Thời gian qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp khi căng thẳng Trung Quốc và Philippines leo thang. (Nguồn: Euro Asia Review) |
Trong một bài phân tích gần đây trên Euro Asia Review, nhà ngoại giao kỳ cựu của Indonesia, thạc sĩ về khoa học chính trị so sánh tại Đại học New York (Mỹ), ông Simon Hutagalung đã tập trung vào phân tích các giải pháp tiềm năng cho xung đột ở Biển Đông. Ông Simon Hutagalung nhấn mạnh tới việc đàm phán hòa bình theo tinh thần của luật pháp quốc tế, các kênh liên lạc mở cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác phát triển nguồn lực, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và sự tham gia của các bên hòa giải. Báo Thế giới & Việt Nam lược dịch bài phân tích.
Đàm phán hòa bình theo tinh thần UNCLOS
Luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS tạo ra một khuôn khổ vững chắc để giải quyết các tranh chấp trên biển. UNCLOS được thành lập năm 1982 quy định rõ quyền cũng như trách nhiệm của các quốc gia trên các đại dương. UNCLOS thúc đẩy sử dụng hòa bình các nguồn tài nguyên biển và giải quyết xung đột một cách công bằng.
Điều 279 của UNCLOS 1982 nêu rõ các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, khuyến khích trật tự hàng hải quốc tế mang tính hợp tác.
Xung đột ở Biển Đông có thể sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp được nêu trong UNCLOS, chẳng hạn như giải quyết bằng trọng tài và tư pháp quốc tế.
Vụ kiện trọng tài năm 2013 do Philippines đưa ra chống lại Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague là một ví dụ điển hình và được coi như một tiền lệ.
Phán quyết năm 2016 đã vô hiệu hóa yêu sách “đường chín đoạn” mở rộng của Trung Quốc, qua đó củng cố các nguyên tắc được quy định trong UNCLOS (PCA, 2016).
Bất chấp việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết, phán quyết của PCA nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp.
Rõ ràng, việc tham gia vào các cuộc đàm phán dựa trên tinh thần của UNCLOS có thể nâng cao tính hợp pháp và sự chấp nhận của bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.
Trao đổi cởi mở và xây dựng lòng tin
Giải quyết xung đột hiệu quả đòi hỏi phải có sự trao đổi minh bạch và cởi mở cũng như các biện pháp nhằm xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Đối thoại có thể giúp giảm thiểu những hiểu lầm và thúc đẩy sự tin cậy, hợp tác. Ngoại giao kênh 2, với sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia phi chính phủ, có thể bổ sung cho các cuộc đàm phán chính thức bằng cách cung cấp các kênh đối thoại không chính thức.
Các biện pháp xây dựng lòng tin có thể bao gồm thiết lập đường dây nóng để liên lạc ngay lập tức khi xảy ra sự cố, tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung và chia sẻ thông tin về các hoạt động quân sự.
Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các cuộc đàm phán đang diễn ra về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN đóng vai trò nền tảng, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tiếp xúc cởi mở, xây dựng lòng tin.
ARF thúc đẩy đối thoại và hợp tác an ninh, trong khi COC có mục tiêu ngăn chặn xung đột ở Biển Đông bằng cách thiết lập các quy tắc và quy định đã được các bên thống nhất.
Một phiên làm việc tại toà PCA. (Nguồn: PCA) |
Việc phát triển chung các nguồn tài nguyên cũng có thể được thúc đẩy. Có thể thấy, xung đột ở Biển Đông phần nào xuất phát từ nguồn tài nguyên dồi dào trong khu vực như thủy sản và hydrocarbon.
Việc cùng phát triển các nguồn tài nguyên biển, chuyển đổi cạnh tranh thành hợp tác một cách hiệu quả cũng là giải pháp cho những tranh chấp và xung đột tiềm tàng.
Các Thỏa thuận phát triển chung (JDA) cho phép các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông khai thác chung các nguồn tài nguyên và chia sẻ lợi ích, tạm thời gạt bỏ các tranh chấp chủ quyền.
Khung pháp lý rõ ràng, cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng và thủ tục giải quyết tranh chấp hiệu quả là điều cần thiết để đảm bảo sự thành công của JDA. Thêm vào đó, việc thành lập các JDA đa phương dưới sự giám sát quốc tế sẽ đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả vẫn là phải tuân thủ các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hòa bình được nêu trong UNCLOS. UNCLOS đưa ra nhiều cơ chế khác nhau như đàm phán, hòa giải và trọng tài để giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Tuân thủ các cơ chế này có ý nghĩa rất quan trọng để đạt được giải pháp xung đột bền vững. Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện trọng tài Philippines-Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng các phán quyết tư pháp quốc tế.
Vai trò của hòa giải
Giải pháp hòa giải không mang tính ràng buộc nhưng mang tính xây dựng cho đối thoại. Các bên thứ ba trung lập hỗ trợ quá trình này bằng cách tạo điều kiện cho đàm phán và đề xuất giải pháp.
Hơn nữa, mặc dù không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng các biện pháp hòa giải có thể dẫn đến các thỏa thuận chính thức. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là những diễn đàn giải quyết tư pháp theo tinh thần của UNCLOS.
Tin liên quan |
Chuyên gia phân tích 'nước cờ' của Trung Quốc và Philippines trước căng thẳng gia tăng tại Biển Đông |
Sự tham gia của bên hòa giải rất quan trọng, tạo điều kiện cho đối thoại và đảm bảo tính công bằng trong đàm phán. Các chủ thể quốc tế uy tín còn có thể nâng cao tính hợp pháp và sự chấp nhận của các giải pháp được đưa ra. Hòa giải viên có thể là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc cá nhân có chuyên môn về giải quyết xung đột và luật hàng hải.
Liên hợp quốc, thông qua các cơ quan như Ban Chính trị và Xây dựng hòa bình (DPPA) có thể hỗ trợ hòa giải. Các tổ chức khu vực như ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) cũng có thể đóng góp vào quá trình này.
Ngoài ra, những nhân vật giàu kinh nghiệm bao gồm cả các cựu nguyên thủ quốc gia hoặc các nhà ngoại giao đều có thể đóng vai trò là những nhà hòa giải đáng tin cậy.
Tóm lại, giải quyết xung đột ở Biển Đông đòi hỏi các giải pháp thực tế như cùng phát triển nguồn tài nguyên và tuân thủ các cơ chế giải quyết hòa bình được nêu trong UNCLOS.
Các biện pháp đối thoại và xây dựng lòng tin hiệu quả có thể thúc đẩy niềm tin giữa các quốc gia, có khả năng biến cạnh tranh thành hợp tác khi phát triển các nguồn tài nguyên chung.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các hòa giải viên (bên thứ ba) trung lập là cần thiết để tạo điều kiện cho đối thoại và đảm bảo tính công bằng. Bằng cách cùng nhau hợp tác và tôn trọng luật pháp, giải quyết hòa bình cách tranh chấp, ứng xử một cách minh bạch, công bằng, chúng ta có thể đạt được hòa bình ở Biển Đông.
| Quan điểm của Việt Nam về việc Philippines vừa đệ trình Báo cáo Ranh giới ngoài thềm lục địa ở Biển Đông Ngày 20/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Philippines vừa đệ trình Báo ... |
| Trường Sa: Hành trình của muôn cảm xúc Những ngày lênh đênh trên sóng, không điện thoại, không mạng xã hội, chỉ có nắng, gió, bình minh, hoàng hôn của biển đảo và ... |
| Chủ tịch Trung Quốc thăm 2 nước Trung Á, dự Hội nghị thượng đỉnh SCO Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 30/6 thông báo Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, sẽ tham ... |
| Trung Quốc thăm dò phản ứng của Mỹ với các đồng minh ở Biển Đông Theo các chuyên gia, chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng tình hình căng thẳng ở Biển Đông để đánh giá phản ứng của ... |
| Mỹ, Nhật Bản, Philippines sẽ tuần tra chung bất chấp căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila ở Biển Đông Một quan chức Mỹ cho biết hải quân nước này cùng với Nhật Bản và Philippines sẽ triển khai các cuộc tuần tra hải quân ... |