Nhà thơ Lâm Quang Mỹ |
Tôi gặp nhà thơ Lâm Quang Mỹ vào một chiều cuối Thu, nắng nhẹ tại Warsaw. Ông tên thật là Nguyễn Đình Dũng, sinh năm 1944, tại xã Nghi Thọ, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ở tuổi ngoại thất tuần, sức khỏe ông không còn tốt lắm, nhưng vẫn luôn bận rộn và giàu nhiệt huyết với thi ca. Dưới tiết trời Warsaw se lạnh, chúng tôi đã “nướng” trọn một buổi chiều…
Gác đam mê vì sự nghiệp chung của đất nước
Năng khiếu thi ca của Lâm Quang Mỹ phát lộ rất sớm. Ngay từ tiểu học, những bài thơ của cậu bé Nguyễn Đình Dũng đã khiến thầy cô và bạn bè không ngớt lời khen ngợi. Năm học lớp 6 ở Trường cấp 2 Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Đình Dũng đã đạt giải Nhất của cuộc thi do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức với giải thưởng một năm đọc báo và xem phim miễn phí. Cậu cũng đã được nhận Bằng khen của Bác Hồ về thành tích học tập xuất sắc trong năm ấy.
Năm 1967, Nguyễn Đình Dũng được cử sang Ba Lan học đại học. Mặc dù nguyện vọng đăng ký ban đầu của ông là học về văn học, nhưng một vị ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan lúc bấy giờ cho rằng đất nước đang cần những người được đào tạo về khoa học kỹ thuật hơn. Thế là ông rẽ ngang, chọn ngành vật lý điện tử. Và quả thực, ông đã có những đóng góp không nhỏ cho đất nước nhờ ngành học đó.
Năm 1971, tốt nghiệp ngành Điện tử tại trường Đại học Bách khoa Gdansk, Nguyễn Đình Dũng trở về nước, công tác ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tự nhiên tại Hà Nội. Ông cũng từng đảm nhiệm chức Phó phòng điện tử của Viện Vật lý, thuộc Viện khoa học Việt Nam trong suốt nhiều năm đầu.
Ông là người tiếp nhận chiếc máy tính để bàn hiện đại đầu tiên về cho nước ta, ngay trong năm 1975 từ Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam tái thiết hậu chiến và là một trong hai nhà khoa học được cử sang Nga gần hai năm để tiếp nhận sử dụng chiếc máy phát Nơ-tron (hạt nhẹ) đầu tiên, đặt nền móng cho nghiên cứu thực nghiệm về công nghệ hạt nhân của nước nhà.
Đặc biệt, giai đoạn 1976 - 1978, ông từng cùng hai nhà khoa học quân sự thiết kế sẵn hệ thống phòng thủ với hàng chục nghìn trái mìn lớn nhỏ, rải dọc biên giới phía Bắc. Hệ thống này đã góp phần không nhỏ, cùng quân và dân ta giành thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979. Năm 1989, Nguyễn Đình Dũng trở lại Ba Lan, vừa học nghiên cứu sinh, vừa làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Năm 2002, ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và tiếp tục làm việc tại đây cho đến lúc nghỉ hưu năm 2004 rồi định cư hẳn tại Warsaw.
Nhà thơ Lâm Quang Mỹ và tác giả. |
Trở lại với thi ca
Từ lúc nghỉ hưu, Nguyễn Đình Dũng trở lại với niềm đam mê, dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tác, dịch thơ và các hoạt động khác liên quan đến thi ca dưới bút danh Lâm Quang Mỹ. Ông hiện đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Ba Lan. Sự nghiệp thi ca đã đưa Lâm Quang Mỹ lên một đỉnh cao mới. “Giờ nói đến tiến sĩ vật lý Nguyễn Đình Dũng chắc chẳng còn mấy ai nhớ tới. Gã ấy hình như đã chết”, ông tự trào về bản thân như vậy.
Nhà thơ Lâm Quang Mỹ đã gặt hái rất nhiều giải thưởng như: giải Thơ hay về Mùa Thu do Hội Nhà văn Ba Lan trao tặng năm 2004; hai giải thưởng về thơ và những hoạt động văn học của Những Ngày Thơ Quốc tế UNESCO Ba Lan tổ chức vào năm 2006 và 2016; hai giải nhất cuộc thi Marathon Thơ (của ban giám khảo và của công chúng) ở Liên hoan Thơ lần thứ năm các nước có chung biên giới với Ba Lan” tại thành phố Rzeszow năm 2008; hai “Cành Nguyệt quế Lớn” về thơ và dịch thơ tại Liên hoan Văn học Quốc tế Galicja Ba Lan năm 2009 và 2011.
Các tập thơ của Lâm Quang Mỹ: Đợi, Chiều rơi trên sóng (Evening descends on waves) in song ngữ Anh - Việt, Tiếng vọng in song ngữ Việt Nam - Ba Lan, Przemija życie... (Life passes on...) in song ngữ Ba Lan - Anh, Zatoulana Pisen bằng tiếng Tiệp, Tháng ngày… được Athanase Vantchev de Thracy dịch ra tiếng Pháp... Song song với việc sáng tác, Lâm Quang Mỹ đã cùng dịch giả Ba Lan Pavel Kubiak dịch Tuyển tập Thơ Việt Nam từ thế kỉ thứ 11 đến thế kỉ 19 và Tuyển tập Thơ Việt Nam từ 1932 đến 1941 sang tiếng Ba Lan.
Hiện nay, nhà thơ Lâm Quang Mỹ thường xuyên được mời làm giám khảo các cuộc thi thơ và tham gia giới thiệu thơ tại các sự kiện văn hóa, thi ca của Ba Lan và một số nước khác. Người Ba Lan rất thích sự độc đáo khi ông tự nhiên hát lên các bài thơ của mình. Một đồng nghiệp Ba Lan từng nhận xét: “Các tiết mục khác bị lu mờ khi Lâm Quang Mỹ hát thơ”.
Với những cống hiến đó, ông đã được Bộ Văn hoá và Di sản Quốc gia Ba Lan trao tặng Huân chương Danh dự về sự đóng góp cho nền văn hoá Ba Lan (2013); Quỹ Văn hoá và Xã hội Ba Lan trao tặng Huân chương Danh dự (Medal SPES) năm 2016; trao Giải thưởng Văn học mang tên Đại thi hào Klemens Janicki về toàn bộ sáng tác văn học và sự đóng góp vào nền văn hoá châu Âu (2013) và thị trấn Krasne (Ba Lan) - quê hương của đại thi hào Ba Lan Zygmunt Krasinski, đã phong tặng ông danh hiệu Công dân danh dự.