Nhà báo Ngô Bá Lục nêu quan điểm, các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần thực tiễn hơn, quyết liệt hơn, dám thay đổi mạnh mẽ hơn thì mới có thể làm thay đổi nền giáo dục. |
Câu chuyện áp lực học tập, áp lực thành tích của trẻ được nói đến nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dù cải tiến giáo dục đã lâu nhưng áp lực trên vai trẻ dường như không hề giảm đi. Có thể lý giải ra sao về điều này, theo anh?
Tôi không phải là một chuyên gia về giáo dục, nên tôi chỉ chia sẻ với góc độ là một phụ huynh. Quan điểm của tôi, cải các giáo dục cần phải thay đổi tư duy mạnh mẽ, chứ không chỉ cải cách một số vấn đề cụ thể, đơn lẻ, đặc biệt là tư duy của lãnh đạo ngành từ cấp Bộ trở xuống.
Thứ hai, căn bệnh thành tích vẫn còn rất nặng nề trong xã hội, nhất là khu vực công. Nếu như các trường tư thục thiên về giáo dục kỹ năng, trải nghiệm thực tế và không coi trọng điểm số thì ngược lại, các trường công vẫn rất coi trọng thứ hạng top nọ top kia. Vì thế, muốn con lọt top thì lại phải học thêm, mà học thêm giờ rất nhiều hình thức, dù bị cấm dạy thêm.
Từ việc coi trọng thành tích lại nảy sinh ra tiêu cực. Việc các phụ huynh tìm cách lấy lòng thầy cô giáo, đặc biệt cấp tiểu học và THCS không phải là hiếm, thậm chí rất nhiều. Việc này dẫn đến không đánh giá đúng thực chất của học sinh. Học sinh ngoài việc áp lực học tập còn áp lực về thành tích, nên cái vòng luẩn quẩn học và học lại tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng.
Áp lực thành tích càng lớn hơn mỗi mùa tuyển sinh, đang đẩy phụ huynh, học sinh và cả giáo viên vào cuộc chiến mãi không có hồi kết?
Sự cạnh tranh bây giờ, không chỉ nằm ở học sinh mà nó còn nằm ở các phụ huynh. Từ cuộc chiến “in top” ở lớp, đến cuộc chiến “in top” các trường top đầu lại càng mạnh mẽ, khiến cho phụ huynh và học sinh luôn căng thẳng, mệt mỏi.
Những cuộc thi đầu vào lớp 1, những cuộc thi chuyển cấp lên lớp 6 hay lên lớp 10 luôn là cuộc chiến vô cùng nóng bỏng, căng thẳng. Phụ huynh như "ngồi trên đống lửa", vô tình lại gây áp lực lớn cho con cái khi chúng phải gánh quá nhiều kiến thức được học từ trường và các lò luyện thi.
Vì thế, mới có trường hợp “mẹ bắt con quỳ gối” khi con không đủ điểm vào trường hay những trường hợp trẻ bị trầm cảm vì chuyện học, thậm chí có trường hợp tự vẫn đáng tiếc – đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những “cuộc chiến” thi cử mỗi mùa tuyển sinh.
Đo lường năng lực và giá trị của một đứa trẻ bằng điểm số, bằng thành tích sẽ để lại những hệ lụy gì?
Như tôi đã nói ở trên, nếu như chúng ta luôn nhồi nhét vào đầu con trẻ tư duy: “Luôn phải là nhất, luôn top đầu” sẽ tạo cho trẻ sự ích kỷ, hiếu thắng, không chấp nhận người khác giỏi hơn mình.
"Bản lĩnh của một đứa trẻ không chỉ được rèn bằng vài buổi học kỹ năng sống trên lớp mà phải được thực hành hàng ngày ở đời sống xã hội. Nếu con chỉ học và thực hành một lần trên lớp cách nấu cơm thì về nhà hoặc đi đâu đó, làm sao con có thể thành thạo và tự tin để nấu một nồi cơm?". |
Bên cạnh đó, việc quá coi trọng kiến thức sách vở mà quên đi các kỹ năng sống cần thiết khác, nhiều đứa trẻ sẽ như một con robot chỉ làm theo những việc được cha mẹ lập trình sẵn.
Điều này hạn chế sự sáng tạo, giảm đi khả năng tiếp nhận tri thức xã hội từ các trải nghiệm thực tế, không có điều kiện để các con bồi dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng nhân cách bởi không có thời gian để tiếp xúc và sống thực tế ngoài xã hội. Nhiều đứa trẻ trở nên vô cảm, máy móc và xa rời thực tế chính từ cách giáo dục và định hướng của gia đình và nhà trường.
Cần thay đổi tư duy trong quản lý giáo dục ra sao, theo anh?
Nếu như giáo dục cứng nhắc thì học sinh sẽ giống như một “đàn cừu”, hay nói khác đi, sẽ là những chú robot được hoạt động theo sự lập trình của người lớn.
Học sinh sẽ bị hạn chế sáng tạo, tư duy theo lối mòn, làm theo mẫu và từ đó không phát huy được cá tính riêng hoặc giết chết các ý tưởng táo bạo trong học tập cũng như cuộc sống sau này.
Việc thay đổi tư duy là điều cần thiết và cần phải đồng bộ cũng như thay đổi một cách mạnh mẽ. Các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần thực tiễn hơn, quyết liệt hơn, dám thay đổi mạnh mẽ hơn thì mới có thể làm thay đổi nền giáo dục.
Nên xác định lại tính chất của từng cấp học, hạn chế “đẻ” ra nhiều loại sách vở không cần thiết và chưa phù hợp với từng độ tuổi. Đánh giá đúng bản chất hoc sinh từng cấp học để đưa ra khung kiến thức hợp lý. Chú trọng phát triển kỹ năng toàn diện và đề cao sự sáng tạo cá nhân theo từng cấp học.
Cùng với đó, nên tiết kiệm ngân sách trong việc in sách giáo khoa hàng năm, giảm tải lượng kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với từng cấp học để học sinh có thời gian vui chơi, rèn luyện thể chất và gần gũi với thiên nhiên, môi trường.
Thực tế, không ít đứa trẻ bị nhồi nhét kiến thức, trải qua các lớp học kỹ năng sống nhưng vẫn thiếu tự tin. Có phải người lớn đã sai trong việc lựa chọn phương pháp giáo dục không phù hợp với con mình?
Các cụ xưa đã nói: “Trăm hay không bằng tay quen”. Bản lĩnh của một đứa trẻ không chỉ được rèn bằng vài buổi học kỹ năng sống trên lớp mà nó phải được thực hành hàng ngày ở đời sống xã hội.
Nếu con chỉ học và thực hành một lần trên lớp cách nấu cơm thì về nhà hoặc đi đâu đó, làm sao con có thể thành thạo và tự tin để nấu một nồi cơm?
"Mục đích của việc học là có cái nghề để đi làm kiếm tiền và thoả mãn sự đam mê bản thân. Vậy thì chúng ta lấy từ mục đích đó quay ngược trở lại, sẽ thấy rằng cần đầu tư cho con mình cái gì, ở thời điểm nào và đầu tư ra sao? Đừng quá coi trọng việc học lý thuyết vì mục đích giống nhau nhưng con đường để đến cái đích đó có rất nhiều cách đi, rất nhiều con đường khác nhau". |
Gia đình tôi không cho các con học các lớp kỹ năng trên lớp, không phải là không tôn trọng các thầy cô, mà thực tế chúng tôi dạy các cháu từ bé, dạy đi dạy lại các kỹ năng sống cần thiết và phù hợp.
Từ việc sử dụng các vật dụng trong nhà, đến các tình huống điện giật, cháy nổ, dạy các con biết bơi, biết leo trèo, cảm nhận và làm quen với độ cao, độ sâu, cách sang đường...
Cho nên, khi đến lớp, chỉ cần các con chú ý học môn Giáo dục công dân. Khi các con đã quen thuộc và thành thạo, lúc đó các con sẽ có bản lĩnh và tự tin với mọi việc.
Nhiều người đang đánh mất đi mục tiêu học tập của mình, đang học theo đánh giá của xã hội cũng như chạy theo điểm số. Để không còn những tiếng thở dài sau mỗi mùa thi, theo anh cần những giải pháp nào?
Tôi nghĩ quan trọng nhất đối với mỗi đứa trẻ vẫn là cha mẹ. Nếu như cha mẹ biết cách định hướng tốt, biết nhìn nhận và khai thác mọi mặt của con mình để biết chúng mạnh, yếu ở điểm nào, cái gì cần bổ khuyết, cái gì cần nâng cao…
Bên cạnh đó, cha mẹ cần trở thành bạn của con để lắng nghe tâm tư, suy nghĩ cũng như quan điểm của chúng. Đừng bao giờ áp đặt, hãy cùng trao đổi với con để đưa ra phương án hợp lý và tối ưu nhất.
Mục đích của việc học hành là ra trường có cái nghề để đi làm kiếm tiền và thoả mãn sự đam mê bản thân. Vậy thì chúng ta lấy từ mục đích đó quay ngược trở lại, sẽ thấy rằng cần đầu tư cho con mình cái gì, ở thời điểm nào và đầu tư ra sao? Đừng quá coi trọng việc học hành lý thuyết vì mục đích của chúng ta là giống nhau nhưng con đường để đến cái đích đó có rất nhiều cách đi, rất nhiều con đường khác nhau.
Bản thân tôi từng trượt đại học và sau này chỉ có học bồi dưỡng, tại chức thôi. Nhưng tôi được lăn lộn và va chạm với cuộc sống từ khi rời ghế nhà trường, vì thế tôi có nhiều trải nghiệm hơn, cuối cùng thì vẫn “thành người” đó thôi.
Bài học từ cá nhân tôi, tất nhiên không thể áp đặt cho ai cả, nhưng cũng sẽ là một gợi ý không tồi cho các bạn trẻ khi đứng trước sự lựa chọn con đường tương lai của mình. Đó là, đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công và tri thức không phải chỉ có ở trên bục giảng.
Một khi đã xác định được con đường đi thật sớm, biết rõ mình cần gì, có gì và phải làm gì, cả phụ huynh và học sinh sẽ bớt đi những tiếng thở dài trong mỗi mùa tuyển sinh.
Xin cảm ơn anh!