này, trước hết phải làm tốt công tác xây dựng ngành Ngoại giao.
Ngay từ khi sắp kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Cơ Thạch đã là người đi đầu trong việc xác định phương hướng mới của mặt trận ngoại giao là “Ngoại giao làm kinh tế”.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hết sức khó khăn, cả nước phải gồng mình khắc phục những hậu quả vô cùng nặng nề của các cuộc chiến tranh lâu dài chống ngoại xâm, định hướng “Ngoại giao làm kinh tế” do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chỉ đạo đã thực sự đem lại những kết quả rất quan trọng.
Kết quả không chỉ trong việc vận động sự ủng hộ to lớn và hiệu quả về kinh tế của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn mở ra những quan hệ hợp tác mới về kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ với nhiều nước.
Từ giữa những năm 1980, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, phương châm “Ngoại giao làm kinh tế” được chuyển thành “Ngoại giao phục vụ kinh tế”.
Vai trò của ngành Ngoại giao không “dẫm chân” lên các ngành kinh tế mà là tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển; mở đường và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc thiết lập các quan hệ kinh tế đối ngoại; tiếp tục vận động sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế trong nước và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.
Chính vì thế, theo Đại sứ Trần Trọng Toàn, "Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thực sự là người đi tiên phong trong định hướng công tác của ngành Ngoại giao trong tình hình mới, đặt nền móng cho công tác Ngoại giao kinh tế của nước ta phục vụ công cuộc phát triển đất nước khi mà khái niệm này còn rất ít được biết đến ở Việt Nam".
Tư duy vượt thời gian
Ngay cả khi bận trăm công nghìn việc trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch vẫn tự mình nghiên cứu về nền kinh tế thị trường. Điều tâm đắc nhất mà ông rút ra được là: kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản mà là kết quả phát triển của xã hội loài người.
Từ đó, ông Nguyễn Cơ Thạch đi sâu nghiên cứu những mặt tích cực của nền kinh tế thị trường để có thể vận dụng vào việc phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Ông Thạch nói thích nghiên cứu kinh tế vì có rất nhiều vấn đề sẽ sáng tỏ hơn nếu nhìn nhận qua lăng kính kinh tế, phân tích trên cơ sở quan hệ và lợi ích kinh tế. (Đại sứ Trần Trọng Toàn) |
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã sưu tầm cuốn sách “Kinh tế học” của Paul A. Samuelson và William D. Nordhaus về nền kinh tế thị trường.
Ông tự đọc và sau đó giao cho các chuyên viên của Vụ Kinh tế và Trường Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao dịch ra tiếng Việt.
Nội dung cuốn sách với những điểm rất mới về nền kinh tế thị trường đã được Bộ trưởng báo cáo với lãnh đạo cấp cao và phổ biến tới các cấp lãnh đạo, quản lý để xem xét, vận dụng những điểm tích cực và phù hợp của nền kinh tế thị trường vào việc xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam vốn lúc đó đang trì trệ và chìm sâu trong cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp.
Vạn sự khởi đầu nan, tư duy mới này của vị Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó đã gặp phải không ít ý kiến phản biện, thậm chí công kích, coi ông là người ủng hộ đường lối kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông cuối cùng đã thu về “quả ngọt” – đó là dần dần trong các cấp, các ngành đã hình thành được nhận thức chung về lợi ích và sự cần thiết xây dựng và phát triển “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Đây cũng chính là một kết quả vô cùng quan trọng được Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 chấp nhận và đưa vào thực hiện trong công cuộc Đổi mới.
Trọng người Việt Nam ở nước ngoài
Với tầm nhìn xa trông rộng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn coi trọng việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để phát triển kinh tế đất nước. Ông quan niệm cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc, qua đó đề cao và phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.
Ông đã chỉ đạo cán bộ ngành Ngoại giao phải chú trọng đi sâu nghiên cứu và tìm hiểu những kinh nghiệm phát triển kinh tế và thành tựu khoa học-công nghệ của các nước tiên tiến để vận dụng vào Việt Nam.
Bản thân Đại sứ Trần Trọng Toàn khi còn là cán bộ ngoại giao trẻ “được chính Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch yêu cầu tìm hiểu công nghệ chế biến hạt điều của Ấn Độ để giúp giải tỏa khó khăn cho ngành trồng điều trong nước vào cuối thập niên 1970 - đầu thập niên 1980 và rất may, tôi đã làm được”.
Ông Trần Trọng Toàn chia sẻ tại Tọa đàm "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" ngày 16/4 tại Hà Nội. |
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng chỉ đạo ngành Ngoại giao phải biết tận dụng năng lực nghiên cứu và quan hệ quốc tế của Việt kiều nhằm hỗ trợ Bộ Ngoại giao trong công tác phục vụ kinh tế.
Nhiều nhà khoa học đang sinh sống ở nước ngoài như TS. Vũ Quang Việt, Nguyễn Hữu Động… đã được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch mời về nước thường xuyên để đóng góp ý kiến, hỗ trợ công tác ngoại giao phục vụ kinh tế.
Lĩnh vực được quan tâm bấy giờ là nghiên cứu về kinh tế thị trường, những biến chuyển của tình hình thị trường khu vực và thế giới, thiết lập các mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ với các nước và đối tác quốc tế.
Trong cuốn “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”, TS. Vũ Quang Việt, một nhà kinh tế gốc Việt, từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên hợp quốc, người có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế của Việt Nam, chia sẻ rằng ông “bén duyên” với kinh tế Việt Nam là nhờ “ông mai” Nguyễn Cơ Thạch.
Năm 1977, khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, ông Nguyễn Cơ Thạch lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao làm Phó Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đi dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Đoàn đã tổ chức cuộc gặp mặt với một số bà con người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại đó, ông Nguyễn Cơ Thạch đã trao đổi nhiều vấn đề thiết thực, đặc biệt là về công cuộc tái thiết đất nước, nhấn mạnh ý muốn tìm hiểu kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới và khuyến khích bà con người Việt Nam ở nước ngoài chú ý học hỏi, nghiên cứu để tìm những câu trả lời có thể tham khảo, vận dụng cho sự phát triển của Việt Nam.
Nhờ có tầm nhìn xa và triển khai quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngoại giao say mê nghiên cứu kinh tế và hoạt động rất hiệu quả, góp phần thực hiện thành công phương châm công tác của Ngành là “Ngoại giao phục vụ kinh tế”, tạo tiền đề cho việc đề ra và thực hiện chiến lược “Ngoại giao kinh tế” trong giai đoạn mới bắt đầu từ cuối thập niên 1990 - đầu thập niên 2000.